08/09/2003 06:15 GMT+7

Máy vi tính chỉ xài để đánh chữ ?

QUỐC THANH thực hiện
QUỐC THANH thực hiện

TT (TP.HCM) - Gần đây, ở khắp các tỉnh, thành cả nước bùng nổ xu hướng chạy đua lập dự án ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Dự án nào cũng đề xuất trang bị máy móc hiện đại, xây dựng hệ thống mạng, lập website, thậm chí trang bị hệ thống cáp quang đắt tiền... Tuy nhiên các chuyên gia, các nhà quản lý... lại tỏ ra hết sức lo lắng đến tính hiệu quả của các dự án.

q6mJU86A.jpgPhóng to

Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại TP.HCM, ông Sesto E. Vecchi, đặt câu hỏi với UBND TP.HCM trên hệ thống đối thoại doanh nghiệp - Nhà nước tại buổi ra mắt "mạng thông tin tích hợp của TP.HCM trên Internet"

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trọng - chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT - nhận định:

- Phải thấy được một điều là hầu hết các địa phương cả nước rất nỗ lực, tích cực đưa nhanh những thành tựu mới mẻ của CNTT làm công cụ phục vụ việc quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên các địa phương đều lúng túng, nhiều địa phương cũng tự đánh giá hiệu quả ứng dụng CNTT còn rất thấp.

* Theo ông, vì sao các địa phương lúng túng?

- Bởi vì chiến lược phát triển như thế nào vẫn chưa rõ; mô hình nào trong ứng dụng CNTT cho các địa phương vẫn chưa có. Theo tôi, Chính phủ sẽ phải suy nghĩ rất kỹ về vấn đề này. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của một lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh: phải suy nghĩ thật kỹ mô hình CNTT ở các địa phương và tổ chức thực hiện ở một số địa phương theo mô hình đó chứ không thể để tình trạng “ai nghĩ được gì thì làm như thế đó” kéo dài mãi.

* Nhìn vào thống kê chi tiêu cho CNTT ở nước ta qua nhiều năm cho thấy “cán cân” luôn nghiêng hẳn về chi tiêu cho mua sắm phần cứng. Các chuyên gia cho rằng tình trạng ấy nói lên hiệu quả các dự án ứng dụng CNTT còn thấp. Ông có đồng tình với nhận định như thế?

- Tất nhiên việc đầu tư cho phần cứng và phần mềm dịch vụ trong một dự án ứng dụng CNTT quá chênh nhau như vậy phải nói rất rõ là hiệu quả của dự án chưa cao. Nhưng điều này không phải khi triển khai các dự án ứng dụng CNTT, các địa phương thích mua phần cứng hơn là bỏ tiền cho trang bị phần mềm.

Trên thực tế còn nhiều vấn đề bất cập trong triển khai các dự án CNTT. Nếu triển khai dự án CNTT mà kê khai mua sắm phần cứng như trang thiết bị, máy móc... thì được thông qua tương đối nhanh; trong khi các dự án có kinh phí dành cho mua sắm phần mềm chiếm khoảng 10% là rất khó thông qua. Nếu cứ quan niệm các dự án CNTT theo kiểu dự án xây dựng cơ bản thì tình trạng nói trên làm sao tránh khỏi.

Tới đây, chúng tôi dự kiến qui định rõ rằng trong một dự án CNTT nếu không có tỉ lệ kinh phí dành cho phần mềm dịch vụ khoảng 40-45% thì dứt khoát không thông qua. Tôi tin tưởng đề nghị này sẽ được chấp nhận và trong một dự án CNTT làm như thế là cần thiết.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ném tiền cho mua sắm phần mềm dịch vụ theo kiểu “thích phần mềm nào thì mua phần mềm đó” mà phải chứng minh được việc sử dụng phần mềm như thế nào để xứng đáng với tỉ lệ kinh phí 40-45% trong dự án dành mua phần mềm dịch vụ.

* Trong thực tế cũng có nhiều nơi, nhiều địa phương mua sắm máy tính đắt tiền để dùng làm máy đánh chữ; cấp cho đường truyền dung lượng đến 64Kb nhưng không biết làm gì... Theo ông, sự lãng phí như thế hiện có phổ biến?

- Có lẽ tình hình mua sắm máy tính mà không biết làm gì, theo tôi, là không phổ biến ở nhiều địa phương. Hầu hết máy tính được mua sắm đều được sử dụng vào những việc tương đối cụ thể và đơn giản như soạn thảo văn bản, lưu trữ và tìm kiếm văn bản...

Tuy nhiên, nếu sử dụng máy tính để khai thác hệ thống thông tin hiệu quả thì rất nhiều nơi không biết làm thế nào cả. Thực tế chúng ta quá thiếu lực lượng để có thể triển khai sử dụng máy tính khai thác hiệu quả hệ thống thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước.

Trở lại với câu hỏi “nhiều nơi mua máy tính về không biết làm gì hiện có phổ biến?”, tôi có thể nói rằng dùng máy tính để làm việc lớn thì nhiều nơi không biết thật, nhưng dùng vào các việc đơn giản như đã nêu trên là rất phổ biến.

* Có không ít dự án xây dựng hệ thống CNTT cố gắng chứng minh cho được tính hiệu quả của dự án để được phê duyệt thông qua và cấp kinh phí. Nhưng việc thuyết minh tính hiệu quả ấy hiện rất tùy tiện. Ông có cho rằng điều này ảnh hưởng rất lớn đến tính khả thi và hiệu quả thực tế của dự án CNTT?

- Tất nhiên là như thế. Bởi vì không hiểu đúng thế nào là hiệu quả thì sẽ làm ra những hệ thống thông tin phần lớn là không hiệu quả. Tôi cũng cho rằng nếu hiệu quả của một dự án CNTT mà không đo được thì sẽ không quản lý được hiệu quả của dự án đó.

Một thời gian dài người ta dựa vào lập luận cho rằng ứng dụng CNTT làm thay đổi chất lượng công việc và xem đó là hiệu quả của dự án. Người ta cũng nói đừng nghĩ hiệu quả ứng dụng CNTT sẽ đo được bằng những đại lượng cụ thể.

Chính bản thân tôi cách đây độ chục năm cũng suy nghĩ như thế. Nhưng đó là cách nói và suy nghĩ của những người không hiểu tường tận vấn đề hiệu quả của một dự án CNTT.

Ngày nay, các chuyên gia đều đã hiểu rằng phải đo được hiệu quả của các dự án CNTT, nếu không đo được bằng những đại lượng cụ thể thì không thể nào nói dự án đó có hiệu quả.

QUỐC THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên