15/11/2003 18:29 GMT+7

Rác

TRƯƠNG QUANG
TRƯƠNG QUANG

TTCN - Có thể nói mà không cần cường điệu là rác đã trở thành một quốc nạn ở nước ta. Không những rác đã tác hại trầm trọng đến môi trường sinh sống, vệ sinh công cộng, chất lượng cuộc sống, nếp sống văn minh và phát triển bền vững, mà rác có thể đưa đất nước chúng ta đi thụt lùi hàng chục năm, mặc dù đã đạt những tiến bộ rất đáng kể về kinh tế trong thập niên qua.

FMaW9ZVq.jpgPhóng to
TTCN - Có thể nói mà không cần cường điệu là rác đã trở thành một quốc nạn ở nước ta. Không những rác đã tác hại trầm trọng đến môi trường sinh sống, vệ sinh công cộng, chất lượng cuộc sống, nếp sống văn minh và phát triển bền vững, mà rác có thể đưa đất nước chúng ta đi thụt lùi hàng chục năm, mặc dù đã đạt những tiến bộ rất đáng kể về kinh tế trong thập niên qua.

Không cần phải trích dẫn các số liệu để minh chứng, ai cũng thấy rằng thói quen xả rác bừa bãi (gia dụng và công nghiệp) và cường độ sử dụng các loại chất thải không tự tiêu hủy như nilông, chất dẻo, vật liệu xây dựng, các hóa chất độc hại ở các nơi công cộng và nguồn sống (nước, lòng đất và không khí) đã đạt đến mức báo động, vượt qua khả năng “tự sinh, tự hủy” của thiên nhiên và sức chịu đựng con người.

Điều đáng buồn là mặc dù rác đã trở thành một vấn đề “sống còn” của xã hội, thì không ít người trong chúng ta vẫn “an nhiên tự tại” xem đó là chuyện của người, không phải chuyện của mình! Và cứ thế, đội “thanh niên xung kích” vừa thu gom rác xong ở phía trước thì phía sau đã đùn đùn rác mới. Bãi biển vừa được “thanh niên phong trào xanh” dọn sạch thì lại trôi nổi đủ loại bao nilông, chai lọ, vỏ tôm - cua - nghêu - sò và tàn thuốc lá không lâu sau đó. Mặc cho các anh chị công nhân của sở vệ sinh sớm hôm cần mẫn làm sạch đường phố, ta cứ “tự nhiên” đổ và vứt rác ra đường...

Khán giả theo dõi các phóng sự truyền hình tại chỗ chắc đã có lần tự hỏi có bao nhiêu người thật sự đau lòng khi thấy cảnh rác rưởi ngập tràn sân vận động quốc gia Mỹ Đình sau buổi khai trương và Sa Pa sau lễ hội mừng 100 năm du lịch? Với sức “tàn phá” thiếu văn minh và vô tội vạ như vậy thì không bao lâu nữa chúng ta sẽ không còn những cảnh đẹp thiên nhiên và công trình hiện đại nào để thăm viếng, chiêm ngưỡng và tự hào!

Kinh nghiệm thực tiễn ở các nước cho thấy khi vấn nạn rác càng trở nên trầm trọng và phức tạp (do gia tăng dân số nhanh, đô thị hóa, công nghiệp hóa, ý thức cộng đồng thoái hóa...) thì sự đáp ứng và tham gia của toàn thể cộng đồng xã hội cần phải được nâng cao hơn để hỗ trợ cho những biện pháp giải quyết do các cơ quan chức năng đề xuất.

Như vậy, để giải quyết vấn nạn rác một cách hữu hiệu và tận gốc rễ đòi hỏi một giải pháp cộng đồng thay vì những biện pháp xử lý đơn thuần hành chính (xử phạt bằng tiền). Nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy “ý thức cộng đồng” và “áp lực xã hội” thường đem lại những kết quả cụ thể hơn những biện pháp “cảnh báo” chung chung và “trừng phạt” nương tay kiểu “yêu cầu không xả rác”, “cấm xả rác ở đây” hoặc “vứt rác bừa bãi sẽ bị phạt 50.000 đồng”...

Phương pháp xây dựng ý thức cộng đồng về quản lý rác có hiệu quả nhất là dạy cho thế hệ tương lai từ bỏ thói quen xả rác như chúng ta hiện nay. Ở Thái Lan, trẻ con từ lớp mẫu giáo đã được dạy cách phân loại rác (hữu cơ và vô cơ) để bỏ vào thùng rác theo chủng loại như các nước tiên tiến phương Tây. Nhưng các trường học, phương tiện truyền thông đại chúng Thái Lan (nhất là các kênh truyền hình và biển báo ngoài trời) và hội đoàn quần chúng đã bắt đầu gieo cái mầm ý thức “sống cho cộng đồng” đã gần 30 năm trước để có một quang cảnh sạch sẽ trên đường phố, những nơi công cộng và các bãi biển như ngày nay!

Chẳng lẽ chúng ta cứ chờ mãi...?

TRƯƠNG QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên