14/02/2016 12:43 GMT+7

Theo dấu chân người Việt ở muôn phương

CÁT KHUÊ (catkhue@tuoitre.com.vn)
CÁT KHUÊ ([email protected])

TT - Là gala hằng năm với tên gọi Người trở về nhưng chủ đề Theo dấu chân người Việt phát sóng trong những ngày Tết Bính Thân làm xao xuyến nhiều trái tim khán giả.

Anh Nguyễn Trọng Hiền cắm cờ đỏ sao vàng ở Nam cực
Anh Nguyễn Trọng Hiền cắm cờ đỏ sao vàng ở Nam cực

Đó là câu chuyện ở Guyane, một vùng rừng Amazon thuộc Nam Mỹ từng là thuộc địa của Pháp cách đây gần 100 năm... Những số phận tù nhân An Nam bị thực dân Pháp bắt đi lưu đày sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại đã được nhắc nhớ qua những hình ảnh, tài liệu lưu trữ và những cuộc phỏng vấn từ các nhà sử học người Pháp.

Những trại tù mang tên Suối Lươn, Lâm Nghiệp, Vó Cọp nơi những tù nhân An Nam đã bị giam giữ ở đây nay chỉ còn những bức tường đổ nát. Những người còn sống được thả tự do nhưng không có cách nào trở về quê hương, người da trắng thì nằm lăn lóc trên vỉa hè, ốm và chết, còn tù nhân An Nam thì lập lên một làng chài, nhiều người kết hôn với người bản địa để rồi sinh sống bền vững ở vùng đất này.

Chi tiết cảm động mà những người làm gala đem đến cho khán giả có lẽ chính là dấu ấn Việt trong cách đánh cá của những người tù cùng con cháu đến tận giờ vẫn y như cách của những người dân chài ở phá Tam Giang - Việt Nam hôm nay, để nhắc rằng có một Việt Nam đang sống bình yên ở một nơi rất xa xôi...

Cũng là nạn nhân của chế độ thực dân Pháp, 20.000 người Việt đã bị đưa sang Pháp để trở thành những người lính thợ, phần thì làm trong các nhà máy sản xuất vũ khí, cùng nhiều công việc nặng nhọc khác. 500 người được đưa đến vùng Camargue để trồng lúa.

Chính cách canh tác rất Bắc bộ của những người Việt là cấy cây mạ xuống thay vì vung hạt giống như người Pháp làm ở đây đã đem đến những mùa lúa bội thu, để những năm 1940 khi Pháp đang lâm vào cảnh suy thoái thì người Pháp “đã có cơm ăn” (chữ dùng của nhà sử học Pháp Christele Dedebant).

Phóng sự trên kênh France 3 ngày 5-10-2014 mà những người làm gala trích lại cho thấy nhờ ông Lê Hữu Thọ đem tài liệu đến Bảo tàng Gạo mà người Pháp sau 70 năm đã thừa nhận “dấu vết” đặc biệt của người Việt trong công cuộc trồng lúa ở vùng đất Camargue này, một bức phù điêu hình người Việt trồng lúa của họa sĩ Lê Bá Đảng cũng đã được trân trọng dựng lên ở nơi đây như một điểm nhấn rằng chính người Việt đã đóng góp lớn vào sự phồn vinh của vựa lúa Camargue đang lớn nhất nước Pháp, bây giờ.

Một trang sử khác được mở ra, khi những người làm gala đặt chân đến nước Đức. Không kể nhiều về quá khứ mà nói nhiều đến hiện tại rằng những người Việt ở Đức đã có cách để nhắc tên mình ra sao.

Đó là đầu bếp Trần Văn Hai, người được vinh danh cùng 13 đầu bếp Đức trong cuốn sách Đầu bếp Berlin. Là bé Bùi Lê Bảo Anh vô địch cờ vua châu Âu, là cô bé Phạm Kiều Trang lọt vào chung kết bằng giọng opera gây sửng sốt ở cuộc thi The Voice Kid Đức.

Ca sĩ Trọng Hiếu với bài hát Con đường tôi trong gala cũng là một ca sĩ được sinh ra ở Đức, là con của một gia đình người Việt sinh sống ở đây... Đầu bếp Trần Văn Hai kể rằng là món sushi thông thường vốn của người Nhật, nhưng anh đã ướp thêm nước mắm cho đậm vị và món ăn sáng tạo rất Việt ấy được thực khách của anh rất yêu thích.

Phạm Kiều Trang có mẹ là người Đức nhưng tên cô bé lại rất thuần Việt bởi người bố Việt của cô muốn cô trân quý gốc gác Việt của mình... Và chính người Việt bằng cách thức sinh sống và kinh doanh của mình đã khiến cho người Đức thậm chí đang xem xét việc đổi tên một trung tâm phố tại Berlin thành Đồng Xuân center!

Họ, những người Việt dù ở đâu trên thế giới này vẫn giữ được dấu ấn dân tộc bằng cái tên, bằng ngôn ngữ, bằng cảm hứng như chiếc lò xo che lỗ hở van tim “đi ra” từ cây tre dẻo dai và mạnh mẽ của bác sĩ Lê Trọng Phi, bằng cây lúa cấy cắm mạ ở Camargue, bằng cách đánh cá kiểu phá Tam Giang ở Guyane, bằng món sushi có hương vị nước mắm, bằng lá cờ đỏ sao vàng (được may từ ba lá cờ Đức) mà tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền cắm xuống Nam cực (chỉ để nói rằng người Việt đã ở đây - như ông chia sẻ)... Đấy là dấu chân người Việt ở muôn phương mà còn thời điểm nào thích hợp hơn khi ngày đầu xuân, người Việt cùng ôn lại...

Bác sĩ Lê Trọng Phi
Bác sĩ Lê Trọng Phi
Chị Tần Lê Emotiv
Phạm Kiều Trang The Voice Kid Đức
Đầu bếp Trần Văn Hai
Đầu bếp Trần Văn Hai
Phạm Kiều Trang The Voice Kid Đức
Chị Tần Lê Emotiv 
Hình ảnh trích từ tư liệu Pháp về người Việt làm lúa ở Camargue những năm 1940
Hình ảnh trích từ tư liệu Pháp về người Việt làm lúa ở Camargue những năm 1940

_________

* Gala Ngày trở về: Theo dấu chân người Việt do ban truyền hình đối ngoại VTV thực hiện, có thể xem lại trên YouTube hoặc vtv.vn.

Dấu ấn trí tuệ Việt

Ba con người được những người thực hiện gala lựa chọn là kiến trúc sư Nguyễn An, tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền (phòng thí nghiệm phản lực NASA Mỹ), bác sĩ Lê Trọng Phi (trưởng khoa tim mạch Bệnh viện Đức) và tiến sĩ Tần Lê (Công ty Emotiv Mỹ). Kiến trúc sư Nguyễn An chính là một thái giám gốc Hà Đông (Hà Nội), ông là kiến trúc sư trưởng của công trình Tử Cấm Thành (Bắc Kinh) lừng danh trên thế giới.

Điều ngạc nhiên, như nhà báo Thanh Xuân - trưởng ban truyền hình đối ngoại - chia sẻ, đa số tư liệu nghiên cứu về người Việt kể trên mà chị cùng êkip thực hiện gala tìm kiếm tham khảo lại nằm ở các công trình nghiên cứu của người phương Tây. Về Nguyễn An, tư liệu chính được kể là nhờ bộ phim Tử Cấm Thành - Bản di chúc một bạo chúa là phim tài liệu của Đài truyền hình ZDF Đức.

Chị Thanh Xuân cũng cho biết phim này được thực hiện với kinh phí hàng triệu euro, họ bán bản quyền rất đắt, chỉ chừng chục giây mà VTV dẫn lại cũng phải trả khoảng 200 triệu đồng. Vì thế nên những người thực hiện gala đành chọn cách chiếu phim và đứng dẫn bên cạnh để không vi phạm bản quyền (ảnh). Có lẽ kinh phí bản quyền đắt chính là lý do mà bộ phim này chưa đến được với người Việt chăng?

CÁT KHUÊ ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên