04/11/2003 10:20 GMT+7

Để hội chợ là cơ hội đưa lại việc làm

HỒ VĂN – HỮU TRÃI
HỒ VĂN – HỮU TRÃI

TT - Tổng kết ba ngày diễn ra Hội chợ việc làm Cần Thơ năm 2003, ban tổ chức cho rằng: “Hội chợ đã thành công vượt chỉ tiêu khi có trên 12.000 lượt người tham gia, số lao động (LĐ) tuyển trực tiếp là 703 (chỉ tiêu đề ra là 400), hẹn phỏng vấn sau 1.687 LĐ”. Tuy nhiên nhìn vào kết quả điều tra LĐ năm 2002, tỉnh Cần Thơ luôn có 20.799 LĐ không có việc làm thường xuyên, trong đó thành thị là 6.701, nông thôn 14.098 thì thấy rằng kết quả đạt được là quá thấp.

zKjKQSH9.jpgPhóng to
Hội chợ việc làm Cần Thơ 2003 chỉ mới diễn ra hai ngày đã có nhiều doanh nghiệp cuốn gói khi không tuyển được lao động hay tuyển được rất ít - Ảnh: Hồ Văn
TT - Tổng kết ba ngày diễn ra Hội chợ việc làm Cần Thơ năm 2003, ban tổ chức cho rằng: “Hội chợ đã thành công vượt chỉ tiêu khi có trên 12.000 lượt người tham gia, số lao động (LĐ) tuyển trực tiếp là 703 (chỉ tiêu đề ra là 400), hẹn phỏng vấn sau 1.687 LĐ”. Tuy nhiên nhìn vào kết quả điều tra LĐ năm 2002, tỉnh Cần Thơ luôn có 20.799 LĐ không có việc làm thường xuyên, trong đó thành thị là 6.701, nông thôn 14.098 thì thấy rằng kết quả đạt được là quá thấp.

Những hội chợ không chất lượng

Có 38 đơn vị đăng ký tham gia hội chợ với hơn 50 gian hàng, chỉ tiêu của các doanh nghiệp đưa ra rất cao, đa số từ chỉ tiêu 200 trở lên. Nhưng kết quả thu được làm các doanh nghiệp thất vọng như: Công ty giày Pouyen - Việt Nam (Bình Chánh, TP.HCM) có nhu cầu tuyển 500 LĐ nhưng chỉ hy vọng tuyển được 1/3 (kể cả phỏng vấn sau); Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (Khu công nghiệp (KCN) Nhơn Trạch, Đồng Nai) chỉ tiêu tuyển trên 200 chỉ hy vọng được 1/2 số đó. Trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) Cần Thơ chỉ tuyển được 120 LĐ cho các doanh nghiệp đăng ký trong khi nhu cầu tuyển là 500 LĐ…

Liên tiếp trong những năm gần đây, hàng loạt hội chợ việc làm được triển khai tại các tỉnh khu vực ĐBSCL. Cụ thể chỉ trong năm 2003 đã có ba hội chợ việc làm khai mạc như: Hội chợ việc làm Cửu Long tại tỉnh Vĩnh Long (25-7-2003), Hội chợ việc làm Cần Thơ 2003 vừa kết thúc và Hội chợ việc làm tỉnh Trà Vinh đang diễn ra.

Nhưng theo ông Phan Thông Huấn - giám đốc TTDVVL Liên đoàn lao động tỉnh Cần Thơ, và anh Trần Tấn Diệp - cán bộ phòng nhân sự Công ty Giày Đức Thành, TP.HCM (có gian hàng tham gia tại Hội chợ Cần Thơ 2003) có cùng nhận định: “Chỉ những sinh viên, học viên học nghề có đầy đủ thông tin khi đến hội chợ, nhưng nghịch lý ở chỗ hầu hết doanh nghiệp khác lại cần tuyển LĐ phổ thông”.

Anh Trương Quang Diệu, cán bộ tuyển dụng của Công ty may Nhật Tân (KCN Bình Chánh, TP.HCM), có nhận xét rằng: “Khu vực ĐBSCL là nơi có nguồn LĐ dồi dào, nhưng đa số tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp. Tuyển được LĐ tại các hội chợ thuộc khu vực ĐBSCL là rất khó, công tác đào tạo nghề ở khu vực này hình như chưa được chú trọng”.

Anh Trần Trung Kiên, cán bộ nhân sự TTDVVL tỉnh Bình Dương, băn khoăn về trình độ của LĐ: “Qua hai ngày tiếp nhận và phỏng vấn LĐ tại Hội chợ việc làm Trà Vinh, hầu hết LĐ không đáp ứng được điều kiện về trình độ văn hóa dù điều kiện đưa ra từ lớp 9 trở lên”.

Những băn khoăn đó dường như không được những người tổ chức hội chợ và cả các cơ quan chức năng nhận ra hoặc giả vờ như không biết khi mà cứ tổ chức hội chợ hằng năm với hình thức y như cũ, và năm nào trong lễ tổng kết hội chợ họ đều cho rằng “ thành công, vượt chỉ tiêu đề ra...”.

Tuy nhiên nhìn lại chỉ tiêu của nhiều hội chợ như: Hội chợ Cửu Long 2003 tại Vĩnh Long: tuyển trực tiếp 200 LĐ, Hội chợ Cần Thơ 2003: 400, còn Hội chợ Trà Vinh thì không dám đề ra chỉ tiêu tuyển trực tiếp tại hội chợ, mà chỉ dám đưa ra chỉ tiêu giới thiệu trên 2.000 LĐ sau hội chợ.

Rõ ràng ban tổ chức các hội chợ cố ý đặt ra chỉ tiêu quá thấp, trong khi tiền bỏ ra không dưới 200 triệu đồng cho một lần tổ chức, phải chăng đây là một kiểu làm phong trào với dụng ý hoàn thành kế hoạch hằng năm?

Hội chợ thua.... ngày hội

Thành công nhất tại Hội chợ Cần Thơ 2003 là TTDVVL Thanh niên tỉnh Cần Thơ khi tuyển được 308/703 LĐ được tuyển trực tiếp tại hội chợ. Anh Nguyễn Văn Vững, giám đốc trung tâm, cho biết: “Do biết trước lao động nông thôn sẽ bị động trong việc chuẩn bị hồ sơ xin việc nên trung tâm làm những mẫu đăng ký dự tuyển để người LĐ chỉ việc điền vào. Sau đó chúng tôi phỏng vấn tại chỗ và giới thiệu những LĐ đủ tiêu chuẩn đến ngay địa chỉ các công ty, doanh nghiệp đặt hàng thử việc, hồ sơ thì bổ sung sau”.

Còn trước đó, mỗi quí một lần trung tâm đều tổ chức các ngày hội việc làm, in và phát miễn phí các bản tin tuyển dụng cho người LĐ. Đặc biệt trong ngày hội, trung tâm tổ chức các cuộc đấu giá mức lương giữa các doanh nghiệp tuyển dụng, điều này đem lại cơ hội cho người LĐ chọn được những công việc phù hợp mà lương lại cao.

Sôi động nhất là việc trung tâm dành 4 giờ trong ngày để các doanh nghiệp và người LĐ tự giới thiệu thanh thế của nhau. Trung bình một lần tổ chức ngày hội việc làm trung tâm đều giới thiệu trực tiếp cho gần 500 LĐ có việc làm ngay. Ngay trong Hội chợ việc làm Cần Thơ 2003 vừa kết thúc, trung tâm đã bỏ ra hơn 10 triệu đồng in bản tin tuyển dụng phát miễn phí cho người LĐ để sắp tới tháng 12-2003, trung tâm tổ chức ngày hội việc làm thì người LĐ sẽ có được những thông tin cần thiết khi đến tìm việc.

Đã đến lúc các tỉnh thành nên chú trọng tầm cao hơn, như ý kiến ông Trần Vinh Quang- thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: “Để hội chợ là cơ hội đưa lại việc làm cho người LĐ, các tỉnh cần làm tốt hệ thống đào tạo nghề từ thành thị đến nông thôn, ít nhất mỗi huyện phải có một trường đào tạo nghề…”.

Ông Trần Thanh Mẫn - phó chủ tịch tỉnh Cần Thơ - cho rằng: “Ban tổ chức các hội chợ phải đưa thông tin đến tận cơ sở, nhất là các vùng nông thôn, có như vậy thì LĐ đến với hội chợ trong tư thế tự tin hơn khi tham gia phỏng vấn”.

HỒ VĂN – HỮU TRÃI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên