
TS.BS Hà Anh Đức - chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (thứ 2 từ trái qua) và ông Atul Tandon (đứng bìa trái) tại chương trình tầm soát bệnh thận mạn ở Bình Dương - Ảnh: BTC
Theo dự báo, đến năm 2040, bệnh thận mạn tính sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng thứ năm trên thế giới.
Tại Việt Nam, khoảng 8,7 triệu người lớn, tương đương 12,8% dân số, đang sống chung với bệnh thận mạn tính, nhưng phần lớn không nhận thức được tình trạng của mình.
Trong số đó, 800.000 trường hợp đã tiến triển đến suy thận giai đoạn cuối, đòi hỏi các phương pháp điều trị tốn kém như lọc máu hoặc ghép thận, với chi phí vượt xa khả năng chi trả của nhiều gia đình.
Gánh nặng đa chiều của bệnh thận mạn
Thận đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì điều kiện tối ưu cho các hệ cơ quan của cơ thể bằng cách loại bỏ chất thải, cân bằng chất lỏng và khoáng chất, điều chỉnh quá trình chuyển hóa canxi, vitamin D và hormone. Bệnh thận mạn (CKD) là tình trạng thận bị tổn thương và suy giảm chức năng để giúp duy trì sức khỏe cơ thể như bình thường.
Theo dự báo của các chuyên gia y tế thế giới, CKD sẽ sớm trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 5 trên toàn cầu vào năm 2040 nếu chúng ta không có những biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả.
Bệnh thận mạn tính không chỉ là một vấn đề y tế mà còn tạo ra những tác động sâu rộng đến kinh tế, xã hội và môi trường. Đối với người bệnh, căn bệnh gây suy giảm nghiêm trọng sức khỏe thể chất và tinh thần, hạn chế khả năng lao động và đe dọa tính mạng nếu không được điều trị sớm.
Hệ thống y tế phải đối mặt với chi phí điều trị khổng lồ, chi phí cho mỗi bệnh nhân lọc máu tại Việt Nam lên tới 9.500 USD mỗi năm, cao gấp 3 so với điều trị cho bệnh nhân suy thận chưa đến giai đoạn cuối cần lọc máu. Gia đình bệnh nhân và nền kinh tế nói chung cũng chịu ảnh hưởng khi năng suất lao động suy giảm và chất lượng sống đi xuống.
Với môi trường, hoạt động lọc máu trên toàn cầu tiêu thụ 169 tỉ lít nước mỗi năm, đủ để lấp đầy 67.000 hồ bơi chuẩn Olympic, đồng thời tạo ra hơn 1 tỉ kg chất thải.
Hệ thống y tế, vốn đóng góp khoảng 5% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, đang đối mặt với nguy cơ gia tăng tác động môi trường. Tại Mỹ, từ 2022-2032, lượng nước sạch tiêu thụ và phát thải CO2 liên quan đến bệnh thận mạn tính được dự báo tăng lần lượt 26% và 37%.
Việc phát hiện sớm bệnh thận mạn tính tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều rào cản nghiêm trọng. Với 8,7 triệu người lớn mắc bệnh, chiếm 12,8% dân số, điều đáng lo ngại là hơn 90% bệnh nhân không nhận thức được tình trạng của mình, dẫn đến chẩn đoán muộn khi các lựa chọn điều trị trở nên hạn chế, tốn kém và kém hiệu quả.
Hạn chế về cơ sở hạ tầng y tế, đặc biệt ở các vùng nông thôn cũng ảnh hưởng đến việc triển khai và mở rộng các chương trình sàng lọc. Yếu tố kinh tế - xã hội cũng đóng vai trò lớn, khi chi phí kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng khiến nhiều người dân ngần ngại trong việc tìm kiếm hỗ trợ y tế.
Theo ông Atul Tandon, tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam, việc tăng cường nhận thức về bệnh và triển khai các chương trình khám sàng lọc định kỳ rất quan trọng để phát hiện bệnh thận mạn từ các giai đoạn sớm hơn, đồng thời đem lại nhiều cơ hội hơn trong việc cải thiện chất lượng chăm sóc và ngăn chặn bệnh tiến triển sang các giai đoạn muộn.
Các nỗ lực trong quản lý bệnh thận mạn
Trong bối cảnh bệnh thận mạn đang trở thành một vấn đề y tế chung toàn cầu, nhiều tổ chức y tế, doanh nghiệp và bệnh viện đã và đang nỗ lực triển khai các chương trình hành động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, tầm soát bệnh sớm và cải thiện chất lượng điều trị CKD.
Tháng 11-2024, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đề xuất đưa bệnh thận mạn và một số bệnh không lây nhiễm khác vào danh mục các bệnh trong Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2026 - 2035, xây dựng chiến lược, kế hoạch tổng thể phòng chống hiệu quả các bệnh mạn tính có tỉ lệ thương tật và tử vong cao.
Đây là một dấu hiệu đáng mừng, cho thấy bệnh thận mạn đang dần nhận được sự chú ý cần thiết từ các cấp quản lý và cộng đồng.
Để giải quyết thách thức này cần sự chung tay các tổ chức y khoa và đơn vị liên quan. Những năm gần đây, AstraZeneca đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác để cùng thay đổi tương lai của việc chăm sóc sức khỏe thận, ông Atul cho biết khi chia sẻ về một chiến lược toàn diện để ngăn chặn tiến triển của bệnh thận mạn tính và quản lý hiệu quả căn bệnh này ở giai đoạn đầu.
Đơn cử như chương trình "Yêu lấy mình - CaReMe", hợp tác với Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, đã sàng lọc hơn 200.000 người trong năm 2024, phát hiện gần 10.000 bệnh nhân ở giai đoạn sớm, tạo điều kiện cho các can thiệp kịp thời để làm chậm tiến triển bệnh.
Các kiosk điện tử đánh giá các yếu tố nguy cơ cũng được lắp đặt tại các bệnh viện và đưa các khảo sát lên nền tảng trực tuyến để mở rộng phân loại nguy cơ bệnh nhân một cách hiệu quả hơn.
Ngoài ra, chương trình Sức khỏe thanh thiếu niên, sáng kiến cộng đồng toàn cầu hợp tác với Tổ chức Plan International tập trung vào sức khỏe của thanh thiếu niên và các can thiệp dự phòng bệnh không lây nhiễm phổ biến, trong đó có các bệnh lý tiểu đường, tim mạch, và bệnh thận nhằm mục đích góp phần cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của giới trẻ Việt Nam, đặc biệt nhóm 10-24 tuổi.
Bên cạnh đó, công ty còn triển khai hợp tác với các trường đại học và bệnh viện để nâng cao trình độ của các cán bộ y tế, chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu và phát triển các phương pháp quản lý và điều trị tiên tiến.
Nhìn về tương lai, doanh nghiệp dược phẩm đến từ Anh - Thụy Điển thể hiện sự cam kết đối với sức khỏe thận thông qua các sáng kiến chiến lược. Ông Atul khẳng định:
"Chuyển đổi các thực hành y khoa để nâng chất lượng chăm sóc sức khỏe của người bệnh và cộng đồng, chiến dịch "Thay đổi vì sức khỏe thận - Make the Change for Kidney Health", phối hợp với Liên minh Bệnh nhân thận toàn cầu thể hiện sự mong muốn và sẵn sàng đồng hành của AstraZeneca với Chính phủ, Bộ Y tế và các tổ chức liên quan để giải quyết thách thức của căn bệnh này.
Từ đó, chúng ta có thể gia tăng hiệu quả quản lý, điều trị bệnh để đem lại những lợi ích bền vững cho người bệnh, gia đình và toàn xã hội".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận