
Nguy cơ có 40 hồ chứa tại Đắk Nông trơ đáy trong tháng 4 này, hàng chục ngàn hecta cây trồng đối mặt với nắng hạn - Ảnh: THẾ THẾ
Ngày 3-4, tại xã Đắk Lao (huyện Đắk Mil), phóng viên Tuổi Trẻ Online ghi nhận nhiều hồ thủy lợi gần như trơ đáy, chỉ còn lại những vũng nước nhỏ dưới cái nắng gay gắt, thiếu nước trầm trọng.
Hàng chục hồ trơ đáy, thiếu nước
Tình trạng khô hạn không chỉ diễn ra tại nhiều hồ chứa lớn như hồ số 35, 40, Đắk Mbai, Tăng Gia ở Đắk Mil và lan rộng sang các khu vực khác.Ở huyện Krông Nô, nhiều hồ nước đã cạn nước từ giữa tháng 3. Hồ Xu Đăng tại huyện Đắk Song cũng đã trơ đáy từ ngày 17-3.
Tại hồ thủy lợi số 35 (xã Đắk Lao), vài máy bơm đang cố hút những giọt nước cuối cùng của những vũng nước nhỏ vài trăm khối còn đọng lại. Hồ đội 40 cũng trong tình trạng tương tự.
Ông Trương Xuân Hùng - chủ tịch UBND xã Đắk Lao - cho hay: "Hiện 6/7 hồ chứa đã cạn, khoảng 700ha cây công nghiệp sẽ thiếu nước nếu không có mưa".
Để giải quyết trước mắt, ngoài việc vận chuyển nước từ hồ Tây Đắk Mil, chính quyền hướng dẫn người dân tích trữ nước và áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm.

Một nông dân ở huyện Đắk Mil buồn bã vác máy bơm về vì hồ đã trơ đáy - Ảnh: DUNG THẢO
Theo lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông, toàn tỉnh có 13 hồ và đập thủy lợi đã cạn nước, trong đó có 9 công trình ở Đắk Mil. Đến cuối tháng 3-2025, Đắk Nông đã có 22 hồ cạn nước. Dự báo con số này có thể tăng lên 37 vào tháng 4, đẩy tình trạng hạn hán lên mức báo động.
Vật lộn với nắng hạn, lao đao tìm nước
Bà Lê Thị Liên, người dân thôn Sơn Trung (xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil) chia sẻ rằng gia đình canh tác 2ha cà phê xen tiêu và nguồn nước tưới phụ thuộc vào hồ thủy lợi. Tuy nhiên, suốt một tháng qua, hồ gần như cạn kiệt nước, khiến việc tưới cây gặp khó khăn.
"Chúng tôi khoan giếng sâu 50m, nhưng chỉ đủ nước sinh hoạt," bà Liên than thở.

Những vũng nước nhỏ trên hồ đội 40, Đắk Lao được người dân tận dụng để tưới cây trồng - Ảnh: DUNG THẢO
Gia đình anh Tạ Duy Thông, nông dân tại thôn Đắk Thọ (xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil) cũng đang đứng trước nguy cơ mất mùa. Hồ đội 40, nguồn nước chính của gia đình anh, đã cạn từ một tháng qua. Anh và các hộ dân phải chi phí mua nước từ nơi cách nhà 1,5km với mức phí 500.000 đồng mỗi giờ bơm.
Ông Chu Gia Thất - trưởng thôn Đắk Thọ - cho biết tình trạng khan hiếm nước khiến cây trồng, đặc biệt là cà phê, bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều vườn cà phê đang bị cháy lá, khô cành và quả, ảnh hưởng đến năng suất.

Hồ thủy lợi số 40 (xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil) đang được tu sửa để có thể tích được nhiều nước hơn vào mùa sau - Ảnh: THẾ THẾ
Còn tại xã Đức Mạnh, nhiều hộ dân rơi vào cảnh lao đao khi đập thủy lợi đã cạn nước gần một tháng. Những mảng đất trơ đáy tại đập Hợp tác xã Mạnh Thắng là hình ảnh đau lòng người dân nơi đây phải đối mặt.
"Chúng tôi phải dùng máy bơm hút nước vũng nhỏ, nhưng chỉ đủ tưới trong 30 phút," ông Phạm Minh Trưng, một người dân tại thôn 8, xã Đức Mạnh, chia sẻ.
Nhiều hộ dân phải thuê máy móc đào ao, khoét đá để tìm nước, nhưng chi phí đầu tư cao và hiệu quả không khả quan.
Trước tình cảnh này, nhiều nông dân tại Đắk Nông chỉ còn biết trông chờ vào mưa đầu mùa để "cứu" cây trồng. Nếu trời không mưa, rất nhiều diện tích cây công nghiệp tại địa phương sẽ thiếu nước trầm trọng, đẩy người dân vào cảnh khốn khó.

Người dân tận dụng mọi nguồn nước còn lại để cứu cây trồng - Ảnh: DUNG THẢO

Người dân đỏ mắt tìm mọi nguồn nước vì nhiều hồ đập quanh vùng Đức Mạnh, Đắk Lao của Đắk Mil đã trơ đáy - Ảnh: DUNG THẢO

Chỉ một số ít diện tích vẫn còn được tưới đầy đủ - Ảnh: THẾ THẾ

Phần lớn diện tích cây trồng bên các công trình thủy lợi đã phải phó mặc cho trời - Ảnh: THẾ THẾ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận