27/12/2024 19:27 GMT+7

Tàu vũ trụ NASA gửi tín hiệu về sau khi áp sát Mặt trời chưa từng có

TTXVN
và 1 tác giả khác

Sau khi tiếp cận Mặt trời ở khoảng cách gần nhất từ trước đến nay, trưa 27-12, tàu Parker đã gửi tín hiệu cho NASA.

Tàu vũ trụ NASA gửi tín hiệu về sau khi áp sát Mặt trời chưa từng có - Ảnh 1.

Ảnh minh họa khoảnh khắc tàu thăm dò mặt trời Parker bay vào bầu khí quyển ngoài cùng của Mặt trời - Ảnh: NASA/REUTERS

Ngày 27-12, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) xác nhận tàu thăm dò Mặt trời Parker vẫn an toàn và hoạt động bình thường sau khi tiếp cận thành công Mặt trời ở khoảng cách gần nhất từ trước đến nay.

Thông báo cho biết nhóm vận hành tại Phòng thí nghiệm vật lý ứng dụng Johns Hopkins ở Maryland, Mỹ đã nhận được tín hiệu từ tàu thăm dò ngay trước nửa đêm 26-12 theo giờ Mỹ (tức khoảng trưa 27-12 theo giờ Việt Nam). Parker dự kiến sẽ gửi dữ liệu chi tiết về trạng thái của tàu vào ngày 1-1-2025.

Ngày 24-12 vừa qua, tàu thăm dò Parker đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử khi bay vào bầu khí quyển ngoài cùng của Mặt trời, còn được gọi là vành nhật hoa, có thể nhìn thấy trong những lần nhật thực toàn phần.

Tại thời điểm gần Mặt trời nhất, tàu cách bề mặt Mặt trời chỉ 6,1 triệu km, với nhiệt độ thiêu đốt khoảng 982 độ C, và đã di chuyển với vận tốc khoảng 690.000 km/h, tốc độ nhanh nhất của các tàu vũ trụ từng được chế tạo.

Theo NASA, nghiên cứu cận cảnh này về Mặt trời cho phép tàu Parker thực hiện các phép đo giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cách vật chất trong khu vực này bị nung nóng dưới mức nhiệt hàng triệu độ, theo dõi nguồn gốc của gió Mặt trời và khám phá cách các hạt năng lượng được tăng tốc đến gần tốc độ ánh sáng.

Được phóng vào năm 2018, tàu thăm dò Parker đã sử dụng các lần bay ngang qua sao Kim để tiến vào quỹ đạo gần hơn với Mặt trời. Tàu được thiết kế để chịu được những điều kiện khắc nghiệt nhất, do đó có thể tiếp cận gần Mặt trời ở khoảng cách lớn hơn 7 lần so với tàu vũ trụ trước.

'Quả ngọt' của nhà vật lý thiên văn tiên phong

Tàu vũ trụ NASA gửi tín hiệu về sau khi áp sát Mặt trời chưa từng có - Ảnh 2.

Chân dung nhà vật lý thiên văn Eugene Parker - Ảnh: AFP

Tàu vũ trụ Parker được đặt theo tên nhà vật lý thiên văn tiên phong trong những năm 1950 - Eugene Parker, người nổi tiếng với lý thuyết về gió Mặt trời và từ trường Mặt trời vào những năm 1950.

Năm 1958, ông Parker đã công bố nghiên cứu của mình, dự đoán rằng ngoài phát ra ánh sáng, Mặt trời còn phát ra một luồng khí gọi là gió Mặt trời. Tại thời điểm đó, sự tiến bộ của khoa học vẫn chưa đủ để có thể xác nhận lý thuyết này.

Tuy nhiên, các tàu vũ trụ sau này như Parker đã xác nhận lý thuyết của ông Parker khi đo đạc trực tiếp gió Mặt trời.

Ngoài ra, ông còn phát triển lý thuyết về từ trường của Mặt trời - hiện tượng được cho là nguyên nhân gây ra các hiện tượng như bão Mặt trời và ảnh hưởng đến khí quyển của các hành tinh trong hệ mặt trời, bao gồm Trái đất.

Ông đã tham dự lễ phóng tàu Parker vào năm 2018 và qua đời vào năm 2022, hưởng thọ 94 tuổi.

Tàu vũ trụ NASA gửi tín hiệu về sau khi áp sát Mặt trời chưa từng có - Ảnh 2.Tàu vũ trụ NASA sắp bay sát Mặt trời

Tàu vũ trụ Parker Solar Probe đang lao vào lớp khí quyển ngoài cùng của Mặt trời và chịu sức ép từ nhiệt độ lên tới 1.400 độ C cùng bức xạ cực mạnh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên