04/11/2003 06:07 GMT+7

Thực thi quyền được kinh doanh, nhưng...

L.B.
L.B.

TT (Hà Nội) - Chủ trì hội nghị sơ kết bốn năm thi hành Luật doanh nghiệp (DN) tổ chức ngày 3-11 tại Hà Nội, Thủ tướng Phan Văn Khải nhắc các đại biểu: “Từ hội nghị này ra về chúng ta phải biết làm gì, chứ không chỉ đến đây để vỗ tay. Hội nghị đánh giá những thành công nhưng cũng phải chỉ ra những cản trở. Và khi thấy rồi thì phải giải quyết”.

kUPgB9Js.jpgPhóng to
Thủ tướng Phan Văn Khải và các doanh nhân tại hội nghị

Thủ tướng nhấn mạnh rằng: “Bản thân tôi thấy rằng bộ máy của chúng ta rất trì trệ cả từ trung ương xuống địa phương. Vì thế nhiều việc chúng ta có thể làm tốt hơn nhưng chưa làm được”.

4 “được” - 5 “chưa được”

Đánh giá khái quát kết quả bốn năm thực thi Luật DN, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng có bốn mặt được và năm mặt chưa được.

fq6h90Sc.jpgPhóng to
Thủ tướng Phan Văn Khải trao đổi với Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên bàn chủ tọa hội nghị
Mặt được thứ nhất là công dân được trao quyền tự do kinh doanh đã làm khơi dậy và cổ vũ tinh thần kinh doanh, ý chí làm giàu, từ đó củng cố và làm tăng thêm lòng tin của người đầu tư.

Cái được thứ hai là giải phóng và phát triển được sức sản xuất, huy động và phát huy được nội lực (con số thống kê mới nhất: từ năm 2000 đến tháng 9-2003 đã có thêm 75.000 DN ra đời với số vốn đăng ký gần 10 tỉ USD và đã tạo thêm 2 triệu chỗ làm việc mới).

Cái được thứ ba là thúc đẩy mạnh mẽ việc hình thành và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, từ việc bãi bỏ giấy phép con cho đến việc tạo ra “sân chơi” bình đẳng giữa các loại hình DN.

Cái được thứ tư là đã thay đổi từng bước phương thức quản lý “năng lực tới đâu mở tới đó” bằng “mở tới đâu, năng lực quản lý phải vươn tới đó”. Và chế độ “tiền kiểm” đã chuyển sang “hậu kiểm”.

Năm mặt chưa được, trước hết là sự tác động của Luật DN không đồng đều giữa các vùng, đa số DN ra đời ở các khu vực đô thị.

Thứ hai là sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước chưa tốt, vẫn còn một số văn bản cần thiết chưa được ban hành. Một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức, nhất là ở các cấp chính quyền địa phương, chưa làm hết chức trách, phận sự đối với DN.

Mặt chưa được thứ ba mà hầu hết DN đều kêu là trình tự, thủ tục và điều kiện đăng ký kinh doanh ở một số địa phương trái với Luật DN, và việc can thiệp vào công việc nội bộ của DN còn xảy ra ở nhiều nơi.

Mặt chưa được thứ tư mà các bộ ngành tập trung lên tiếng là đã gần bốn năm thực thi Luật DN nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh ở trung ương, tỉnh và huyện đều còn yếu, chưa hoàn thành được nhiệm vụ.

Mặt chưa được cuối cùng thuộc về các DN là không ít DN vẫn chưa hiểu đúng bản chất và ý nghĩa của việc đăng ký kinh doanh, tổ chức kinh doanh không tuân thủ đúng các điều kiện kinh doanh...

Các doanh nghiệp lên tiếng

Chủ yếu đầu tư vào thương mại - dịch vụ

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ bên lề hội nghị về bức tranh ngành nghề của 75.000 DN mới ra đời sau khi có Luật DN, đại diện tổ công tác thi hành Luật DN nói chưa kịp thống kê đầy đủ. Chỉ có con số thống kê năm 2000 cho thấy đa số DN chọn ngành thương mại và dịch vụ. Có lẽ cơ cấu này tới nay cũng vậy.

Theo TS Đinh Văn Ân, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cách làm của Trung Quốc khác ta: họ ưu tiên cho các DN đầu tư vào sản xuất công nghiệp.

Trong khi ở ta, theo ông Vũ Quốc Tuấn, chuyên gia Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, làm sao DN có thể đầu tư vào công nghiệp khi mà phần lớn đều không có mặt bằng lớn và không có nguồn vốn lớn. DN tư nhân rất khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và rất khó được giải quyết giao đất hay cho thuê đất.

Sau phần đánh giá kết quả thực hiện Luật DN, Thủ tướng Phan Văn Khải mời các DN tư nhân phát biểu. Họ xin không kể những mặt được mà dành thời gian nói những gì còn chưa được từ chính kinh nghiệm của bản thân DN.

Chủ DN tư nhân gốm sứ Đồng Tâm (Biên Hòa, Đồng Nai) Phan Hồ Nhựt đã mở đầu bằng những bức xúc của cả cộng đồng DN làm nghề gốm sứ Đồng Nai trong việc tiếp cận vốn và mặt bằng sản xuất.

Ông Nhựt nói: tỉ lệ DN dân doanh ở Đồng Nai tiếp cận được vốn tín dụng của ngân hàng rất thấp vì những thủ tục rườm rà. Hành trình đi tìm mặt bằng sản xuất phù hợp cũng hết sức gian nan. Những vướng mắc về vốn, theo ông Trương Vĩnh Kiến, Giám đốc Công ty TNHH dây và cáp điện Tân Cường Thành (TP.HCM), đã có lúc khiến DN ông phải lao đao, may mà cuối cùng DN cũng tiếp cận được với vốn tín dụng của Quĩ hỗ trợ phát triển sau khi dây cáp điện được Chính phủ đưa vào danh mục các sản phẩm chiến lược.

Tổng thư ký Hiệp hội Công thương Hà Nội Vũ Duy Thái cho rằng thủ tục hành chính và sự chậm trễ cho DN sau khi đã đăng ký kinh doanh mới là vấn đề đáng lo ngại. Chỉ riêng việc hoàn tất thủ tục sau đăng ký kinh doanh, các DN đã phải trải qua tám bước với nhiều loại giấy tờ rườm rà, trùng lặp phải mất trên dưới hai tháng.

Cùng với những vướng mắc này, theo ông Thái, hàng loạt chính sách như cung cấp thông tin, tư vấn đào tạo nguồn nhân lực, lập quĩ bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ... chưa khởi động được do những qui định thiếu thực tế và một số cơ quan công quyền chưa làm tốt bổn phận của mình, thậm chí “có bộ từ đầu năm đến nay đã ban hành tới 4-5 văn bản giành thuận lợi về mình, đẩy khó khăn cho DN”.

Hôm nay, theo chương trình Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ phát biểu kết luận hội nghị.

L.B.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên