30/05/2018 11:13 GMT+7

Tắm đêm có gây đột tử?

BS CKII PHAN MỸ HẠNH
BS CKII PHAN MỸ HẠNH

TTO - Mới đây, gia đình chị T. cho biết em mình làm việc đến khuya, tắm lúc nửa đêm, ăn no mới tắm và lên giường ngủ liền trong phòng máy lạnh. Sáng ra cả nhà phát hiện em chị T. đã không còn thở nữa. Bác sĩ nói có lẽ em đã chết từ đêm qua.

Tắm đêm có gây đột tử? - Ảnh 1.

Tắm sáng hay đêm, nước nóng hay lạnh, tùy thuộc vào tuổi tác, bệnh đi kèm - Ảnh: N.C.T

Gia đình chị T. và nhiều người lo lắng nghĩ rằng tắm đêm là nguyên nhân gây đột tử. Thực tế có phải như vậy?

Tắm đêm vừa đủ giúp ngủ ngon

Theo các nghiên cứu, tắm nước ấm trước khi đi ngủ có thể giúp ngủ ngon hơn và tắm bằng vòi sen giúp điều chỉnh nhịp sinh học cơ thể. 

Theo BS Christopher Winter - hội viên Học viện Y học giấc ngủ Mỹ và giám đốc Trung tâm ngủ tại Bệnh viện Martha Jefferson, tắm vòi sen ban đầu làm tăng nhiệt độ cơ thể. Tuy nhiên, sau khi ra khỏi phòng tắm, nhiệt độ cơ thể sẽ giảm đi, báo hiệu đã đến lúc đi ngủ (hoặc ít nhất cũng làm dễ ngủ hơn). 

Thời gian tối ưu để tắm là tắm trước khi đi ngủ 60-90 phút để cơ thể có đủ thời gian làm mát và khô tóc. Giấc ngủ ngon sẽ giúp phục hồi tâm trí và cơ thể.

Mặt khác, hằng ngày da của mọi người tiếp xúc với rất nhiều loại vi khuẩn và các gốc tự do, tắm tối cũng đảm bảo rửa mặt sạch trước khi đi ngủ, đó là điều cần thiết để duy trì làn da khỏe mạnh, giúp giảm mụn, giảm nếp nhăn và chống lão hóa.

Tắm đêm thời gian ngắn với vòi sen nước ấm trước khi đi ngủ 1 tiếng hoặc hơn 1 tiếng mang lại nhiều lợi ích và không phải là nguyên nhân gây tử vong. Có thể em chị T. đã có một bệnh tiềm ẩn nào đó (như bệnh tim) chưa được phát hiện, kèm với thói quen tắm muộn hoặc mắc phải các sai lầm trong khi tắm, tổng hợp lại có thể gây tử vong một cách đáng tiếc.

Các sai lầm khi tắm có thể tử vong

1. Tắm quá lâu: việc ngâm mình trong nước quá lâu có thể khiến nhiệt độ cơ thể giảm quá mức, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, dễ bị cảm lạnh, ảnh hưởng đến hoạt động của mạch máu, huyết áp, dẫn đến ngất xỉu, thậm chí có thể gây tử vong.

2. Tắm ngay sau khi làm việc dễ dẫn đến thiếu nguồn cung cấp máu cho tim và não, thậm chí gây ra bất tỉnh.

3. Nằm ngay sau khi tắm: giảm đột ngột nhiệt độ ngay lập tức sau khi tắm sẽ làm giảm lưu lượng máu đến các hoạt động trong cơ thể, khiến máu đến não chậm, ảnh hưởng đến nhịp tim và huyết áp. Đặc biệt, những người có sức khỏe yếu, suy giảm miễn dịch, nằm máy điều hòa ngay lập tức sau khi tắm dễ dàng gây co giật và đột quỵ.

4. Tắm ngay sau khi thức dậy: với một cái bụng đói trống rỗng có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt, thậm chí gây hạ huyết áp, đột quỵ.

Thêm vào đó nếu bạn tắm với nước quá nóng làm giãn mạch máu khiến giảm lưu lượng máu đến não gây đau đầu, chóng mặt. Do đó, thời điểm thích hợp nhất để có thể tắm là sau khi ăn sáng hay uống 1 ly nước/sữa trước khi tắm.

5. Tắm đêm muộn: các chuyên gia khuyên không nên tắm, gội sau 23h. Tắm muộn với nước lạnh, mạch máu não bị co lại đột ngột sẽ dễ gây ra đột quỵ hoặc mạch vành (mạch máu cung cấp máu cho tim) co thắt đột ngột, có thể gây ra nhồi máu cơ tim cấp.

6. Tắm khi quá đói hay quá no: tắm khuya, sau khi ăn quá no, dễ bị ậm ạch khó tiêu lâu ngày, mắc bệnh đường ruột và dạ dày.

Tắm khi quá đói dễ bị hạ đường huyết, choáng váng và ngất xỉu.

7 .Tắm khi nhiệt độ cơ thể cao: là một thói quen rất có hại. Tắm ngay sau khi ra ngoài nắng nóng về, nhiệt độ cơ thể đang tăng, đổ nhiều mồ hôi, hơi ẩm sẽ thấm qua lỗ chân lông mở rộng khiến bạn ho, sốt, kèm theo nguy cơ bị viêm phổi do cảm lạnh.

Nên tắm vào thời điểm nào trong ngày

Theo tiến sĩ Shelly Carson (Mỹ), tắm vào buổi sáng là chìa khóa để thực hiện tốt nhất những công việc đòi hỏi sự sáng tạo. Tắm vào ban đêm nếu bạn khó ngủ, da mặt tiết nhiều dầu.

Tuy nhiên, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai, người già yếu không nên tắm đêm vì dễ bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, viêm phổi, nhiễm siêu vi, cảm cúm... Người tập thể dục thường xuyên nên tắm nước nóng.

Thời gian tắm nên dùng nước lạnh khi tắm buổi sáng và tắm đêm dùng nước nóng.

Khi tắm bằng nước lạnh sẽ kích thích được các đầu tận của dây thần kinh giúp sảng khoái và loại bỏ sự lười biếng. Tăng giải phóng các hóa chất chống trầm cảm như các beta-endorphin, và do đó giúp bạn điều trị trầm cảm. Cải thiện sức khỏe sinh sản ở nam giới bằng cách kích thích tăng sản xuất testosterone. Giúp cải thiện chức năng phổi. Kích thích hệ thống bạch huyết và miễn dịch của cơ thể, qua đó thúc đẩy việc sản xuất các tế bào chống lại nhiễm trùng.

Còn tắm bằng nước nóng sẽ làm sạch cơ thể, cải thiện sự linh hoạt của cơ bắp và giảm đau cơ, giảm lượng đường trong cơ thể. Tắm nước nóng cũng có lợi cho việc điều trị ho và cảm lạnh vì hơi nước giúp làm sạch đường hô hấp và giảm sung huyết họng và mũi của bạn.

Bạn đọc có những bài viết, thắc mắc về sức khỏe người lớn, mẹ và bé, sức khỏe sinh sản, giới tính, bệnh nam khoa, chữa trị hiếm muộn, dinh dưỡng, chấn thương… có thể gửi về email: [email protected]. Phòng mạch Online sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp. Chân thành cám ơn.

Dễ đột quỵ khi tắm đêm Dễ đột quỵ khi tắm đêm

TTO - Các bác sĩ cho biết thường tiếp nhận bệnh nhân bị liệt mặt ngoại biên, đau mỏi vai gáy cảm lạnh, hoặc chóng mặt té ngã, đôi khi nghiêm trọng hơn như bị đột quỵ, tử vong khi đang tắm.

BS CKII PHAN MỸ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên