26/03/2016 05:44 GMT+7

“Thánh” Cruyff về trời...

HUY THỌ (huytho@tuoitre.com.vn)
HUY THỌ ([email protected])

TT - Trong lịch sử hơn trăm năm của bóng đá, chỉ có ba nhân vật mà tên của họđược gắn với những mỹ từ vào loại đỉnh cao về thứ bậc. Đó là “vua” bóng đá Pele, “hoàng đế” Beckenbauer và “thánh” Johan Cruyff.

Johan Cruyff (số 14) trong trận thắng Argentina 4-0 ở World Cup 1974 - Ảnh: Goal.com
Johan Cruyff (số 14) trong trận thắng Argentina 4-0 ở World Cup 1974 - Ảnh: Goal.com

Trong ba vị “thượng đẳng thần” của làng bóng đá, dù “thánh” Cruyff trẻ nhất (ông sinh năm 1947, nhỏ hơn Beckenbauer 2 tuổi và kém Pele đến 7 tuổi) nhưng đã lìa trần sớm nhất bởi căn bệnh ung thư phổi.

Nói đến cảm xúc trước thông tin “thánh” Cruyff lìa trần, có lẽ phải những người ở tuổi “tri thiên mệnh” (50) trở lên mới thấm được bởi giải đấu mà ông được phong “thánh” là World Cup 1974, cách đây đã 42 năm. Riêng với những người hâm mộ bóng đá ở miền Nam Việt Nam, năm ấy cũng là năm mà người ta được xem nhiều nhất về World Cup nhờ vào sự phát triển của truyền hình, nhờ vào việc Chính phủ Tây Đức (cách gọi CHLB Đức thời ấy) cung cấp băng hình rất sớm.

Thậm chí đó cũng là năm đầu tiên làng báo thể thao Sài Gòn có được một nhân vật được mời sang “tác nghiệp” ở World Cup - cố bình luận viên Huyền Vũ. Những ngày ấy làng báo Sài Gòn luôn tràn ngập thông tin về World Cup, nổi bật nhất là tờ Nguồn sống và tôi nhớ mình giữ khư khư mấy năm trời hai bìa báo in hình Johan Cruyff trong trận Hà Lan đá bại Brazil, đội tuyển Tây Đức với Beckenbauer nâng cao chiếc cúp vàng

Năm 1974 ấy, tôi là một cậu thiếu niên rất mê bóng đá và may mắn ở World Cup đầu đời mà mình được xem, bỗng dưng được chiêm ngưỡng cả “thánh” lẫn “hoàng đế”. Nhưng “thánh” trội hơn “hoàng đế” ở giải ấy, trong tim người hâm mộ lẫn trên mặt báo. Nói vậy bởi tuyển Hà Lan năm ấy đã trình làng một chiến thuật lừng danh mang tên “tổng lực” do HLV Rinus Michel sáng lập và người thực hiện kiệt xuất chính là Johan Cruyff. Biệt danh “cơn lốc màu cam” của đội Hà Lan cũng ra đời từ năm ấy.

Chưa hết, “thánh” trội hơn “hoàng đế” ở một câu chuyện tốn rất nhiều giấy mực của báo chí, đó là trận cố tình thua của Tây Đức trước Đông Đức ở vòng 1 nhằm né Hà Lan ở vòng 2. Nhờ sự tính toán ấy, Tây Đức đã gặp Hà Lan (sau khi đội Hà Lan “tàn sát” Argentina 4-0, Đông Đức 2-0 và Brazil - nhà vô địch năm 1970 với tỉ số 2-0) ở trận chung kết. Và ưu thế sân nhà đã giúp “hoàng đế” thắng “thánh” 2-1. Trong thế giới bóng đá ngày ấy, người ta chê trách đó là chiến thắng của thứ bóng đá không thượng võ, đầy tính toán. Cũng từ chuyện này, “thánh” Cruyff chán nản khoác áo đội tuyển, kiên quyết từ chối tham gia “cơn lốc màu cam” ở World Cup 1978, dồn hết tâm huyết vào Barcelona với việc thành lập Học viện La Masia và khai sinh ra lối chơi tiqui-taca.

Trong ba nhân vật vĩ đại của làng bóng đá thế giới, trong mắt tôi, Pele tuy là “vua” nhưng chỉ là người may mắn được trời phú cho đôi chân kỳ diệu. “Hoàng đế” Beckenbauer tuy là đại công thần của bóng đá Đức, nhưng đóng góp của ông cho làng bóng đá thế giới cũng chỉ mới là việc khai sinh vai trò libero - một trung vệ luôn nhô lên cao tham gia tổ chức tấn công. Còn “thánh” Cruyff, ông có vô vàn đóng góp lớn lao cho làng bóng thế giới.

Không chỉ thực hiện trên cả tuyệt vời về lối chơi tổng lực, sáng tạo ra lối chơi tiqui-taca giúp những người thấp bé như Messi có thể trở thành siêu sao, ông còn có vô số câu nói để lại cho hậu thế, mà càng chiêm nghiệm càng thấy thấm thía trong cuộc sống chứ không riêng gì bóng đá. Ví dụ, tôi đặc biệt thấm thía câu “Mỗi sự bất lợi đều có lợi thế riêng” của ông. Với bóng đá, đó chính là triết lý để hình thành nên lối chơi tiqui-taca giúp những cầu thủ thấp bé chiến thắng những anh chàng hộ pháp; còn trong cuộc sống, đó cũng là niềm tin giúp con người vượt qua bi quan về bản thân.

“Thánh” Cruyff đã về trời, nhưng những gì ông để lại cho bóng đá, cho con người thì còn mãi mãi.

Một số câu nói nổi tiếng của Johan Cruyff

* ”Nếu tôi bắt đầu chạy sớm hơn người khác, điều đó có nghĩa là tôi đã nhanh hơn họ”.

* ”Tại sao không thể đánh bại một đội bóng giàu có hơn? Tôi chưa bao giờ thấy một cái túi tiền ghi bàn cả”.

* ”Đá hay mà không thắng thì vô nghĩa. Đá thắng mà không hay thì nhàm chán”.

* ”Nếu muốn hiểu điều gì, bạn hãy học cách giải thích nó tốt hơn”.

* ”Trên sân chỉ có duy nhất quả bóng, vì thế bạn cần phải có nó. Bạn có bóng tức là đối thủ không có bóng”.

* ”Đá bóng rất đơn giản, nhưng đá bóng đơn giản lại là điều khó nhất”.

* ”Bất cứ ai cũng có thể tung hứng quả bóng 1.000 lần bằng cách luyện tập chăm chỉ và sau đó có thể làm việc trong... rạp xiếc”.

* “Mỗi sự bất lợi đều có lợi thế riêng”.

HUY THỌ ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên