16/09/2003 02:30 GMT+7

Thuốc ngoại móc túi người bệnh qua...bác sĩ!

HỘI AN<BR>
HỘI AN

TT (TP.HCM) - Bà Virginia Greasley, một tình nguyện viên người Anh, đã phát biểu như một lời kêu gọi: “Hãy mua hàng VN”. TS Nguyễn Sĩ Dũng cũng đã có một bài viết về vấn đề này trên Tuổi Trẻ (16-8). Riêng tôi muốn đề cập đến vấn đề này trong lĩnh vực thuốc tây - một lĩnh vực mà giờ đây hàng ngoại đã chiếm ưu thế ở tất cả các cửa hàng, nhất là ở TP.HCM.

Thuốc là lĩnh vực người tiêu dùng không thể chọn lựa thoải mái giống như các mặt hàng khác. Vậy ở đây ai là người quyết định chủ yếu về tiêu thụ của khách hàng? Đó chủ yếu là bác sĩ - những người kê toa thuốc. Ngoài ra còn là những người trực tiếp bán ở các cửa hàng thuốc tây với các loại thuốc thông thường không cần toa bác sĩ.

Ngoại trừ một số loại thuốc đặc trị mà ngành dược nước ta chưa sản xuất được hoặc là chất lượng còn thua hàng ngoại nhiều, vẫn có một số mặt hàng thuốc nội hóa chất lượng đã được nâng lên và giá cả hợp lý hơn, nhưng nếu bác sĩ không kê đơn thì làm sao tiêu thụ được?

Xin lấy một ví dụ: vừa rồi con tôi bị sốt, đi khám tại bệnh viện thì bác sĩ kê toa như sau: căn bệnh: cảm sốt; thuốc điều trị: 1. Paracetamol: 10v (1v x 2 lần), 2. Tonycanxi: 10 ống (1 ống x 2 lần) và dặn là mua tại nhà thuốc bệnh viện.

Vì không mang đủ tiền nên tôi đã không mua (Para 10v: 2.000 đồng; Tonycanxi là thuốc của Pháp: 10 ống: 60.000 đồng). Hỏi giá ở mấy nhà thuốc khác thì một hộp (20 ống) giá 77.000 đồng. Vậy 10 ống chỉ hết 38.500 đồng. Cuối cùng, vì cũng biết ít nhiều về thuốc (tôi là bác sĩ thú y) nên tôi chỉ cho con uống Paracetamol và mấy viên C, B complex của nội chứ không mua toa thuốc đắt tiền kia. Tuy nhiên hầu hết khách hàng phải mua đúng toa của bác sĩ. Vậy là có nhiều khi dù không cần thiết, các bác sĩ vẫn vì lý do nào đó (có thể là hoa hồng thuốc ngoại khá cao như có nhiều bài báo đã đề cập) đã cho vào toa thuốc những loại thuốc ngoại với giá thuốc quá “trời ơi”!

Báo chí đã đề cập giá thuốc ngoại ở VN mình cao gấp đôi giá thuốc ở châu Âu. Người bệnh bị móc túi một cách tàn nhẫn. Trong khi các xí nghiệp dược trong nước đang lao đao tìm cách tồn tại thì hằng năm vẫn có một lượng ngoại tệ lớn phải đổ ra để nhập thuốc.

Nên chăng các bác sĩ và đội ngũ bán cửa hàng thuốc phải có một cuộc hội thảo nghiêm túc về vấn đề này để có thể kê toa và bán thuốc nội trong những trường hợp có thể. Tất nhiên nói như thế nghĩa là chúng ta rất muốn ngành dược nước ta vươn lên để có thể giành lấy thị trường trên sân nhà, thay thế dần một phần thuốc ngoại đang được bán với giá rất đắt, không phù hợp chút nào với túi tiền của đa số người dân lao động.

HỘI AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên