![Hàng ngàn điều ước rực rỡ trên sông Đồng Nai - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2025/2/10/base64-17391958494931326282293.jpeg)
Gần 5.000 hoa đăng lớn nhỏ kèm những điều ước bình an, hạnh phúc được thả xuống sông Đồng Nai - Ảnh: A LỘC
Tối 10-2 (nhằm 13 tháng giêng), hàng ngàn người dân tham gia lễ thả hoa đăng trên sông Đồng Nai, đoạn trước chùa Ông (còn gọi là Thất phủ Cổ miếu).
Đây là hoạt động nằm trong lễ hội chùa Ông lần 10 năm 2025 kéo dài trong 6 ngày, từ ngày 5 đến 10-2 (từ mùng 8 đến 13 tháng giêng),
Ban tổ chức đã thả 7 hoa đăng lớn (tượng trưng 7 phủ người Hoa) và 341 hoa đăng trung (tượng trưng cho 341 năm kiến lập Thất phủ Cổ miếu Biên Hòa) và gần 4.500 hoa đăng nhỏ xuống sông Đồng Nai trước chùa Ông.
Mỗi hoa đăng đều đính kèm một mảnh giấy ghi lại những điều ước, nguyện cầu bình an của người dân. "Tôi nguyện cầu bình an, sức khỏe, may mắn, thuận lợi và thành công", chị Nguyễn Thị Hồng Đào viết.
Lễ thả hoa đăng góp phần tôn vinh những giá trị tinh thần, văn hóa của người Hoa và người Việt vào những ngày lễ lớn. Đặc biệt là lễ hội tổ chức vào đầu năm, mở đầu cho một năm mới tốt đẹp.
Ông Huỳnh Hữu Nghĩa, quyền trưởng ban trị sự Thất phủ Cổ miếu, phó ban tổ chức lễ hội chùa Ông, cho biết thả hoa đăng là nghi thức mang tính chất tâm linh, niềm tin của bá tánh vào thủy thần và chư thần thánh cuốn trôi những điều xấu, tai ương, mang về những điều may mắn, bình an, hạnh phúc.
![Hàng ngàn điều ước rực rỡ trên sông Đồng Nai - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2025/2/10/base64-17391958495451287130647.jpeg)
Từ chiều, ban tổ chức đã chuẩn bị hàng ngàn hoa đăng lớn nhỏ trước sân chùa Ông, chuẩn bị cho lễ thả hoa đăng vào lúc 18h30 tối cùng ngày - Ảnh: A LỘC
Đây cũng là hoạt động kết thúc mùa lễ hội chùa Ông hằng năm với những hoạt động tín ngưỡng, văn hóa đa sắc màu. Đồng thời mang theo những ước nguyện của bá tánh một năm mới Ất Tỵ an lành, thành công.
Ngoài lễ thả hoa đăng, lễ hội chùa Ông còn có nhiều hoạt động đặc sắc mang đậm văn hóa Việt - Hoa như lễ nghinh thần, giao lưu thư pháp, biểu diễn lân sư rồng - võ thuật, trò chơi dân gian, giao lưu đờn ca tài tử, lễ cầu an, thả phúc khí cầu.
Đặc biệt, lễ nghinh thần huy động gần 1.000 người mặc trang phục truyền thống biểu diễn các tiết mục lân sư rồng, nhạc cụ dân tộc, múa quạt, thổi sáo đi dọc tuyến đường quanh chợ Biên Hòa tạo không khí lễ hội đường phố hết sức sôi động, vui tươi.
![Hàng ngàn điều ước rực rỡ trên sông Đồng Nai - Ảnh 3.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2025/2/10/base64-1739195849597159471130.jpeg)
Gần 5.000 hoa đăng tập kết trước sân chùa Ông chờ đến giờ thả xuống sông - Ảnh: A LỘC
![Thả hàng ngàn hoa đăng rực rỡ trên sông Đồng Nai, kết thúc mùa lễ hội chùa Ông - Ảnh 4.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2025/2/10/base64-1739195849636103090642.jpeg)
Ban tổ chức chuẩn bị tỉ mỉ, kiểm tra từng chi tiết trên hoa đăng - Ảnh: A LỘC
![Hàng ngàn điều ước rực rỡ trên sông Đồng Nai - Ảnh 6.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2025/2/10/base64-1739195849723418630768.jpeg)
Đúng 18h30, sau khi đại diện ban tổ chức đọc chúc văn, hàng ngàn hoa đăng được đưa ra sông Đồng Nai thả với mong muốn cuốn trôi những điều xấu, tai ương, mang về những điều may mắn, bình an, hạnh phúc - Ảnh: A LỘC
![Hàng ngàn điều ước rực rỡ trên sông Đồng Nai - Ảnh 7.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2025/2/10/base64-17391958497511297328752.jpeg)
7 hoa đăng lớn, 341 hoa đăng trung và gần 4.500 hoa đăng nhỏ được thả xuống sông Đồng Nai tạo ra khung cảnh lung linh hiếm gặp
![Hàng ngàn điều ước rực rỡ trên sông Đồng Nai - Ảnh 8.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2025/2/10/base64-1739195849809316774667.jpeg)
Ngoài thả hoa đăng, lễ hội chùa Ông kéo dài 6 ngày với rất nhiều tiết mục đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa Hoa - Việt - Ảnh: A CHANG
![Thả hàng ngàn hoa đăng rực rỡ trên sông Đồng Nai, kết thúc mùa lễ hội chùa Ông - Ảnh 8.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2025/2/10/base64-1739195849903683722573.jpeg)
Đặc sắc nhất là lễ nghinh thần với gần 1.000 diễn viên mặc trang phục truyền thống, hóa trang biểu diễn các tiết mục trên đường phố thu hút hàng ngàn người dân theo dõi, tham gia - Ảnh: A CHANG
![Hàng ngàn điều ước rực rỡ trên sông Đồng Nai - Ảnh 10.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2025/2/10/base64-17391958499601897809383.jpeg)
Nhiều gia đình, tiểu thương ở chợ Biên Hòa và dọc đường bày bàn thờ, hương án nghinh Đức Ông cùng các vị thần nhằm cầu chúc một năm mới bình an, làm ăn thuận lợi - Ảnh: A CHANG
![Hàng ngàn điều ước rực rỡ trên sông Đồng Nai - Ảnh 11.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/10/tha-hoa-dang-11-17391953587381917312815.jpg)
![Hàng ngàn điều ước rực rỡ trên sông Đồng Nai - Ảnh 12.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/10/tha-hoa-dang-12-17391953587407587726.jpg)
Đoàn xuất du nghinh thần với nhiều tiết mục múa dân gian do các hội quán người Hoa biểu diễn; mô hình tướng, nhân vật lịch sử, các đội hẩu, lân sư rồng, nhạc cổ truyền Triều Châu, Mân Nam… tạo nên lễ hội đường phố đầy màu sắc và hết sức náo nhiệt - Ảnh: A CHANG
Ngôi chùa cổ nhất Đồng Nai và Nam Bộ
Chùa Ông (còn gọi Thất phủ Cổ miếu) được xây dựng năm 1684 tại cù lao Phố, nay là phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tiếp giáp sông Đồng Nai.
Đây là ngôi chùa có niên đại sớm nhất ở Nam Bộ, đánh dấu mốc lịch sử quá trình chung sống của cộng đồng người Việt và người Hoa trong công cuộc khẩn hoang, lập nghiệp, bảo vệ vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Lễ hội chùa Ông là lễ hội dân gian do người dân địa phương tổ chức từ lâu, gắn liền với tín ngưỡng thờ đức ông Quan Thánh Đế Quân.
Việc duy trì, tổ chức lễ hội thường niên tại chùa Ông nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể ở địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng nhân gian, kết nối giao lưu văn hóa cộng đồng, thể hiện bản sắc hội nhập văn hóa Hoa - Việt.
Tháng 11-2023, lễ hội chùa Ông được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận