
Tiết học môn văn của học sinh lớp 12A5 Trường THPT Lương Văn Can, quận 8, TP.HCM - Ảnh: ANH KHÔI
Tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Thưởng - thứ trưởng Bộ GD-ĐT - nhấn mạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 rất đặc biệt và có nhiều điểm mới.
Nhiều điểm đặc biệt
Đặc biệt thứ nhất: đây là lần đầu tiên có lứa học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp. Điểm đặc biệt thứ hai là có hai đối tượng học sinh học hai chương trình dự thi. Trong đó có 25.000 học sinh học chương trình giáo dục 2006 (chương trình cũ). Đây là số học sinh đã hoàn thành chương trình THPT năm 2024 nhưng chưa đỗ tốt nghiệp hoặc đã tốt nghiệp nhưng thi lại để có kết quả tham gia xét tuyển ĐH năm nay.
Chính vì đặc điểm này mà kỳ thi sẽ có hai loại đề thi cho hai đối tượng thí sinh. Quy định về môn thi, bài thi cũng khác nhau. Thí sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2006 sẽ thi theo phương thức như năm 2024.
Học sinh học chương trình THPT sẽ thi ba bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổ hợp (chọn một trong hai bài). Học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên sẽ thi hai bài độc lập là toán, ngữ văn và một trong hai bài thi tổ hợp.
Học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ thi bốn môn, gồm toán, ngữ văn và hai môn thi tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, tin học, công nghệ, địa lý, lịch sử, giáo dục kinh tế và pháp luật, các môn ngoại ngữ. Như vậy so với kỳ thi trước, kỳ thi năm nay tăng vọt số môn thi, đề thi.
Việc cho phép học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chọn môn thi cũng là một thách thức cho các hội đồng thi vì phải đáp ứng nhiều sự lựa chọn khác nhau.
Theo ông Huỳnh Văn Chương - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), nếu thí sinh là học sinh học chương trình 2006 sẽ có 24 mã đề/phòng thi (với bài thi trắc nghiệm) thì thí sinh là học sinh chương trình 2018, số mã đề được in sẽ tương ứng với số thí sinh ở mỗi môn lựa chọn.
Cũng có những thay đổi đáng chú ý như học sinh học chương trình 2018 không được phép mang atlat địa lý vào phòng thi trong buổi thi môn lựa chọn, trong khi học sinh học chương trình 2006 vẫn được mang atlat vào phòng thi khi làm bài thi tổ hợp có môn thành phần là địa lý.
Từ việc bố trí thí sinh vào phòng thi, phòng chờ đến việc in sao, bảo quản đề thi, phát đề, thu bài phân biệt rõ hai đối tượng thí sinh cũng là những vấn đề cần được đội ngũ tham gia công tác thi tập huấn kỹ.
Thay đổi bộ máy nhân sự tham gia kỳ thi tốt nghiệp
Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong nhiều năm nay được giao cho chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương chủ trì, chịu trách nhiệm toàn diện từ khâu in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra thi...
Các năm trước Bộ GD-ĐT cử thanh tra của bộ và thanh tra huy động từ các trường ĐH phối hợp với thanh tra sở GD-ĐT thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi. Nhưng năm nay, từ ngày 1-6 thanh tra Bộ GD-ĐT sẽ chuyển về Thanh tra Chính phủ, thanh tra của sở GD-ĐT chuyển về thanh tra tỉnh.
Tương tự, lực lượng an ninh tham gia giám sát kỳ thi cũng có những thay đổi về bộ máy theo chủ trương tinh giản, sáp nhập, thực hiện mô hình hai cấp. Theo đó không còn công an cấp quận, huyện.
Trao đổi tại hội nghị, ông Thưởng cho biết lực lượng thanh tra, công an là nòng cốt trong việc giám sát, đảm bảo an toàn cho kỳ thi. Nên tuy có sự điều chuyển trong bộ máy quản lý, các lực lượng này vẫn tham gia làm nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với ban chỉ đạo thi cấp quốc gia, ban chỉ đạo thi các tỉnh, TP.
Cũng vì kỳ thi có những điểm đặc biệt và nhiều xáo trộn nên lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết phải tổ chức hội nghị tập huấn sớm hơn. Trước đó phương án thi được công bố trước 18 tháng, các văn bản chỉ đạo liên quan tới kỳ thi cũng được Bộ GD-ĐT ban hành sớm hơn so với kỳ thi trước.
Bộ GD-ĐT cũng tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành hai công điện của Thủ tướng Chính phủ có nội dung tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với tinh thần không để việc sắp xếp bộ máy quản lý làm ảnh hưởng đến việc tổ chức kỳ thi.
Ông Thưởng đặc biệt lưu ý với các sở GD-ĐT tại hội nghị về phương châm "4 đúng", "3 không" đã được quán triệt từ kỳ thi trước.
"4 đúng" là: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường.
"3 không" là: Không lơ là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường.
Dự kiến 20-6 hội nghị trực tuyến triển khai kỳ thi với các địa phương
Bộ GD-ĐT đã thành lập các đoàn kiểm tra ở các khâu chuẩn bị thi, coi thi và chấm thi. Ông Phạm Ngọc Thưởng cũng cho biết dự kiến khoảng 20-6 sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai kỳ thi tốt nghiệp THPT với ban chỉ đạo thi các địa phương, có đại diện của Chính phủ tham dự và chỉ đạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận