Phóng to |
Cây đa cổ thụ đầu làng Thụy Hương rất có duyên với nhiều phim truyền hình |
Làng phim trường này chỉ cách trung tâm thủ đô khoảng 30km, thuộc xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn của TP Hà Nội.
Người đau tiên phát hiện “làng Hollywood” Thụy Hương là đạo diễn Đặng Nhật Minh khi ông làm phim Thương nhớ đồng quê. Vẻ đẹp đong quê cổ xưa trong truyện khiến đạo diễn phải bận tâm chọn hình mẫu trong thực tiễn; và sau nhiều ngày tìm kiếm ông hài lòng dừng lại ở làng Thụy Hương và Hương Gia (liền kề) để bấm máy.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã đưa nhiều cảnh đậm hồn quê vào phim, trong đó nhieu cảnh được quay tại nhà ông Nguyễn Xuân Vĩnh ở Hương Gia, một khu nhà cổ có kiến trúc còn giữ nguyên nét thuan Việt với những mảng tường gạch non bong lở, rêu phủ xanh đen.
“Tiểu phim trường” và “đại phim trường”
Phóng to |
Thúy Hường trong Thương nhớ đồng quê (với ngôi nhà ông Nguyễn Xuân Vĩnh) |
Từ năm 1996 đến nay đã có gần 20 đoàn làm phim đến thuê để quay. Quanh khu nhà này, nơi nào cũng được các đạo diễn tận dụng làm bối cảnh phim. Bức tường hậu chuồng nhốt trâu liền kề ngõ gạch, loang lổ rêu đen hiện còn dòng khẩu hiệu viết bằng than... y như một di tích kháng chiến thật. Gian bếp cũng đã nhiều lần lên phim mà ông Vĩnh chỉ còn mang máng là Những ngọn nến trong đêm, Những năm tháng đẹp, Đất và người, Vui buồn sau lũy tre làng...
Sau ngôi nhà của ông Vĩnh là đình Hương Gia, cây đa đầu làng (mấy trăm năm tuổi); đến Thuỵ Hương, cây si 200 năm tuổi... và nhiều cảnh khác được quay đi quay lại nhiều lần; trong các phim Sân tranh, Đất và người, Phố làng, Chuyện làng Nhô, Làng Thanh mở phố, Cảnh sát hình sự, Tết Độc lập...
Phóng to |
Lê Vân và Nguyễn Văn Bảo trong một cảnh quay của phim Thương nhớ đồng quê trên bãi ngô làng Hương Gia |
Trong khi nhiều làng quê ở đồng bằng Bắc bộ đang biến dạng với nhà hộp, nhà cao tầng thi nhau mọc lên thế chỗ những mái ngói rêu phong, và từng mảnh vườn vàng hoa mướp bị cắt bán dần thì Thuỵ Hương và Hương Gia vẫn còn giữ được nét đặc trưng làng quê thuần Việt: những con đường đất gồ ghề chạy giữa làng, quanh bìa làng; những đường dong (ngõ xóm) lát gạch lục đổ rêu; những ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng, cũ kỹ để lộ từng mảng tường xây gạch lục, vôi mạch lở xói; bên đình làng thâm nghiêm là những ao bèo vuông vắn, lũy tre rậm rạp soi bóng bên sông Cà Lồ, cánh đồng lúa vàng trải rộng...
Chất quê thứ thiệt còn là những hình ảnh sống động diễn ra hàng ngày như những cụ già lưng còng áo thâm phơi rơm rạ, sàng sảy thóc ngay ngõ gạch; từng đàn trâu bò kéo xe chở lúa về làng, trẻ nhỏ dắt trâu ra đồng chăn thả, những cô gái vớt bèo nuôi lợn.... Nhiều đạo diễn đã đưa trực tiếp những cảnh thật ấy vào phim. Và dù có đóng (sắp đặt) phim thì việc huy động con người và sử dụng cảnh trí ấy để làm nền, nhất là huy động đạo cụ, phục trang như cuốc xẻng, cày bừa, rơm rạ, áo quan... ở đây cũng quá tiện.
Một lý do quan trọng nữa khiến các nhà làm phim siêng đến đây là tính hiếu khách, nhiệt tình và… mê làm phim của nông dân trong làng. Phải kể thêm chi phí để làm phim ở đây rất rẻ: đi lại không quá xa, ăn ở thuận tiện và cả... tiền cát-xê cho quần chúng.
Khi nông dân đóng phim
Phóng to |
Chiếc xe bò kéo này trở thành đạo cụ cho nhiều bộ phim truyền hình quay ở làng Hương Gia |
Hiếm thấy ở đâu tinh thần hâm mộ phim, nhiệt tình tham gia làm phim như ở đây; và điều đó vô tình biến dân làng Thụy Hương, Hương Gia trở thành những “diễn viên chuyên nghiệp đóng vai quan chúng”. Cụ từ Nguyễn Văn Thành, 76 tuổi, có 18 năm trông đình Hương Gia và chín năm gắn bó với “tiểu phim trường” này, kể: “Từ hồi tôi ra trông đình đến nay đã có vài chục đoàn làm phim về đây quay. Hau như lần nào họ cũng mời bà con chúng tôi ra đóng diễn viên quần chúng”.
Đạo diễn Vương Đức cho biết: “Chọn lựa, sử dụng diễn viên quần chúng không đơn giản nên công việc này được giao cho phó đạo diễn lo liệu. Có nhiều cái khó như thuyết phục người dân đồng ý diễn và diễn như thế nào, bao nhiêu quần chúng thì đủ; rồi phục trang, đạo cụ ra sao... Những câu hỏi đó dễ tìm được lời giải ở đây”.
Các đoàn phim đến Thuỵ Hương đều tận dụng đội ngũ diễn viên nghiệp dư sẵn có tại làng, có khi chỉ cần vài đứa trẻ nhưng có phim phải mời cả một góc làng ra đóng... chẳng hạn như khi đóng chiến tranh du kích, phá đồn Tây, cướp kho thóc... Cụ từ Thành bảo: “Đóng vai quần chúng vài ngày, có khi chỉ được xuất hiện cái lưng, cái mặt trên màn hình vài giây là cũng sướng lắm”.
Chị Hằng, con dâu ông Đỗ Duy Quýt ở xóm Bia, làng Thuỵ Hương, từng tham gia vai quần chúng trong phim Tết độc lập, kể: “Bây giờ cứ có đoàn làm phim đến là cả làng lại chờ được các đạo diễn gọi đóng vai quần chúng. Nhưng có khi chúng em cứ lẽo đẽo đi theo đoàn từ sáng tinh mơ mà tận chiều tối mới đến lượt mình vào đóng”.
Chị Hằng còn khoe cả gia đình chị đều đóng vai quần chúng tư nhiều năm nay. Riêng chị lần đóng phim Tết độc lập ấy cũng nhớ đời: lần ấy chị phải vào vai một cô gái đẹp nhất làng bị lính Tây cưỡng hiếp với cảnh diễn cụ thể là một tên lính vật ngửa chị ra giữa chợ. Ban đầu chị giãy nảy nhưng rồi cái máu đóng phim bốc lên, chị vào vai rất “nghệ” khiến ca làng khen chị diễn khéo. Có điều khi phim chiếu trên ti vi, chồng chị xem lại ấm ức, không cho chị đi đóng phim nữa!
Trong khi đó, bố mẹ chồng chị Hằng thì hầu như đợt nào có đoàn phim cũng tham gia. Bà Quýt hay đóng vai cầm cờ, quạt, phướn đám ma còn ông Quýt thường đóng các cụ ngồi khề khà trà thuốc trên chiếu đình làng... Chỉ có những vai cỏn con vậy thôi nhưng lại là niềm vinh hạnh rất lớn của người “làng Hollywood”.
Bà Nguyễn Thị Gái tỏ bày: “Ban đầu được mời đóng phim chúng tôi ngượng lắm, cả đời có biết máy quay phim là cái gì, chỉ thấy cái ống kính xanh lè như mắt mèo, thấy đèn chiếu vào mặt mà nhắm tịt cả mắt lại... còn bây giờ thì phim nào chúng tôi cũng diễn được. Mà các đạo diễn còn khen chúng tôi diễn rất tự nhiên là đằng khác”.
Không chỉ cho thuê nhà để quay phim, ông Nguyễn Xuân Vĩnh nay còn sản xuất đạo cụ cho các đoàn phim. Ông học được nghề này qua họa sĩ Bùi Minh Tuấn của đoàn phim Thương nhớ đồng quê. Anh Nghị, người làng Thuỵ Hương, cũng chuyển sang nghề cho các đoàn phim thuê đạo cụ sau khi thấy đạo diễn Đặng Nhật Minh thuê cái nhà bếp quay cảnh đun nước, thuê cái cày và con trâu ra cày ngoài đong với giá vài trăm nghìn đồng.
Bà Mạnh, trên 50 tuổi, ở xóm Đen làng Hương Gia, lại có nghề và nỗi đam mê khác: sẵn sàng phục vụ cơm nước cho đoàn tại nhà mình rất chu đáo mà không lấy công sá gì. Bà hầu như quên đi nỗi mệt nhọc khi vào bếp vì biết rằng sau đó sẽ được xem những bộ phim có cảnh làng mình trong đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận