08/11/2015 07:58 GMT+7

Tăng quyền lợi, gắn trách nhiệm cho chủ rừng Tây Nguyên

TRUNG TÂN ghi (trungtan@gmail.com)
TRUNG TÂN ghi ([email protected])

TT - Theo một số chuyên gia, chỉ khi nào chủ rừng (cá nhân, tổ chức) có nhiều quyền lợi, có thể “sống được” nhờ rừng thì họ mới tha thiết bảo vệ rừng.

Rừng bị san ủi trái phép để chuyển đổi qua trồng cao su tại xã Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai) - Ảnh: B.D.
Rừng bị san ủi trái phép để chuyển đổi qua trồng cao su tại xã Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai) - Ảnh: B.D.
Nghe đọc bài báo này

Xung quanh câu chuyện mỗi năm Tây nguyên mất hơn 51.000ha rừng tự nhiên (xem bài Băm chặt rừng Tây nguyên - Tuổi Trẻ 7-11), nhiều chuyên gia cho rằng cần thay đổi cách thức quản lý rừng hiện nay, tiến tới thay đổi Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật đất đai.

* Ông Nguyễn Hoài Dương (phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk):

Một mình kiểm lâm không thể chặn phá rừng

Trước tiên, cần thay đổi nhận thức rằng việc bảo vệ rừng là của cả hệ thống chính quyền từ trung ương đến cấp xã và từng người dân, trong đó chủ chốt là ngành lâm nghiệp. Bởi một mình lực lượng kiểm lâm, lâm nghiệp không thể nào ngăn chặn nạn phá rừng.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật phải mạnh tay, điều tra làm rõ để xử lý các đầu nậu, đường dây bán gỗ, bao chiếm đất đem bán.

Ngoài ra, phải xem xét lại một cách hệ thống về các loại rừng trên toàn Tây nguyên, khu vực rừng nào phải giữ, khu vực nào có thể chuyển đổi để giải quyết hài hòa nhu cầu cần đất canh tác chính đáng của người dân thì mới giảm nạn phá rừng lấy đất.

Tây nguyên có tới khoảng 90% là rừng tự nhiên, có giá trị, đất đai lại màu mỡ nên là “miếng mồi” cho lâm tặc, các đối tượng lấn chiếm đất.

Một thời gian dài vừa qua, các công ty lâm nghiệp (trước đây là các lâm trường) được giao diện tích rừng lớn nhưng lại không có nguồn lực tương xứng, cuộc sống của những cán bộ, nhân viên còn khó khăn thì làm sao yên tâm bảo vệ rừng.

Vì vậy, chủ rừng phải được đầu tư về vật chất, công cụ để có đủ khả năng bảo vệ rừng được giao.

Đặc biệt, việc giao rừng tại các dự án cũng còn nhiều kẽ hở pháp luật nên khó xử lý hoặc không xử lý dứt điểm được đối với doanh nghiệp vi phạm.

Do đó, ngoài việc yêu cầu doanh nghiệp cam kết thực hiện đúng trách nhiệm bảo vệ rừng, phải có khung chế tài với chủ rừng. Về lâu dài, Nhà nước cần xem xét sửa đổi Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật đất đai còn nhiều bất cập, kẽ hở như hiện nay...

* Ông Nguyễn Đức Luyện (phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông):

Phải thay đổi chính sách về rừng

Nhiều năm nay, Đắk Nông cũng như nhiều tỉnh Tây nguyên rất khổ sở với tình trạng di cư tự do “nhảy dù” vào các khu rừng, không thể sắp xếp và ổn định được, do vốn cho các dự án ổn định dân cư thiếu trầm trọng.

Đến nay, Đắk Nông còn khoảng 11.000 hộ dân đang sống bám vào các cánh rừng. Tỉnh cũng còn 12 dự án tái định cư cho dân di cư tự do chưa thể triển khai vì thiếu khoảng 1.000 tỉ đồng.

Do đó, phải thay đổi chính sách về rừng để tạo điều kiện cho các chủ rừng sống được với rừng mới giải quyết căn bản nạn phá rừng. Cụ thể, sau khi giao đất cho các doanh nghiệp, các diện tích rừng còn lại phải giao đến các hộ dân.

Nhà nước cũng cần hỗ trợ về kinh phí, chính sách để người dân có điều kiện sống tốt và yên tâm bảo vệ rừng.

Đến nay, UBND tỉnh đã giao Công an tỉnh làm 18 chuyên án về bảo vệ rừng. Theo đó, sẽ xác định rõ hành vi, đối tượng phá rừng lấn chiếm rừng, bất kể đó là kiểm lâm, cán bộ nhà nước, người dân hay các đối tượng đầu cơ...

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đang lập thủ tục thu hồi thêm 8 dự án khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng nhằm chấn chỉnh tình trạng mất rừng tại các dự án...

* GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung (Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng):

Chủ rừng phải tham gia cổ phần vào rừng

Vấn nạn mất rừng ở Tây nguyên và trên cả nước xảy ra rất nghiêm trọng, nhất là tại các công ty lâm nghiệp vì tình trạng “cha chung không ai khóc”. Rừng bị lấn chiếm 5 -10ha, giám đốc lâm trường làm báo cáo, thế là xong, không chịu trách nhiệm gì nữa. Cứ như thế nên rừng tan hoang.

Cần phải yêu cầu các chủ rừng bỏ tiền, “cổ phần” vào rừng để tăng trách nhiệm. Cũng có thể để người dân tham gia cổ phần trong các lâm trường, vào các diện tích rừng ở địa phương để người dân cùng hưởng lợi và tăng cường công tác quản lý rừng.

Hơn nữa, chẳng có nước nào trên thế giới quản lý rừng như chúng ta. Cứ thu hồi đất của cá nhân, tổ chức này rồi giao cho cá nhân, tổ chức khác và rừng vẫn mất, lấn chiếm.

Cần phải gắn trách nhiệm cố định việc quản lý rừng (đất đai) cho một cá nhân, đơn vị cụ thể có đủ năng lực bảo vệ rừng, tránh tình trạng “đổ qua đổ lại”, “cha chung không ai khóc” khi rừng bị phá. Cơ quan chức năng cũng phải thật sự có trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng, lập dự án giao rừng.

Khi khởi động chương trình trồng cao su trên rừng khộp ở Tây nguyên, tôi và nhiều chuyên gia đã phản đối vì sẽ không có hiệu quả. Thế nhưng, nhiều dự án vẫn triển khai một cách ồ ạt.

Nhiều doanh nghiệp thừa hiểu trồng cao su trên rừng khộp là không hiệu quả nhưng vẫn bỏ tiền ra xin dự án, bắt tay để “chuyển đổi” mục đích sử dụng rừng sau khi được giao dự án. Do đó, theo tôi, nếu quyết tâm giữ rừng phải ngăn chặn ngay tệ nạn này...

Trồng rừng thay thế quá chậm

Theo Ban chỉ đạo Tây nguyên, quy hoạch toàn vùng có 240 dự án (xây dựng thủy điện, các dự án khác) phải trồng gần 16.000ha rừng thay thế, nhưng đến nay toàn vùng mới trồng bù được 1.007ha.

Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk có 58 dự án phải trồng rừng thay thế với diện tích 2.256ha nhưng mới có 4 dự án thủy điện thực hiện trồng bù rừng với diện tích 178ha.

Tương tự, Đắk Nông có 45 dự án phải trồng rừng thay thế với diện tích hơn 8.000ha nhưng mới thực hiện được 5 dự án, vỏn vẹn 124ha rừng. Cá biệt, tỉnh Gia Lai có 60 dự án phải trồng rừng thay thế với diện tích 2.732ha nhưng đến nay chưa dự án nào thực hiện.

Ông Nguyễn Khang Thiên (chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng):

Thẩm định lại các dự án nhận khoán rừng

Phần lớn các chủ rừng là doanh nghiệp tư nhân, sau khi nhận rừng lại lơ là quản lý, không thực hiện kế hoạch chăm sóc, không tổ chức bảo vệ nên rừng bị phá.

Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm còn lơ là, chưa triệt để khi tham mưu cho cấp cao hơn trong việc thực hiện các phương án bảo vệ rừng dẫn đến mất rừng trong nhiều năm qua. Trách nhiệm của chúng tôi trong quản lý rừng không thể không nói và chúng tôi nhận.

Tuy nhiên, thẩm định khả năng của các doanh nghiệp trước khi cấp phép các dự án giao khoán bảo vệ rừng là trách nhiệm của ngành kế hoạch - đầu tư.

Tôi đề nghị ngành này phải thẩm định lại năng lực của các công ty đang nhận giao khoán rừng và phải kiên quyết thu hồi dự án của những công ty không đủ năng lực, tránh hậu quả mỗi lúc mỗi lớn.

MINH CHÂU ghi

TRUNG TÂN ghi ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên