07/05/2025 19:28 GMT+7

Thay đổi cách đánh giá, không có chuyện 'vào biên chế là chắc chân'

Nói về dự án Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết cách thức đánh giá cán bộ, công chức quy định trong dự luật sẽ thay đổi mạnh mẽ.

cán bộ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: GIA HÂN

Chiều 7-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; và hai dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Bộ máy cấp xã phải đủ sức đảm nhận nhiệm vụ mới rất lớn

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) cho rằng khi bỏ chính quyền cấp huyện, dưới tỉnh sẽ là chính quyền cấp xã, hầu hết nhiệm vụ của cấp huyện lâu nay chuyển về xã.

Chính quyền cấp xã mới phải đảm nhận hai chức năng, gồm nhiệm vụ cấp huyện cũ và xã cũ.

Nói cách khác, cấp chính quyền này vừa giải quyết thủ tục hành chính thiết thân liên quan đến đời sống người dân, vừa quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Từ yêu cầu công việc rất lớn, ông Nhân đề nghị quy định cơ cấu bộ máy chính quyền cấp xã phải phù hợp với các nhiệm vụ mà nó đảm nhiệm.

"Cái này cần bàn rất kỹ, bởi nếu quyết rồi mà không phù hợp là có chuyện. Mình không nên ràng buộc số lượng công chức xã cũ. Tôi thấy chỗ này nên quán triệt thật kỹ. Rất mong chúng ta dành thời gian thảo luận kỹ về vấn đề này", ông Nhân nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) đề nghị lưu ý việc thành lập phòng chuyên môn cần căn cứ vào yêu cầu, khối lượng công việc, số biên chế tối thiểu để được thành lập tổ chức (cấp phòng) và số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa để tránh tình trạng chia cắt về tổ chức, bộ máy, số lượng lãnh đạo nhiều hơn số lượng công chức trực tiếp thừa hành.

Đánh giá cán bộ công chức dựa trên vị trí việc làm và hiệu quả công việc

Thay đổi cách đánh giá, không có chuyện 'vào biên chế là chắc chân' - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Ảnh: Q.P.

Một trong những nội dung các đại biểu quan tâm thảo luận là quy định đánh giá cán bộ, công chức trong dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Theo dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, kết quả đánh giá sẽ được lưu vào hồ sơ, thông báo đến cá nhân và công khai trong đơn vị công tác. Đây là căn cứ để sử dụng, bố trí, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức.

Trường hợp công chức bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan quản lý có thể điều chuyển sang vị trí có yêu cầu thấp hơn hoặc cho thôi việc. Nếu hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, công chức sẽ bị buộc thôi việc.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay: "Cách thức đánh giá cán bộ sẽ thay đổi mạnh mẽ".

Theo đó cán bộ, công chức sẽ được xếp loại theo bốn mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ.

Khi đánh giá sẽ dựa trên kết quả, sản phẩm công việc theo vị trí đảm nhiệm, mức độ đáp ứng yêu cầu và đạo đức công vụ. Sau khi Quốc hội thông qua dự thảo luật, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định riêng về việc đánh giá công chức.

Theo bà Trà: "Việc đánh giá cán bộ, công chức sẽ thay đổi căn bản theo hướng định lượng, dựa trên vị trí việc làm và chỉ số hiệu quả công việc (KPI), thay cho cách đánh giá cảm tính, chung chung như hiện nay.

Khi áp dụng phương pháp mới, việc đánh giá trở nên rất đơn giản. Công chức làm gì, hoàn thành như thế nào, bao nhiêu sản phẩm - tất cả đều được lượng hóa và dùng làm dữ liệu đầu vào. Đây là thước đo rõ ràng, minh bạch".

Lý giải việc đổi mới phương thức đánh giá cán bộ, công chức, bà Trà cho hay sẽ nhằm xóa bỏ tư duy "biên chế suốt đời". Vào biên chế sẽ không đồng nghĩa với việc "ngồi chắc, không ra".

Muốn vậy cần hai công cụ chính là đánh giá theo vị trí việc làm và áp dụng cơ chế hợp đồng đối với chuyên gia, nhà khoa học và các chức danh đặc thù khác. Đây cũng là cách làm phổ biến ở nhiều nước tiên tiến.

Cách thức đánh giá cán bộ thay đổi mạnh mẽ, không có chuyện vào biên chế 'vào chắc không ra' - Ảnh 3.Cấp trên quyết định trái luật, cán bộ cấp dưới có báo cáo sẽ không phải chịu hậu quả

Cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định trái luật phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định. Nếu người ra quyết định vẫn quyết định, cấp dưới sẽ không phải chịu trách nhiệm hậu quả.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên