Trên đây là một đoạn trích trong "tâm thư" của bạn đọc Trần Huy Minh Phương, đồng thời cũng là một ông bố có con học phổ thông gởi các nhà soạn sách giáo khoa.
Nhằm góc thêm một góc nhìn về cải cách giáo dục, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu bài viết này.
"Kính thưa những nhà biên soạn chương trình, cải cách chương trình, đổi mới cách dạy và học cho học sinh phổ thông hiện nay!
Khi tôi viết "tâm thư" này gởi đến quý vị, hiện con cái của chúng tôi bắt làm quen với sách, còn thầy cô giáo vẫn đang loay hoay tiếp cận với cách dạy mới từ sách.
4 thế hệ vẫn còn xài
"Sách cũng làm từ cây cối, từ rừng mà ra... thiên nhiên không thể ưu đãi chúng ta mãi, các em học sinh cũng không phải cái chong chóng, các bậc phụ huynh học sinh cũng chẳng phải ba đầu sáu tay mà chạy kịp cùng chương trình năm nay như vầy, năm sau khác, học kỳ tới lại đổi khác".
Trẩn Huy Minh Phương
Thiết nghĩ, khi muốn đổi mới sách giáo khoa chính bản thân quý vị rất cần thực tế dạy một tiết học như một giáo viên chuyên môn thực sự, chứ đừng ngồi ở giấy mà có những quyết sách không hợp lý.
Chúng ta cứ mãi đổi, mãi xoay thì khi nào mới tiến bộ được. Chưa kể, nó còn mang theo những hệ lụy khôn lường.
Ngày xưa, chúng tôi học một bộ sách giáo khoa cho cả ba, bốn thế hệ vẫn còn giá trị sử dụng được.
Xa hơn nữa, ông nội tôi lúc còn tại thế, cũng từng có chia sẻ với tôi rằng: Hồi đó, muốn biên soạn quyển sách giáo khoa đòi hòi công kỹ và tận tường lắm.
Ví như, muốn biên soạn chương trình và cách dạy lớp Một ở một môn bất kỳ thì phải có đội ngũ gồm: nhà quản lý, cán bộ cấp Bộ, Sở, Phòng thực hiện quản lý và bao quát chung; trọng tâm là giáo viên đại diện ở cả ba miền, đại diện cho thành phố, thôn quê, dân tộc ít người.
Nói một cách dễ hiểu là làm sao trong nhân sự biên soạn ấy phải có cái nhìn thống nhất và đưa ra bất kỳ bài học nào dạy cho con em chúng ta thì các em ấy đều nhìn chữ biết ngay, học hiểu, đọc rõ, nói trọn vẹn và viết thành một ‘tác phẩm’ hoàn chỉnh.
Ngày ấy, chương trình gọn nhẹ nhưng sâu sắc, tích cực.
Sách xưa ít lỗi, nay thì sao?
Tệ hơn, ở trường A thì loại sách giáo khoa này, trường B lại là dạng sách giáo khoa khác... Tất cả những xanh, đỏ, tím vàng đó không làm nên chất xám mới, chẳng tạo sự hứng khởi mới cho người dạy và người học.
Có chăng chỉ thêm nhọc mệt. Hãy nhìn xem, con trẻ của chúng ta đang vác ba lô như những tân binh thực thụ khi đến trường.
Bài vở nào kịp thanh lọc lại để cho vào sự hiểu và sự tái tạo của bộ nhớ hay chỉ là nhại lại, học lại như cái máy...
Những bài học tuổi thơ có sức ám ảnh kinh khủng! Nó sẽ gieo hạt giống tâm hồn đạo đức cao thượng hoặc có cách ứng xử khi bước vào đời, nói gần hơn là có cách biết sống với nhau trong mỗi người, mỗi hoàn cảnh ở từng trường hợp cụ thể trong mỗi người học.
Xin thưa các nhà, chúng ta cần cẩn trọng... trong quá trình cầm cân nảy mực...
Thật thương cho các trò...
Thật đáng kính nể và trân quý cho các nhà mô phạm từng là thầy cô tôi, từng là đồng nghiệp tôi. Ở họ, luôn ao ước có thời gian thêm, không phải là hai mươi bốn giờ trong ngày mà là ba mươi giờ trong ngày hoặc dài hơn, để làm gì?
Để soạn giáo án cho thật tốt, chuẩn bị một bài dạy cho thật ngon lành để khi lên lớp, đứng trên bục giảng như một thiên thần trước mắt bao học sinh đang khát ngưỡng Đạo học.
Nhưng xin thưa, cuộc sống của họ không chỉ là trang giáo án, mà còn bao thứ hồ sơ không tên khác chằng chịt cả ngày. Vậy thì thời gian nào là khoảng riêng tư cho thăng hoa sáng tạo sáng kiến kinh nghiệm, khoảng thời gian nào lo cho gia đình chồng / vợ và các con...
Chao ôi! Bục giảng và phấn trắng. Mùa phượng vỹ không còn ba tháng hè như xưa đâu, các trò có khi chỉ có hai tháng. Còn giáo viên ư? Họ chỉ có một tháng, chưa muốn nói là không trọn vẹn... Bao thứ lịch trực, học bồi dưỡng và công việc không tên của mùa hè.
Nhưng ở họ thì thế nào là tiền thưởng, khi nào là sự hứng khởi trong tâm hồn để làm bệ phóng cho một tiết dạy thực sự hấp dẫn các trò, điều đó không thể chỉ trích, nói một chiều...
Hãy bắt đầu bằng cái nhìn của trẻ thơ
Hãy nhìn sâu vào tâm tư của những sợi tóc đã bạc vẫn thao thức trong đêm bên trang giáo án và cách tập dạy của những tân giáo viên mới thấy nghề nào cũng rất đáng cao quý.
Nhưng nghề Sư phạm thì còn cao hơn nữa, bởi hình ảnh gương phản chiếu ấy rất ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống và tinh thần của các em.
Hãy thực tế! Và bắt đầu bằng cái nhìn của trẻ thơ.
Muốn có một tiết học thành công thì người dạy phải đam mê, nhiệt huyết với bài giảng đó. Chính niềm hứng khởi của người dạy sẽ gieo niềm yêu thích, muốn học ở người học.
Chúng ta đừng đặt nhiều thứ lên vai con trẻ, đừng áp lực với các em bằng những niềm tin, mong chờ, khát vọng mà thời mình chưa được, muốn cho các con em mình tiếp nối sẽ là, phải là như vậy! Chỉ có sự gãy đổ trong thất vọng mà thôi.
Đâu hẳn cha là thợ hồ thì con phải là thợ hồ. Đừng nghĩ mẹ là bác sĩ con phải theo ngành Y.
Định hướng và hãy quan sát con em mình như những người bạn nhỏ nối tiếp những quãng đường trên vạn nẻo đời này sẽ có ý nghĩa hơn là chúng ta mãi cầm tay chỉ việc, buộc các bạn trẻ phải theo ý mình. Nguy thay!
Ngày đó, chúng tôi xem sách giáo khoa như những người bạn rất trân quý và tốt bụng! Chúng tôi "tôn thờ và sùng bái" những con chữ trong đó, những lời dạy của thầy cô ví như vàng...
Còn bây giờ hãy xem thái độ của các bạn nhỏ đối với sách giáo khoa đi! Nhưng ta đã làm gì với sách giáo khoa. Dạ thưa, bạn sách giáo khoa đang khóc theo từng mùa...
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, theo bạn làm gì để sách giáo khoa thật sự là bạn với học sinh? Mời bạn hiến kế và chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận