![]() |
Đèn chiếu sáng dân lập tại Bình Chánh bị "tạm cắt" để thực hiện giảm công suất bóng đèn |
Dân bỏ tiền gắn đèn
Ông Huỳnh Văn Tư, ngụ ấp 3, xã Hưng Long, cho biết do sinh sống trong ruộng, đường đi chỉ đủ cho một xe gắn máy, đèn đóm không có nên ban đêm bà con chỉ ở trong nhà cho an toàn.
Vì thế, người dân trong ấp đã họp và thống nhất mỗi hộ góp ít tiền theo khả năng để gắn đèn chiếu sáng dân lập. Cứ 20 hộ lo một bóng đèn. Chi phí gắn một bóng đèn khoảng 150.000 đồng gồm: bóng cao áp thủy ngân công suất 250W, chụp đèn, cầu dao và công lắp đặt. Khoảng cách mỗi bóng là 600m-800m. Cho dù không đủ ánh sáng như những trục đường chính, nhưng đối với bà con xứ ruộng như vậy là quá đủ.
Thế nhưng gần đây, UBND xã Hưng Long ra thông báo chỉ cho gắn những bóng đèn có công suất dưới 150W, nếu trên 150W sẽ bị cắt. Trong lúc bà con đang tính toán việc thay đổi bóng đèn thì ngày 15-10-2003 vừa qua, Điện lực Tân Phú cho nhân viên xuống cắt tất cả bóng đèn chiếu sáng khiến bóng tối bao phủ trở lại các con đường trong xã.
Không chỉ ở Hưng Long, bà con các xã Phong Phú, Đa Phước cũng cho biết: “Hệ thống chiếu sáng dân lập tại đây còn khá tốt, tháo dỡ thay thế sẽ gây lãng phí cho dân. Nếu Nhà nước đồng ý bỏ tiền thay thế dân sẽ thực hiện, hoặc khi bóng đứt sẽ thay luôn”.
Loại bỏ, vì sao?
Ngày 24-10-2003, trao đổi cùng PV Tuổi Trẻ, giám đốc Điện lực Bình Phú Trần Văn Lê Hà cho biết:
“Điện lực Bình Phú không có chủ trương và cũng không cử nhân viên đi làm việc này. Trước đây, hệ thống điện chiếu sáng dân lập do Công ty Chiếu sáng công cộng quản lý và từ 1-1-2003 chuyển về UBND quận, huyện. Do nhiều nơi mắc bóng công suất quá cao, không hợp lý nên cuối năm 2002 UBND TP.HCM có văn bản chỉ đạo UBND quận, huyện rà soát lại để giảm bớt công suất cho phù hợp”.
Chủ tịch UBND xã Hưng Long Trần Minh Thuận xác nhận từ tháng 5-2003, UBND huyện Bình Chánh đã có công văn yêu cầu chủ tịch UBND 20 xã, thị trấn trên địa bàn huyện tiến hành vận động nhân dân thay thế bóng đèn cao áp dân lập trên 150W xuống còn bóng có công suất bằng hoặc thấp hơn 150W. Sau một thời gian vận động, tại xã Hưng Long vẫn còn 117 bóng chưa thay (trong tổng số 247 bóng trên 150W phải thay thế) nên xã chỉ tạm cắt chứ không cắt hẳn như người dân phản ảnh.
Được biết, trên địa bàn huyện Bình Chánh hiện có 10.731 bóng đèn dân lập, và trong số này có đến 10.368 bóng trên 150W phải thay thế. Trước số lượng lớn bóng đèn do dân tự gắn nay phải loại bỏ như vậy, có cách nào hỗ trợ để người dân không bị thiệt?
Trong lúc đó, ông Nguyễn Kim Thế, phó phòng tài chính - kế hoạch huyện Bình Chánh, cho rằng: “Có thể người dân bị thiệt hại chút ít, nhưng chắc chắn số tiền điện chiếu sáng dân lập phải trả (hiện nay huyện Bình Chánh phải thanh toán khoảng 1 tỉ/tháng) sẽ giảm rất nhiều”.
Đâu chỉ thay bóng là xong!
Theo qui định về lắp đặt mới, cải tạo và quản lý hệ thống đèn chiếu sáng dân lập trên địa bàn TP.HCM (ban hành kèm quyết định số 11 ngày 23-1-2003 của UBND TP.HCM), một bóng đèn chiếu sáng dân lập phải đảm bảo bốn yếu tố: phải là đèn sodium cao áp, có dây cáp nguồn bọc nhựa XLPE, có cần đèn ống sắt mạ kẽm và có tủ điều khiển kèm điện kế đo đếm điện năng.
Tóm lại, cứ nhìn hệ thống đèn chiếu sáng chính qui như thế nào thì đèn dân lập cũng phải làm theo như vậy. Nhưng số tiền một bộ như vậy là bao nhiêu? Nguồn tin từ Công ty Chiếu sáng công cộng cho biết khoảng... 9 triệu đồng/bộ.
Vậy là bà con ở Bình Chánh (và nhiều nơi khác có gắn đèn chiếu sáng dân lập) sẽ phải đóng rất nhiều tiền để đảm bảo qui định kỹ thuật về đèn chiếu sáng dân lập như qui định? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Kim Thế cho biết: “Trước mắt vận động nhân dân thay thế bóng đèn. Sau đó, UBND các xã (chủ đầu tư) lên kế hoạch xây dựng, cải tạo hệ thống điện chiếu sáng dân lập. Việc xây dựng mới cũng như cải tạo hệ thống cũ sẽ được bàn bạc với người dân, trong đó có cả kinh phí đóng góp”.
Đúng là do ngân sách hạn hẹp nên mới có chuyện dân góp tiền mua bóng đèn, Nhà nước thanh toán tiền điện. Bây giờ người dân không chỉ dừng ở việc đóng tiền thay bóng đèn theo qui định mà còn phải đóng góp xây dựng hệ thống chiếu sáng dân lập hoàn chỉnh, sau đó giao lại cho một công ty công ích quản lý.
Thiết nghĩ bà con đang ở những nơi phải dùng bóng đèn dân lập, tức ở những nơi có nhiều thiệt thòi. Do đó đề nghị nên trích một phần tiền đóng góp cơ sở hạ tầng ở những nơi khác về đây để giảm bớt việc đóng góp của bà con tại chỗ trong việc xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng dân lập, và cũng góp phần phát triển đời sống kinh tế - xã hội ở ngoại thành TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận