Phóng to |
Bà Lindh là một chính khách được mến mộ tại Thụy Điển. Đêm 10-9, nhiều công dân Thụy Điển đã ngồi bên ngoài Bệnh viện Karolinska lo âu chờ tin tức phẫu thuật... |
Ngay sau khi nghe tin bà Anna Lindh bị đâm trọng thương chiều 10-9 tại siêu thị NK ở trung tâm thủ đô Stockholm, Thủ tướng Goeran Persson đã tuyên bố: “Vụ tấn công Ngoại trưởng Lindh chính là tấn công vào xã hội cởi mở của chúng ta, vì thế lòng tôi tràn ngập phẫn nộ và đau buồn”.
Vụ tấn công diễn ra khi bà Lindh đang đi mua sắm. Một gã đàn ông lạ mặt đã đâm nhiều nhát dao vào bụng, ngực và tay của bà rồi trà trộn vào đám đông để tẩu thoát. Cảnh sát đang truy nã một gã đàn ông khoảng 30-40 tuổi, có vẻ là người Thụy Điển, mặc áo khoác lính.
Một nhân chứng kể lại hung thủ đã giật túi xách của bà Lindh và khi bà chống cự đã dùng dao đâm bà. Trước khi bất tỉnh, người ta còn nghe bà kêu lên: “Chúa ơi, hắn đâm tôi!”. Đoạn băng hình ghi lại tại siêu thị đang được phân tích để tìm ra thủ phạm.
Chỉ vài ngày nữa, vào 14-9, Thụy Điển sẽ bước vào cuộc trưng cầu ý dân về việc gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu - euro. Anna Lindh là một trong những nhân vật then chốt vận động người Thụy Điển nói “có” với cuộc trưng cầu mà Chính phủ Thụy Điển được dự báo khó thể giành được đa số đồng ý.
Một cuộc thăm dò do Viện Nghiên cứu Ruab tiến hành hai tuần trước ngày trưng cầu cho thấy có tới 46,7% cho biết sẽ nói “không” so với chỉ 39,1% ủng hộ. Điều này khiến chính phủ và giới đầu tư âu lo. Thủ tướng Persson cảnh báo nếu người Thụy Điển khước từ đồng euro thì họ sẽ không còn cơ hội khác để bỏ phiếu cho tới năm 2010.
Sau vụ tấn công, tất cả những cuộc vận động cho việc sử dụng đồng euro tại Thụy Điển đã bị bãi bỏ, dù cuộc trưng cầu vẫn diễn ra theo dự định. Cảnh sát hiện vẫn chưa khẳng định vụ tấn công có liên quan tới hoạt động chính trị của bà Lindh, song báo chí cho rằng đây là cuộc mưu sát được tổ chức và có mục đích.
Bà Lindh là một trong những chính khách được kính trọng nhất Thụy Điển, nắm chức ngoại trưởng từ năm 1998 và có một sự nghiệp chính trị nổi bật trong Đảng Dân chủ xã hội, đảng cầm quyền tại Thụy Điển suốt 60 năm qua. Bà lập gia đình với một cựu bộ trưởng và đã có hai con trai.
Phóng to |
Nữ ngoại trưởng Thụy Điển Anna Lindh |
Bà Lindh đi siêu thị không có cận vệ tháp tùng và cơ quan an ninh quốc gia Thụy Điển đã thừa nhận sai lầm khi đánh giá rằng không cần sự bảo vệ đặc biệt đối với bà Lindh. Thụy Điển trung lập, với dân số không quá 10 triệu người, từ lâu đã nổi tiếng là một đất nước yên bình, vì thế nhiều chính khách không sử dụng cận vệ và vẫn giao tiếp trực tiếp với người dân.
Vụ tấn công bà Lindh gợi lại ở người Thụy Điển những ký ức đau buồn về vụ sát hại cựu thủ tướng Ulof Palme. Không chỉ không có cận vệ, thủ tướng Palme thường xuyên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Ngày 26-2-1986, khi ông Palme cùng vợ rời nhà hát Grand tại phố trung tâm Sweavagen sau một buổi xem phim thì đã bị bắn chết (kẻ giết người tới nay vẫn chưa tìm ra).
Nơi ông bị sát hại chỉ cách nơi bà Lindh bị tấn công vài khu phố. Chính phủ Thụy Điển đã tăng cường an ninh cho hoàng gia và các chính khách sau vụ tấn công bà Anna Lindh.
Hàng loạt nước trên thế giới đã bày tỏ nỗi xúc động, phẫn nộ và đau buồn trước cái chết của bà.
Tổng thư ký LHQ Kofi Annan gọi bà là “vị ngoại trưởng tuyệt vời, một người Thụy Điển tuyệt vời, một người châu Âu tuyệt vời”; Ngoại trưởng Anh Jack Straw nói: bà là người “tràn đầy sức sống, đại diện cho những gì tuyệt diệu nhất của Thụy Điển và châu Âu”; ông Javier Solana, phụ trách chính sách đối ngoại của EU, nói: “Vẻ đẹp trên khuôn mặt bà cũng là sự thể hiện vẻ đẹp của tâm hồn”...
Bà Lindh đã qua đời khi sự nghiệp chính trị đang mở rộng ở phía trước.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận