01/02/2019 11:45 GMT+7

Tết này con ăn tết với má!

HUỲNH QUỐC SƯ
HUỲNH QUỐC SƯ

TTO - Từ hồi lên Tây Nguyên lập nghiệp đến nay, chỉ một lần tôi ăn tết xa gia đình. Tết năm nay cũng vậy, tôi lại lên đường về quê bằng chuyến xe giường nằm quen thuộc chạy tuyến Buôn Ma Thuột - Đà Nẵng.

Tết này con ăn tết với má! - Ảnh 1.

Tác giả (ôm cháu, ảnh nhỏ) và ngôi nhà của mình. Tết này anh sẽ ăn tết cùng mẹ ở đây - Ảnh NVCC

Không như mọi lần, trong chuyến về quê lần này, tôi đi một mình mà không đưa vợ con về cùng. Cũng bởi nhiều nguyên nhân mà tôi không về cùng gia đình nên tâm trạng cũng không được thoải mái cho lắm!

18 giờ ngày 24 tháng chạp. Xe ngày tết khách rất đông, lối đi giữa hai hàng giường nằm trên xe hầu như không còn chỗ trống. Chốc chốc lại nghe cuộc điện thoại của phụ xe gọi cho khách: "Xe đến 110 (km 110, quốc lộ 14) rồi", "xe đến Hàm Rồng (Gia Lai) rồi", "xe đến cầu Bà Gi (Bình Định) rồi"... Hay tiếng trẻ con khóc, tiếng nhạc được phát ra từ smartphone của khách, tiếng rao bán vé số của... Hoài Linh (nhà xe mở phim hài).

Những âm thanh, hình ảnh này hầu như chuyến xe nào tôi cũng gặp, cũng nghe riết thành quen đến nỗi hóa thân thuộc. Tôi chợt thấy yêu vô cùng không khí của cái "xã hội thu nhỏ" này. Những người khách xa lạ lại trở nên thân quen khi bắt chuyện với nhau bằng những câu chuyện không đầu không cuối hay chỉ là những câu hỏi thăm xã giao.

Người trên xe đa số là người có quê gốc ở Quảng Nam - Đà Nẵng nên giọng nói không lẫn vào đâu được. Được nghe, được nói giọng quê hương ngay trên xứ người, ôi chao cảm giác sao mà "đã" đến thế. 

Tôi cũng tham gia những câu chào nhau xã giao kiểu như thế với một cô trạc tuổi mẹ tôi ngay giường bên cạnh. Cô cho biết nhà cô ở Bắc Trà My (Quảng Nam), gần thủy điện Sông Tranh, cô có con gái lập gia đình trên Buôn Ma Thuột. 

Lên đây được gần hai tháng để chăm con gái mới sinh, nay cô về nhà ăn tết xong cô lại lên giúp con gái. Rồi cô bảo khí hậu ở đây khác với quê nhiều quá, cô ở không quen cứ ốm suốt. 

"Ở quê, khí hậu khắc nghiệt hơn nhưng sống quen rồi, cô có mấy khi đau ốm mô!" - cô nói. 

Cô tâm sự cũng vì thương con nên cô ráng ở thêm vài tháng để cháu "trộng trộng" (lớn) một tí rồi cô lại về quê, chớ ở đây có cho thêm tiền thì cô cũng không ở.

Hoàn cảnh của cô, tình cảm của cô đối với con cháu, cái cách cô nói chuyện, kể về cuộc sống ở quê sao mà giống với mẹ tôi đến thế không biết! Một năm, mẹ tôi lên thăm ít nhất hai lần. Nhưng lần nào cũng chỉ ở tối đa vài ngày rồi mẹ lại vào Sài Gòn thăm gia đình anh Hai, chị Bé tôi vài ngày. 

Xong mẹ lại về quê với bầy gà, luống rau, mảnh ruộng..., rảnh rỗi mẹ sang nhà hàng xóm nhai trầu "tám chuyện". Vậy thôi mà mẹ coi đó là niềm vui, là thứ không thể dễ dàng từ bỏ được.

Nhiều lần, mẹ lên thăm, tôi cố nài nỉ mẹ ở thêm vài ngày nhưng bà nhất quyết không chịu chỉ với một lý do là "ở đây tù túng tau chịu không được bởi ở nhà muốn đi mô thì đi, ra vườn bẻ mấy nhánh chè nấu nước cũng vui". 

Hoặc mẹ chậc lưỡi: "Bữa trước ở trên nhà mi gió nhiều quá, xuống dưới thằng Cu (anh Hai ở Sài Gòn) là tau bị cảm luôn, uống bốn lần thuốc mới hết".

Bất chợt, tôi thèm cái cảm giác uống ly nước chè mẹ nấu, được nằm trên chiếc võng được mắc trên cây bòn bon nơi đầu sân, để trò chuyện cùng mẹ.

Hơn 23 giờ. Tôi nhìn ra ngoài, trời gần tết tối đen như mực, xe đang xuống đèo An Khê (Gia Lai). Những chuyến xe ngược chiều như những con ong thợ cần mẫn, cứ lầm lũi nối đuôi nhau một cách nặng nhọc để vượt đèo. 

Dưới lối đi hành khách chật như nêm cứ vạ vật vào nhau mà ngồi, tôi bỗng thấy mình hạnh phúc khi sở hữu một giường nằm ở tầng trên của xe. Được như vậy cũng nhờ tôi đặt vé từ rất sớm, giường ở tầng trên nên không phải chịu cảnh chen lấn, đụng chạm vào nhau như nhiều hành khách ở dưới.

Bỗng tôi chú ý đến một nữ hành khách áo hoa ngồi ở lối đi giữa hai dãy giường nằm. Cô "áo hoa" cứ nhìn chằm chằm bằng ánh mắt thiếu thiện cảm vào một chú hơn 50 tuổi mỗi khi chú duỗi chân vì mỏi chạm vào người cô. 

Thỉnh thoảng cô "áo hoa" nói như hét vào chú "50 tuổi": "Tôi yêu cầu chú không được đụng vào người tôi". 

Chú "50 tuổi" chỉ cười hiền, nhẹ nhàng bảo: "Hay là con nằm thẳng ra nghỉ tí đi, để chú đứng cho. Rồi tí nữa con ngồi lên có chỗ trống chú cháu cùng ngồi cũng được". 

Nhưng cô "áo hoa" vẫn không đồng ý và tiếp tục tỏ thái độ khó chịu với chú "50 tuổi". 

Một lát sau chú "50 tuổi" nhẫn nhịn xin nhà xe lên phía đầu xe ngồi để nhường chỗ này lại cho cô "áo hoa" nằm. 

Tôi thầm nghĩ sao cùng một sự việc mà cách hành xử của hai người lại khác xa nhau như thế? Tôi nhắm mắt lại, cố tìm kiếm một giấc ngủ nhẹ để tạm quên đi những chuyện vừa chứng kiến.

4 giờ sáng. Xe về đến trạm thu phí Tam Kỳ, tôi bị đánh thức bởi tiếng gọi của phụ xe: "Ai xuống Tam Kỳ chuẩn bị nghe". Vậy là mình về đến quê rồi. 

Tôi ngồi dậy xin cho xuống ngã tư Nguyễn Hoàng - Trần Cao Vân. Thời tiết Tam Kỳ gần tết khá lạnh, tôi vẫy một chiếc taxi đang đỗ bên lề để về Tiên Phước.

Hơn 4 giờ 30. Xe về đến đầu đường vào nhà. Từ đây tôi phải lội bộ qua một cánh đồng mới về được đến nhà. 

Tôi bật đèn pin của điện thoại để soi đường. Đường ruộng ướt sương khuya trơn trượt, trời lại mù sương ngày cuối năm chưa sáng hẳn, tôi ước ngày hôm nay không phải là hai mươi bốn mà là một đêm trăng nào đó để thấy từng bước chân tôi in trên đường quê thật thi vị. Và cũng để khỏi phải dò dẫm từng bước như thế này.

Thấy ánh đèn pin sáng, bầy chó nhà sủa vang. Má tôi cũng thức giấc, cất tiếng hỏi: "Mi mới về hả con?". "Dạ, con đã về đến nhà mình. Tết này con ăn tết với má!".

Tết này con ăn tết với má! - Ảnh 2.

Mời bạn đọc kể chuyện về quê ăn tết

Năm hết tết đến, người dân Việt xa quê ai cũng mong muốn được về bên gia đình, hưởng một cái tết đầm ấm.

Đến hẹn lại lên, hành trình về quê trong những ngày cuối năm luôn là một trải nghiệm đầy cảm xúc, với những câu chuyện đẹp về tình người và cũng không thiếu những bức xúc bởi những trắc trở trên đường. Đường về quê tết này có thuận lợi, suôn sẻ không? Dọc đường có gì vui, đẹp, độc, lạ?...

Kính mời bạn đọc chia sẻ cùng Tuổi Trẻ những trải nghiệm của mình trên đường về quê đón xuân Kỷ Hợi 2019, chủ đề "Đường về quê ăn tết của tôi".

Đừng ngần ngại gửi về cho chúng tôi những câu chuyện của chính mình, hoặc bạn trực tiếp chứng kiến dưới dạng bài viết, tin ảnh, clip theo địa chỉ email: [email protected] từ nay đến 11-2-2019 (mùng 7 tháng giêng).

Mỗi câu chuyện được chọn đăng trên Tuổi Trẻ sẽ được nhận quà lì xì 2 triệu đồng. Ngoài ra, Tuổi Trẻ Online sẽ chọn 10 tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất để trao tặng "Lộc xuân 2019", mức 5 triệu đồng/tác phẩm.

Chương trình do Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty cổ phần xe khách Phương Trang FUTA Bus Lines là đơn vị đồng hành.

Tuổi Trẻ mong nhận được tin bài của bạn!

Về quê ăn tết: Con đường đẹp nhất của cuộc đời Về quê ăn tết: Con đường đẹp nhất của cuộc đời

TTO - Những ngày này khi màu của Tết, mùi của Tết… đã tràn ngập mọi nẻo đường Việt Nam, tôi lại buồn vì đường về quê xa ngái.


HUỲNH QUỐC SƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên