Song song đó, Đường sách TP.HCM cũng giới thiệu đến công chúng 5 bộ sưu tập đặc biệt.
Hội sách TP.HCM lần này (diễn ra đến ngày 25-3 tại công viên Lê Văn Tám) tiếp tục là cuộc hội tụ có sự đầu tư của các đơn vị tham gia trên phương diện tổ chức sự kiện sách.
Hội sách lần này sẽ có rất nhiều cuộc 'trình diễn ý tưởng về sách'. Cụ thể như Alpha Books mang đến chương trình talk chủ đề "Đối thoại những thế hệ cầm bút" nhằm ra mắt thương hiệu sách Sống (15h ngày 22-3 tại phòng chuyên đề 2).
Với ý tưởng tìm kiếm từ các tác giả Việt những bản thảo có tầm vóc hơn để phục vụ bạn đọc Việt trước tình trạng sách dịch ngày một tăng nhanh, Alpha Books đặt vấn đề người viết nên chọn hướng tiếp cận nào: viết theo nhu cầu thôi thúc của bản thân hay viết theo thị hiếu của bạn đọc?
Quan trọng hơn cả, bạn đọc Việt đang kỳ vọng gì vào những tác giả Việt?
Với ý tưởng tương tự, Saigon Books sẽ có buổi trao giải cuộc thi "Người Việt viết sách" và ra mắt tủ sách cùng tên tại hội sách lần này, như lưu ý rằng những tác phẩm của người Việt viết dành cho người Việt đọc vẫn là điều đơn vị này tiếp tục hướng đến.
Trước đó, nhà nghiên cứu An Chi sẽ có mặt lúc 9h ngày 20-3 để giới thiệu bộ Chuyện Đông chuyện Tây tái bản gồm 4 tập, trao đổi với bạn đọc các vấn đề chữ nghĩa tồn tại trong tiếng Việt và trong việc dụng ngữ bấy lâu nay tác giả An Chi dày công khảo cứu.
Công ty Minh Long sẽ tổ chức cuộc chuyện trò để trình bày một nhu cầu đọc trong thực tế hiện nay: đó là các sách giúp bạn trẻ "ra trường không hoang mang". Đây chính là "phân khúc" sách nhằm giúp các bạn trẻ khai thác và tìm hiểu giá trị bản thân, định hướng nghề nghiệp khi ra trường...
Dịp này, Minh Long ra mắt hai quyển sách: Không phải thiếu may mắn, chỉ là chưa cố gắng và Những bài học không có nơi giảng đường.
Một gian hàng tại Hội sách TP.HCM lần thứ X - Ảnh: XUÂN HƯNG
Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân sau 6 năm lui về quê nhà sẽ có cuộc hội ngộ với bạn bè và công chúng để ra mắt tập sách thú vị: Những mảnh sử rời lúc 9h ngày 22-3.
Việc giao lưu giữa tác giả Phạm Hoàng Quân, nhà báo Phan Cầm và TS Nguyễn Thị Hậu trong chương trình kể trên là dịp giới thiệu kỹ hơn về tập sách có nội dung trải rộng trên nhiều mảng đề tài (sử liệu Việt Nam và Trung Quốc, nhân vật và những đóng góp vào sử liệu, bảo tồn di sản...), được viết trong nhiều khoảng thời gian của một nhà nghiên cứu nặng lòng với sử liệu và sử học.
Sau khi tác phẩm Cây chuối non đi giày xanh tung ra trước hội sách với số lượng in kỷ lục 170.000 bản, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sẽ xuất hiện tặng chữ ký cho bạn đọc trên các ấn phẩm của anh, chương trình diễn ra tại gian hàng Nhà xuất bản Trẻ lúc 9h ngày 24-3.
Nhà xuất bản Trẻ còn tổ chức chương trình cho tác giả Isabelle Muller tặng chữ ký và giới thiệu quyển sách Loan - từ cuộc đời một con chim phượng hoàng, quyển sách là tự truyện khốc liệt của chính người mẹ tác giả (18h ngày 23-3).
Nhà văn trẻ Anh Khang đã kịp ra mắt quyển sách thứ 7: Người xưa đã quên ngày xưa và tặng chữ ký cho bạn đọc hâm mộ (lúc 16h ngày 20-3 tại gian hàng Sách Phương Nam). Ở hai kỳ hội sách trước, sách của Anh Khang đều đứng nhất nhì bảng xếp hạng Sách bán chạy nhất toàn hội sách.
Tại gian hàng Sách Phương Nam còn có buổi gặp gỡ giữa nhà văn Nguyễn Đông Thức và bạn đọc (diễn ra lúc 16h30 ngày 23-3) để giới thiệu ba quyển "mới mà cũ, cũ mà mới" của ông: bộ Vòng tay bè bạn năm xưa nay được viết thêm và tách thành 2 quyển: Diễm đi đâu, Cuộc trùng phùng trong mơ.
Một quyển nữa là Tiền đạo phút 79 trong tủ sách Tuổi mới lớn của Kim Đồng, nay "lột xác" trở thành Sút đi Bi sau khi được tác giả hoàn chỉnh lại.
Bên cạnh đó, nhà văn Nguyễn Đông Thức sẽ cùng với nhà văn Nguyên Hương giao lưu tại gian hàng Nhà xuất bản Kim Đồng với chủ đề Yêu thương thật trong thời đại ảo (17h ngày 21-3).
Với chủ đề sách viết về Sài Gòn, hội sách lần này có buổi giao lưu với tác giả Phạm Công Luận - quen thuộc với loạt sách Sài Gòn - chuyện đời của phố 5 tập (16h30 ngày 24-3) và nhà văn Phan Hoàng cùng hà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ giới thiệu quyển Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra (15h ngày 22-3 tại sân khấu trung tâm).
Và buổi trò chuyện "Cùng con nhận biết và phòng chống bạo hành - Con yêu, bố mẹ luôn ở đây!" (19h30 ngày 23-3) với diễn giả là nhà báo Hoàng Anh Tú - từng giữ vai trò anh Chánh Văn trên Hoa Học Trò - do Công ty sách Đinh Tị tổ chức sẽ là nơi để phụ huynh và các em trao đổi về đề tài thời sự này.
Đường sách vào hội phong lưu
Chương trình triển lãm "Sưu tập - thú chơi của người phong lưu" do Đường sách TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bình) tổ chức diễn ra cùng thời điểm từ ngày 19 đến 25-3, giới thiệu 5 bộ sưu tập: sách xưa, quạt cổ Marelli, nhạc tờ tiền chiến, phụ bản tranh xưa, gốm xưa (thương hiệu gốm Thành Lễ).
Sách xưa có các quyển Sách quan chế của Paulus Huỳnh Tịnh Của in năm 1888, Ấu học khải mông của Trương Minh Ký in năm 1893, cuốn Comedie Annamite của Trần Bồ in năm 1887... trong bộ sưu tập của ông Nguyễn Ngọc Hoài Nam. Quạt cổ Marelli - thương hiệu quạt nổi tiếng của Ý, vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 - được nhà sưu tập Trần Hoài Thơ mang đến triển lãm sẽ gợi nhớ một sản phẩm công nghiệp từng được người Hà Nội hết sức ưa chuộng.
Bên cạnh đó là bộ sưu tập tranh chủ đề "Bộ lạc tự do thiểu - số của xứ sở" với gần 30 bức tranh của họa sĩ Bùi Văn Dưỡng, ấn hành tại Đà Lạt năm 1955; các tờ nhạc chủ đề "Nhạc tình tiền chiến" ấn hành hơn 60 năm về trước; bộ sưu tập "Hình tượng Việt Nam trên gốm mỹ thuật Thành Lễ" giới thiệu các sản phẩm gốm ra đời khoảng những năm 1960 - thời điểm rực rỡ nhất của gốm mỹ thuật Thành Lễ...
Trong suốt đợt triển lãm, tại gian hàng Quán sách Mùa Thu sẽ trưng bày bức tranh màu nước của Tạ Tỵ vẽ chân dung nhà sưu tập Vương Hồng Sển vào năm 1965.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận