20/04/2025 08:30 GMT+7

T3 Tân Sơn Nhất: Truyền cảm hứng phát triển

Ngày 19-4, nhà ga T3 thuộc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - công trình có tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỉ đồng - đã chính thức được khánh thành, vượt tiến độ hơn hai tháng so với kế hoạch.

Tân Sơn Nhất - Ảnh 1.

Nhóm du khách người Úc làm thủ tục chuyến bay đi Hà Nội tại nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vào sáng 19-4 sau khi khánh thành - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Không chỉ giải tỏa điểm nghẽn quá tải kéo dài của sân bay lớn nhất cả nước, nhà ga T3 còn được kỳ vọng trở thành biểu tượng cho khát vọng cất cánh, khẳng định vai trò trung tâm hàng không của Việt Nam trong khu vực.

Chúng ta rất vui mừng nhà ga T3 được hoàn thành vượt tiến độ. Đây là kết quả của sự nỗ lực, đồng lòng chung sức. Dự án này sẽ truyền động lực đến nhà ga quốc tế Long Thành, từ đó đưa sân bay Long Thành cơ bản hoàn thành vào năm 2025 với tinh thần cao nhất.

Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH
Tân Sơn Nhất - Ảnh 2.

Hành khách làm thủ tục chuyến bay đi Hà Nội tại nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) sáng 19-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Lời giải căn cơ cho bài toán quá tải triền miên

Tân Sơn Nhất - Ảnh 3.

Chủ đầu tư: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng nhà ga T3 không đơn thuần là một công trình hạ tầng hiện đại mà còn là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển và tầm nhìn chiến lược của quốc gia. 

Theo Thủ tướng, việc hoàn thành dự án trước thời hạn là kết quả của sự phối hợp đồng bộ từ trung ương đến địa phương, từ người dân sẵn sàng nhường đất và di dời nhà cửa cho đến sự chung tay của các doanh nghiệp, nhà thầu. 

Trong bối cảnh sân bay ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và kinh tế số, sự kiện này là lời khẳng định về năng lực tổ chức và ý chí phát triển của Việt Nam.

Với diện tích sàn 112.500m², gồm một tầng hầm và bốn tầng nổi, nhà ga T3 có công suất thiết kế lên tới 20 triệu hành khách/năm. 

Khi kết hợp cùng hai nhà ga hiện hữu T1 và T2, tổng công suất khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất đạt khoảng 50 triệu lượt khách/năm, đủ sức phục vụ nhu cầu vận tải hàng không đến năm 2030.

Đây là lời giải căn cơ cho bài toán quá tải triền miên tại sân bay vốn chỉ được thiết kế cho 28 triệu lượt khách/năm nhưng thường xuyên đón trên 40 triệu hành khách.

Điểm nhấn nổi bật của T3 là việc tích hợp công nghệ sinh trắc học và định danh điện tử toàn trình thông qua ứng dụng VNeID. 

Nhờ đó hành khách có thể thực hiện toàn bộ quy trình từ đặt vé, check-in đến kiểm tra an ninh chỉ với nhận diện khuôn mặt, rút ngắn thời gian từ hàng chục phút xuống chỉ còn vài phút. 

Hệ thống ACV Self Services gồm 90 quầy làm thủ tục, 20 quầy ký gửi hành lý tự động và 42 ki ốt check-in giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào quầy truyền thống, đồng thời nâng cao minh bạch và hiệu suất phục vụ.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ tịch HĐQT Vietjet, nhận định việc ứng dụng sinh trắc học toàn trình là một cuộc cách mạng trong ngành hàng không Việt Nam, tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành trung tâm hàng không thông minh hàng đầu khu vực. 

Bà Thảo tính toán với hơn 109 triệu lượt hành khách qua các sân bay Việt Nam mỗi năm, việc tối ưu hóa thời gian xử lý thủ tục sẽ giúp tiết kiệm hàng triệu giờ lao động, giảm chi phí vận hành và tăng năng suất logistics, mang lại giá trị kinh tế hàng chục nghìn tỉ đồng.

Nâng cao năng lực cạnh tranh về hàng không và logistics

Nhà ga T3 được xem là "chất xúc tác" cho chuỗi giá trị kinh tế - xã hội rộng lớn tại TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ - khu vực đóng góp hơn 30% GDP quốc gia. 

Với công suất bổ sung 20 triệu hành khách/năm, T3 kích thích thương mại, du lịch, logistics và bất động sản, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài và tạo hàng ngàn việc làm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Anh Quốc - phó chủ tịch HĐQT Taseco Air - nhận định T3 sẽ thu hút thêm hàng triệu du khách từ châu Âu, Mỹ, Đông Bắc Á. Quan trọng hơn, T3 là bàn đạp để hình thành cụm sân bay quốc tế cùng sân bay Long Thành để cạnh tranh với Singapore và Bangkok.

Không chỉ giảm tải cho sân bay, T3 còn tạo "cú hích" mạnh mẽ trong phát triển hạ tầng giao thông đô thị tại TP.HCM. Dự án kéo theo hàng loạt công trình trọng điểm như tuyến đường kết nối T3 với đường Trường Chinh - Cộng Hòa, do Bộ Quốc phòng bàn giao đất mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, đường Thống Nhất, cầu vượt trước ga T3... tạo nên trục giao thông mới, hiện đại và đồng bộ ở phía bắc sân bay.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - chuyên gia đô thị học, T3 là điểm nhấn thúc đẩy tái cấu trúc không gian đô thị khu vực Tân Bình - Gò Vấp - Phú Nhuận. 

Khi hệ thống giao thông quanh T3 hoàn thiện, đây sẽ trở thành động lực phát triển thương mại - dịch vụ, logistics và nhà ở chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu đô thị từ dân cư thuần túy sang đô thị sân bay (airport city).

Một trong những vai trò chiến lược khác của T3 là kết nối hiệu quả với sân bay quốc tế Long Thành - dự án trọng điểm quốc gia đang thi công giai đoạn 1. Một chuyên gia hàng không đánh giá khi có nhà ga T3 sẽ không xảy ra cạnh tranh mà hỗ trợ cho Long Thành. 

Hai sân bay này sẽ phối hợp, tạo thành hệ thống cảng hàng không hai trung tâm (dual-airport system) của vùng Đông Nam Bộ, tương tự mô hình Incheon - Gimpo (Seoul) hoặc Narita - Haneda (Tokyo). Điều này giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực về vận tải hàng không và logistics quốc tế.

Doanh nghiệp bớt lo cảnh ùn tắc, giảm chi phí

Đối với các doanh nghiệp vận tải, logistics và dịch vụ, việc nhà ga T3 hoạt động không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển mà còn giảm đáng kể chi phí cơ hội do ùn tắc sân bay gây ra.

Ông Nguyễn Thanh Bình, giám đốc công ty cung cấp xe dịch vụ đưa đón khách, cho rằng từ nay việc đón khách ở không gian rộng rãi, thoải mái, chắc chắn doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí, đồng thời cải thiện hình ảnh chuyên nghiệp trong mắt khách hàng.

Còn với các hãng hàng không nội địa Vietnam Airlines và Vietjet, việc tách biệt khai thác tại T3 giúp tối ưu hóa quy trình khai thác, giảm thời gian quay đầu chuyến bay, từ đó tăng năng suất khai thác đội bay.

Góp phần hoàn thành mục tiêu 50 triệu khách/năm

Ông Uông Việt Dũng - cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - chia sẻ việc đưa nhà ga T3 vào khai thác vừa giải tỏa áp lực khai thác quốc nội cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vừa sớm góp phần hoàn thành mục tiêu quy hoạch cảng hàng không này.

Có nhà ga T3, công suất Tân Sơn Nhất đã tăng từ 28 lên 48 triệu hành khách/năm. Thời gian tới chỉ cải tạo, mở rộng nhà ga hành khách T1 (quốc nội) và T2 (quốc tế) hiện có để nâng công suất khai thác đạt tổng công suất khoảng 50 triệu hành khách/năm.

Ông Dũng cho biết thêm ngoài nhà ga T3, việc đầu tư đồng bộ các công trình khu bay (đường băng, đường lăn, sân đỗ), hệ thống giao thông kết nối sân bay với hệ thống giao thông của TP.HCM đều góp phần quan trọng để nâng cao công suất sân bay Tân Sơn Nhất đáp ứng mục tiêu quy hoạch.

Giảm ách tắc, mở ra nhiều kỳ vọng

PGS.TS Nguyễn Bá Hoàng - nguyên phó hiệu trưởng Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM - nói việc chính thức đưa vào vận hành nhà ga T3 ngày 19-4 được kỳ vọng nâng gấp đôi công suất khai thác sân bay Tân Sơn Nhất và kết nối đồng bộ với tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa mang ý nghĩa lớn về nhiều mặt.

Trước hết sẽ có thêm cổng ra vào sân bay (thay vì chỉ đi vào từ đường Trường Sơn), giảm đáng kể nguy cơ ùn tắc những trục đường Trường Sơn, Hồng Hà... Nhà ga T3 với công suất kể trên còn giúp giảm áp lực bay cho nhà ga T1, T2 đảm bảo chuyến bay phục vụ đi lại, tăng diện tích sân bay đón tiếp hành khách.

Về lâu dài, hạ tầng hoàn chỉnh với tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đi qua khu vực, sân bay Long Thành chính thức vận hành... mở ra thêm cơ hội kết nối giữa các địa phương. Thậm chí sân bay hoàn toàn có thể mở thêm các chuyến bay thẳng đi nước ngoài hoặc trở thành điểm "transit" cho những hãng bay quốc tế.

Quyết liệt đồng bộ hạ tầng quanh sân bay

TS Võ Kim Cương, nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng nhà ga T3 khánh thành sẽ giảm áp lực giao thông cho cửa ngõ sân bay ở đường Trường Sơn.

Dù vậy nhà ga T3 và đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa chỉ mới giải quyết một phần tình trạng ùn tắc ở cửa ngõ phía tây bắc TP.HCM. Thực tế đây là cửa ngõ kết nối giao thông từ các tỉnh và huyện Củ Chi vào TP nên chịu "gánh nặng" giao thông khá lớn.

Riêng đường Cộng Hòa, Trường Chinh cũng hay xảy ra kẹt xe giờ cao điểm.

TP.HCM đang có những cơ chế, chính sách thuận lợi để phát triển đồng bộ đường sá, hoàn thiện mạng lưới giao thông..., nhất là nghị quyết 98.

Các đơn vị cần quyết tâm hơn, tập trung đẩy nhanh dự án làm đường Tân Kỳ Tân Quý, tổ chức giao thông hiệu quả qua trục đường Cộng Hòa, ưu tiên dự án tuyến metro số 2 kết nối hành khách đi về trung tâm TP.HCM thuận tiện.

Bên cạnh đó, cần phát triển hệ thống giao thông công cộng phủ sóng và kết nối sâu vào khu vực các nhà ga. Khi nhà ga T3 vận hành phải tổ chức ngay mạng lưới xe buýt kết nối song hành căn cứ nhu cầu đi lại thực tế.

T3 Tân Sơn Nhất: 'Cú hích' phát triển - Ảnh 4.Hình ảnh mới nhất về nhà ga T3 Tân Sơn Nhất trước ngày khánh thành

Chiều 18-4, tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhà ga T3 đã cơ bản hoàn tất các hạng mục chính, sẵn sàng cho lễ khánh thành vào ngày 19-4, sớm hơn kế hoạch hai tháng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên