20/10/2003 09:35 GMT+7

Quảng Ngãi: Bình Sơn xơ xác sau lũ

VÕ QUÝ CẦU
VÕ QUÝ CẦU

TT - Trong cơn lũ lớn từ ngày 14 đến 18-10, các xã Bình Minh, Bình Dương, Bình Chương, Bình Mỹ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) bị ngập nặng. Toàn huyện có 4 người chết, 46 ngôi nhà bị ngã đổ, xiêu vẹo, trên 10.000 ngôi nhà bị ngập, nhiều công trình giao thông thủy lợi bị hư hỏng... Nước lũ vừa rút, biết bao cảnh đời bình thường đã khốn khó giờ lại càng khốn khó...

4xDVxgFc.jpgPhóng to
Ngôi nhà của bà Trịnh Thị Hạnh ở xóm Soi, xã Bình Chương, Bình Sơn bị sập. Ảnh V.Q.C
TT - Trong cơn lũ lớn từ ngày 14 đến 18-10, các xã Bình Minh, Bình Dương, Bình Chương, Bình Mỹ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) bị ngập nặng. Toàn huyện có 4 người chết, 46 ngôi nhà bị ngã đổ, xiêu vẹo, trên 10.000 ngôi nhà bị ngập, nhiều công trình giao thông thủy lợi bị hư hỏng... Nước lũ vừa rút, biết bao cảnh đời bình thường đã khốn khó giờ lại càng khốn khó...

Chiều 18-10, khi nước lũ vừa rút, con đường vào xóm Soi, thôn Nam Thuận, xã Bình Chương bùn đất nhầy nhụa. Trụ điện thoại, điện thắp sáng ngã đổ dây vương vãi. Đi chừng trăm mét đường bị xói lở, chúng tôi phải băng qua những vườn cây tự tìm lối đi. Xóm Soi hiện ra như sau trận càn. Cây cối ngã đổ, nhà cửa xiêu vẹo.

Chị Trịnh Thị Hạnh đang tìm cách tháo gỡ những viên gạch từ đống đổ nát. Nghe hỏi chuyện, chị kể: “Chiều 17-10 nước lên nhanh quá, mấy anh trên xã đưa ghe xuống bảo mẹ con đi. Nhưng tui còn hai con heo, trong đó có cả con heo nái nên không đi được. Đến khoảng 20g ngôi nhà nghiêng rồi đổ ào. Hai mẹ con chỉ kịp thoát thân...”.

Cả đêm tối hai mẹ con đành phải đứng trú cạnh chuồng heo. Bây giờ nơi che mưa che nắng không còn và lúa gạo ướt sạch nên bát cơm thường ngày phải nhờ bà con hàng xóm. Đưa tay nhận thùng mì tôm cứu trợ, đôi mắt chị rưng rưng...

Theo hướng dẫn của người trong xóm, tôi vòng qua ngôi nhà bị đổ nát cạnh giếng làng. Ông Huỳnh Linh, 72 tuổi, cầm chiếc gàu trong tay mà cứ ngập ngừng. Ông nói: “Năm nay nước lên nhanh quá, lúa gạo nhà ai cũng bị ngập ướt hết. Còn giếng nước ở trong xóm bị ô nhiễm”. Tôi nhìn xuống cái giếng cạn, chỉ có bùn đất và nước ngầu đục...

Từ xóm Soi vượt sông Trà Bồng đi chừng 4km đến thôn Tân Phước, xã Bình Minh. Nhưng nước lũ còn cao nên chẳng ai dám chống sào, chúng tôi đành phải quay lại quốc lộ 1A, vượt cầu Châu Ổ đến ngã ba bờ đê mà lên. Trên đoạn đường đi nước cứ băng ngang từng đoạn. Thôn Tân Phước từ lâu đất đọng phù sa, cây cối xanh tốt. Thế mà sau trận lũ mía, mì đổ rạp.

Ngôi nhà của bàVõ Thị Lĩnh giờ chỉ còn mấy tấm tranh. Bà nói: “Thân già chẳng thể làm gì có tiền mà xây nhà nên bà con làm cho cái chòi ở tạm. Thấy nước dâng cao nên tôi qua nhà bên cạnh núp”. Cách nhà bà Lĩnh chừng 50m, ngôi nhà của chị Phạm Thị Thanh cũng lâm cảnh này. Chị nói như than: “Nhà nghèo khó quá, chồng tôi đi Nam làm thuê kiếm tiền. Ba mẹ con ở nhà thấy nước dâng cao phải tay bồng tay kéo con chạy lũ. Bây giờ nhà cửa sập hết biết làm sao!”.

Rời Tân Phước, chúng tôi về vùng hạ lưu sông Trà Bồng thuộc xã Bình Thới. Trong cơn lũ, nơi này lại thêm một nỗi đau. Sáng 17-10, nước dâng cao nên Trường THPT Bình Sơn cho các em nghỉ học. Thấy bạn về trong cảnh nước dâng, không yên tâm nên em Lữ Thị Thùy nhà ở thị trấn Châu Ổ bèn đưa bạn là Trần Thị Kim Cúc về nhà ở xóm Mới, xã Bình Thới. Khi vượt qua đồng Bàu Cạn nước lũ chảy xiết đã cuốn trôi cả hai em.

Đứng trong xóm thấy hai em chới với giữa dòng nước, anh Phạm Hậu bèn đưa ghe ra cứu nhưng chưa đến nơi đã bị lật. Anh Mùi, chuyên đánh cá trên đồng, thấy vậy cũng chống ghe vào, nhưng nước chảy quá xiết cũng đành bất lực. Mãi đến 15g chiều 18-10 mới vớt được xác hai em.

Giúp nhau khi hoạn nạn...

Trưa 18-10, tôi gặp thiếu úy Nguyễn Hồng Thái cùng hai chiến ngược sông Trà Bồng đi cứu hộ ở đội 4, xã Bình Chương. Mưa lớn và lũ dâng cao, nhiều lúc tưởng như bị lật nên chúng tôi phải hướng canô men theo dọc bờ mà đi. Đến đội 4, xã Bình Chương thì trời sập tối. Cứ theo tiếng kêu la, chúng tôi bơi vào đưa em nhỏ, người già lên canô đưa vào gò đất cao trên đồng...”.

Mới nghỉ ngơi được một lát, chiếc điện thoại vang lên và các anh lại nhận nhiệm vụ cùng tham gia tìm kiếm xác hai học sinh bị nước lũ cuốn trôi ở đồng Bàu Cạn. Giữa đồng nước mênh mông, canô của lực lượng biên phòng, công an, tỉnh đội ngược xuôi tìm kiếm.

Còn trên thôn Tân Phước, xã Bình Minh, ngôi nhà của anh Nguyễn Bính bị sập vào tối 17-10, sáng 18-10 đã nghe tiếng đe tiếng búa. Anh Võ Đức Quy - dân trong xóm - nói: “Nước vừa rút, ai nấy công việc bộn bề, nhưng biết làm sao được khi vợ chồng thằng Quy chẳng còn chỗ để ra vào.

Thôi thì, mình bị thiệt hại ít từ từ thu xếp để đến giúp nó sửa lại căn nhà”. Từ trong đống đổ nát, các anh dựng lại cột kèo, lợp lại tấm tranh để chiều 18-10 vợ chồng anh Bính có nơi tá túc. Tại xóm Soi, thôn Nam Thuận, xã Bình Chương, những người dân trong vùng cũng chia sẻ những khó khăn với chị Hạnh cùng bao nhiêu người khác.

Ông Phạm Hùng, phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão huyện Bình Sơn, nói: “Cái khó trước mắt là số nhà bị ngập quá nhiều nên lúa gạo bị ướt chẳng có gì ăn, trong khi giếng nước sạch lại bị ô nhiễm. Do vậy, chúng tôi đang chỉ đạo trích lương thực thực phẩm dự trữ để cấp cho dân và chỉ đạo ngành y tế khử trùng các giếng nước...

VÕ QUÝ CẦU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên