04/05/2025 17:15 GMT+7

Tại sao chúng ta lại ở đây: Kịch của những câu hỏi

Bốn diễn viên đến nhà đạo diễn để luyện tập. Vị đạo diễn không bao giờ xuất hiện. Đạo diễn chỉ xuất hiện trong cuộc trò chuyện dưới vỏ bọc của đại từ “anh ấy”.

kịch - Ảnh 1.

Phân cảnh kịch lồng trong kịch, khi các nhân vật cùng tập luyện Lôi vũ của Tào Ngu - Ảnh: BTC

Và trong khi đợi, họ nói chuyện, tập luyện, ăn uống, tập luyện, rơi vào những cõi mơ.

Mắc kẹt trong "bây giờ"

Các diễn viên tập kịch Lôi vũ của Tào Ngu. Lôi vũ kể về một gia đình bị mắc kẹt trong nghiệp chướng chồng chất của chính mình. Sự phức tạp của Lôi vũ đối lập với cuộc sống của họ. Thế mà họ vẫn mắc kẹt.

Sống trong một thời đại tốt đẹp hơn hẳn cái thời đại của Chu Bình, Phồn Y hay Thị Phượng, nhưng họ vẫn mắc kẹt theo một cách khác. Ít bi kịch hơn nhưng có khi còn khó lui thoát hơn. Chí ít các nhân vật của Tào Ngu bi kịch đến mức phải chết.

Nhưng sự mắc kẹt của những người diễn viên trẻ tuổi này không đủ tạo nên xung đột lớn lao nào để họ làm được gì khác đi. Mắc kẹt trong căn phòng nơi tập kịch, nơi mà dường như lúc nào nhìn đồng hồ họ cũng thấy vẫn là 9h. 

Mắc kẹt trong "bây giờ", cái "bây giờ" mà họ nhận ra rằng dù triệu năm nữa trôi qua thì vẫn là bây giờ mà thôi. Mắc kẹt trong thế lưỡng phân của đời sống đô thị: cuộc sống ở văn phòng, trường học đối lập với nghệ thuật kịch. Mắc kẹt giữa thực và mơ. Mắc kẹt giữa bản ngã và vai diễn.

Ở màn một, trong một đoạn tranh luận về ý nghĩa của kịch bản, một diễn viên hỏi các bạn diễn rằng chẳng lẽ cứ phải có ý nghĩa thì mới diễn được ư, tại sao lại cứ phải đòi hỏi ý nghĩa rồi mới nhập vai. Rồi thì các diễn viên cũng tự tập luyện với nhau dẫu không có hướng dẫn của đạo diễn, cũng không có diễn giải nào từ đạo diễn. Họ tập luyện trong sự vắng mặt của người chỉ huy.

Dường như họ tìm đến sân khấu như một thế giới khác, nhưng thế giới khác ấy vẫn lặp lại mẫu thức của thế giới thực: nơi ta sống mà không có ai chỉ cho ta nên làm gì, nơi ta buộc phải làm mọi thứ mà không thể chất vấn ý nghĩa của nó, nơi cũng thường xuyên vắng mặt Đấng tối cao, người đã sắp đặt ra vở đại kịch ấy. Ta phải tự loay hoay với việc mình sẽ trở thành ai, trở thành như thế nào, và có bao giờ thực sự trở thành không.

kịch - Ảnh 2.

Vở kịch lấy cảm hứng từ chính những buổi học diễn xuất của các diễn viên trẻ mới vào nghề

Rất nhiều câu hỏi

Hai tiếng đồng hồ chỉ là những cuộc hội thoại qua lại giữa các diễn viên. Không có gì thực sự diễn ra.

Nhưng cảm giác về sự chuyển dịch vẫn diễn ra liên tục nhờ những thủ pháp dàn dựng giàu tính thể nghiệm của đạo diễn: những tấm màn trắng buông rủ ở nửa đầu màn 2 khiến sân khấu như lùi sâu vào một giấc chiêm bao mờ ảo; việc sử dụng hai diễn viên khác nhau cho cùng một vai diễn - đập vỡ sự nhất thể của cái tôi tưởng như cố định, vốn là bản chất của diễn xuất; sự áp dụng hiệu ứng "Verfremdungseffekt" mà Brecht đề ra nhằm khiến khán giả không bị lún sâu trong ảo tưởng về cảm xúc trên sân khấu, để họ được dịch chuyển liên tục giữa kịch và đời như thể giữa chúng có một lối tắt, để họ nhận thức được đây là một vở kịch, một vở kịch thuần túy...

Tại sao chúng ta lại ở đây - tựa đề đã là một câu hỏi. Và bản thân cả vở kịch ấy cũng là một câu hỏi, là rất nhiều câu hỏi: về thời gian, về những gì ta có thể làm để lấp đầy thời gian, về cái gì neo giữ sự hiện sinh này.

Trong căn phòng nhỏ nơi diễn ra buổi tập luyện, các diễn viên trải qua mọi pha của cuộc đời: yêu đương và chia ly, thức và mê, đến và đi, thậm chí cả sống và chết. Căn phòng nhỏ bị giới hạn trong đường viền của mình bỗng mở rộng ra rất lớn; và ngược lại, cuộc sống bên ngoài rất lớn mà ta đang sống, nó bỗng cũng chỉ hẹp như một căn phòng.

Lần lượt từng diễn viên rời khỏi nhà vị đạo diễn, rời khỏi buổi tập, để lại bước vào cuộc sống; rồi tới lượt các khán giả vở diễn cũng rời sân khấu, trở lại thế giới bên ngoài.

Song, có thật là chúng ta đã ra được ngoài không? Hay là chỉ bước từ một căn phòng nhỏ này sang căn phòng nhỏ khác, từ vai diễn này sang vai diễn khác, từ sự loay hoay này sang sự loay hoay khác? Tại sao chúng ta lại ở đây? Nhưng tại sao không?

Vở kịch Tại sao chúng ta lại ở đây của đạo diễn kiêm biên kịch sinh năm 1995 Duy Vũ và các diễn viên tại Xí nghiệp Điện ảnh Thăng Long, tác phẩm thứ hai trong chuỗi kịch Tân Hậu Trường do Manzi, XplusX Studio và Viện Goethe nhằm hỗ trợ những gương mặt mới, độc lập trong kịch nghệ đương đại ở Việt Nam, có thể gợi nhắc ta nhớ đến rất nhiều tác phẩm lớn.

Đợi Godot của Samuel Beckett là đương nhiên. Cả The Dumb Waiter của Harold Pinter nữa, với câu chuyện hai sát thủ nằm trong phòng đợi nhiệm vụ được giao.

Tại sao chúng ta lại ở đây: Kịch của những câu hỏi - Ảnh 2.Lệ Thủy, Minh Vương ca Đoản khúc Lam Giang đầy tâm trạng trong Lôi vũ

Mới đây nghệ sĩ Gia Bảo đăng clip ngắn nghệ sĩ Lệ Thủy, Minh Vương thể hiện tâm trạng nhân vật qua bài Đoản khúc Lam Giang trong vở cải lương Lôi vũ khiến người hâm mộ tấm tắc khen ngợi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên