![]() |
Nếu qui họach và sử dụng tốt, có thể biến tài sản "chết" thành hàng tỉ USD |
Để tăng thu ngân sách, tránh lãng phí, ông Bình đề xuất một giải pháp cụ thể: “Thay vì mỗi bộ, mỗi ngành, mỗi cơ quan đều sở hữu một tòa nhà rất nguy nga, nhiều tầng nhưng nhiều khi sử dụng không hết công suất gây lãng phí. Do vậy nên sắp xếp chung lại với nhau, phần dôi dư bán để lấy tiền bổ sung vào ngân sách”.
Ông Trần Thành Long - chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP.HCM - cắt ngang: “Thành phố có chủ trương sáp nhập các sở lại với nhau để tiết kiệm mà có làm được đâu”. Tuy nhiên, ông Bình vẫn kiên quyết bảo vệ ý tưởng của mình: “Các doanh nghiệp nhà nước đang sở hữu tài sản rất lớn lên đến hàng tỉ tỉ đôla nhưng lại sử dụng rất kém hiệu quả. Nếu qui hoạch và sử dụng tốt thì có thể biến những tài sản “chết” này thành tiền tỉ, vấn đề là “có ai dám đụng đến hay không thôi”.
Theo dự toán phân chia nguồn thu giữa Trung ương và TP.HCM năm 2004, TP.HCM được điều tiết một tỉ lệ 29%. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng điều tiết cho TP.HCM 33% là “hợp lý và sáng suốt nhất”.
Ông Nguyễn Thế Hiệp kể ra cách làm hay của Trung Quốc mà ông cho rằng ta nên tham khảo để tạo bước đột phá cho phát triển: “Họ tập trung ưu tiên đầu tư phát triển phía Đông trước, khi phía đông đủ mạnh họ mới chuyển sang đầu tư phía tây. Tại sao họ dám làm mà ta không dám làm?”.
Ông cho rằng nếu cứ tiếp tục đầu tư theo kiểu dàn trải, cào bằng thì sẽ không thể nào tạo ra được bước đột phá, không thể tạo ra động lực cho sự phát triển. Đồng thời nếu đầu tư vào những nơi ỉ lại, thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm thì chỉ gây ra lãng phí”.
Ông Đặng Ngọc Tùng - chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM tán thành quan điểm của nhiều đại biểu đã phát biểu trước đó: “Cần phân chia có trọng điểm, theo thứ tự ưu tiên vào những vùng, những ngành có lợi thế để tạo ra của cải vật chất. Không nên làm theo kiểu bình quân.
TP.HCM là vùng kinh tế trọng điểm, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế ở vùng khác, do vậy mức điều tiết tỉ lệ điều tiết cho TP.HCM 33% là cần thiết. Ông cũng cho rằng phải tạo lập được cơ chế để phát huy tính chủ động của các địa phương tăng nguồn thu, nếu không các địa phương sẽ vẫn “thích” đi xin và như vậy lãng phí, tiêu cực sẽ tiếp tục tồn tại.
Năm 2004, nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các địa phương khá lớn, Chính phủ cần giải trình cụ thể việc bổ sung này để bảo đảm các công trình, dự án thật sự cần thiết ở các địa phương không bị ảnh hưởng lớn do bãi bỏ cơ chế cấp lại, đầu tư trở lại. (Trích báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và ngân sách của QH) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận