Phóng to |
Ông Nguyễn Hạc Thúy:"việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, đảm bảo sự an toàn và phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp là vấn đề rất cần thiết và phải sớm được thực hiện." |
* Thưa ông, giá phân bón đang tăng một cách bất thường, vì sao?
- Ông Nguyễn Hạc Thúy: Từ tháng 7-2003 đến nay, giá phân bón trên thị trường thế giới đã tăng vọt do một số nguyên nhân như chi phí vận chuyển tăng mạnh. Indonesia và Mỹ giảm sản lượng sản xuất phân bón.
* Dư luận đã kêu nhiều nhưng hiện tượng “sốt nóng, sốt lạnh” vẫn diễn ra. Trách nhiệm ngành phân bón thế nào?
- Cho đến nay khả năng sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng... 7% nhu cầu urê và dự kiến sang năm 2004, khi nhà máy phân đạm Hà Bắc và đạm Phú Mỹ đi vào sản xuất, cũng chỉ đáp ứng 15-20% nhu cầu. Với hơn 80-90% nhu cầu phân bón phải nhập khẩu, các doanh nghiệp khó có thể đảm bảo giữ giá ổn định một khi giá cả trên thị trường thế giới biến động mạnh. Tương tự, các nhà sản xuất phân bón trong nước (chủ yếu là NPK và vi sinh) cũng phụ thuộc nguồn nguyên liệu nước ngoài, một khi nguyên liệu tăng thì họ cũng phải tăng theo để tránh bị lỗ lã.
* Thông tin từ một số đầu mối nhập khẩu cho biết thời gian gần đây có nhiều hợp đồng nhập khẩu phân bón bị phá vỡ, số khác không có tàu vận chuyển... Liệu vụ đông xuân có thiếu phân bón?
- Đến thời điểm cuối tháng 11-2003 các đầu mối nhập khẩu phân bón trong nước đã nhập về đến cảng gần 1,2 triệu tấn, trong đó phân urê gần 570.000 tấn. Với lượng phân nhập này, cộng với lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp nhập khẩu, các đơn vị có thể đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu phân urê vụ đông xuân, khoảng 600.000 tấn. Thực tế thời gian qua cũng có một số hợp đồng nhập khẩu phân bón bị vỡ. Tuy nhiên số lượng không nhiều, chỉ khoảng 1.000 tấn.
* Theo ông, giải pháp nào để phòng ngừa “căn bệnh” sốt giá phân bón?
- Thứ nhất, Chính phủ có thể cho phép các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phân bón là thành viên Hiệp hội Phân bón VN thành lập quĩ bảo hộ ngành hàng bằng cách trích 20-25% lợi nhuận để lập quĩ nhằm chủ động đối phó khi có biến động xấu với giá cả phân bón trên thị trường thế giới. Thứ hai, đó là giảm thuế VAT xuống còn 0%, bởi lẽ hiện nay trong giá thành phân bón thì thuế VAT chiếm 9-10 USD/tấn. Giải pháp thứ ba, theo tôi, nhất thiết phải có một lượng phân thích hợp dự trữ cho khâu lưu thông trong một thời gian đủ lâu, chẳng hạn đến năm 2005.
Việc dự trữ lưu thông này là vấn đề bình thường trong điều kiện trong nước chưa chủ động được nguồn cung cấp cho nhu cầu, vấn đề là cơ chế phải công bằng và hợp lý. Chẳng hạn có thể cho phép các đơn vị nhập khẩu làm nhiệm vụ dự trữ được lấy lợi nhuận hoặc thuế trước VAT (nếu còn) để mua phân bón dự trữ. Cơ chế này đảm bảo được tính khách quan vì những đơn vị có lợi nhuận là doanh nghiệp thật sự mạnh, làm ăn có hiệu quả.
Ngoài ra, khi hai đơn vị là urê đạm Hà Bắc và urê đạm Phú Mỹ đi vào sản xuất năm 2004, Chính phủ có thể phân công hai đơn vị này trích một phần sản lượng sản xuất, chẳng hạn Hà Bắc trích 50.000 tấn trong số 150.000 tấn và Phú Mỹ trích 100.000 tấn trong tổng sản lượng 200.000 tấn để dự trữ lưu thông. Tất nhiên phải có cơ chế thích hợp để đảm bảo hai đơn vị này không bị thiệt hại. Với một quốc gia mà sản xuất nông nghiệp chiếm gần 80% và đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo như VN, việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, đảm bảo sự an toàn và phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp là vấn đề rất cần thiết và phải sớm được thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận