* Sai sót cục bộ, gần 34.000 thí sinh bị ảnh hưởng * Mất hai dấu trừ, lỗi do máy in?
Đó là quyết định của Bộ GD-ĐT về phương án giải quyết đối với sự cố “mất hai dấu trừ” trong một câu hỏi của đề thi trắc nghiệm môn vật lý khối A trong đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH vừa xảy ra tại cụm thi Quy Nhơn.
Phóng to |
Biện pháp xử lý này đã được lãnh đạo Bộ GD-ĐT quyết định chiều tối 6-7, trên cơ sở đề xuất của thường trực Ban chỉ đạo tuyển sinh và tham khảo ý kiến đề xuất của trưởng môn ra đề thi môn vật lý và trưởng ban đề thi (hiện vẫn ở “vòng trong” khu vực cách ly làm đề thi).
Ảnh hưởng tới 57 trường ĐH trong cả nước Bộ GD-ĐT nhìn nhận: sai sót xảy ra ở cụm thi Quy Nhơn “chỉ mang tính cục bộ” vì tại cụm thi này có 33.911 thí sinh dự thi, chiếm 5,31% so với tổng số thí sinh dự thi đợt 1 của cả nước.
Trong đó, số thí sinh thi vào Trường ĐH Quy Nhơn là 10.364, còn lại là thí sinh của 56 trường ĐH khác trong cả nước với số lượng thí sinh dự thi vào từng trường khác nhau. Trong đó, một số trường ĐH lớn ở TP.HCM có số thí sinh dự thi tại Quy Nhơn đông nhất. Bộ GD-ĐT cho rằng với hướng giải quyết kể trên đã đảm bảo quyền lợi, công bằng cho thí sinh dự thi tại Quy Nhơn cũng như thí sinh trong cả nước.
Như vậy thang điểm chấm thi môn vật lý đối với bài thi của các thí sinh dự thi tại Quy Nhơn sẽ khác với thang điểm chấm môn này của các hội đồng thi khác trong cả nước: thang điểm tối đa cho môn vật lý ở cụm thi Quy Nhơn là 10 điểm cho 49 câu, các nơi khác là 10 điểm cho 50 câu.
Phóng to |
Với quyết định của Bộ GD-ĐT, đề thi môn vật lý của thí sinh Quy Nhơn còn 49 câu, thí sinh cả nước vẫn là 50 câu. Trong ảnh: Thí sinh tại TP.HCM xem bài giải môn toán, vật lý trên báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Minh Đức |
Không ảnh hưởng đến kết quả thi của thí sinh
Đó là lời khẳng định của ông Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - về phương án xử lý đã được lãnh đạo Bộ GD-ĐT quyết định đối với các bài thi môn vật lý tại cụm thi Quy Nhơn.
Ông Nghĩa lý giải: nếu không chấm câu bị mất hai dấu trừ dẫn đến sai đề, điểm của toàn bài thi sẽ chia đều cho 49 câu còn lại, sau đó vẫn được quy về thang điểm 10 bình thường. Với tổng điểm toàn bài thi là 100, sự thay đổi điểm thi cho từng câu hỏi giữa tổng số 50 hay 49 câu là rất nhỏ. Sau khi quy về thang điểm 10, sự thay đổi càng không đáng kể vì theo nguyên tắc chấm thi, bài thi chỉ được tính và làm tròn đến 0,25 điểm.
Vì vậy, ông Nghĩa nhấn mạnh: “Phương án mà Bộ GD-ĐT đã quyết định là phương án tốt nhất, hợp lý nhất để giải quyết sự cố, hạn chế thấp nhất hậu quả. Không chỉ là phương án khả thi về mặt kỹ thuật, cách xử lý này cũng không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh”.
Ông Nghĩa cũng cho biết đối với số bài thi trắc nghiệm môn vật lý của cụm thi Quy Nhơn sẽ được chấm riêng. Phần mềm chấm trắc nghiệm môn vật lý sẽ được điều chỉnh để phù hợp cho việc chấm theo số lượng câu hỏi và biểu điểm mới. Tuy nhiên với cách thức chấm thi này, toàn bộ bài thi vật lý ở Quy Nhơn sẽ cần được quét và chấm riêng, không thể chuyển bài thi về cho các trường ĐH có thí sinh dự thi tự chấm như bình thường.
Lỗi do máy in?
Ông Võ Đỗ Thắng (giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena): Không thể xảy ra chuyện đó Theo tôi, in sao đề thi là một việc rất hệ trọng nên Bộ GD-ĐT chắc chắn sử dụng các loại máy in và công nghệ in tân tiến, có độ chính xác cao, thậm chí là các máy in mới và các máy in này phải được các chuyên gia kiểm tra độ chính xác nhiều lần trước khi đưa vào sử dụng. Do đó, lỗi từ công nghệ in là khó có thể xảy ra. Bên cạnh đó, nếu lỗi từ công nghệ in hay lỗi in về font chữ thì phải lỗi trên toàn bộ bài thi, không thể bị lỗi một chỗ như đã xảy ra. Sẽ không có chuyện trên màn hình dữ liệu khác, in ra khác, trừ khi bị lỗi font, mà khi lỗi font thì nguyên cả đoạn văn sẽ bị lỗi. Đ.Thiện ghi |
Chiều 6-7, PGS.TS Nguyễn Hồng Anh - hiệu trưởng ĐH Quy Nhơn, chủ tịch hội đồng coi thi liên trường cụm thi Quy Nhơn - cho biết cả sáu mã đề thi môn vật lý đều bị thiếu dấu một câu trong tổng số 50 câu. Theo nhận định của ông Nguyễn Hồng Anh, bước đầu có hai nguyên nhân.
Thứ nhất, lỗi xảy ra là do không tương thích giữa máy tính và máy in, bởi trên máy tính thì có dấu nhưng khi in ra thì một câu trong bộ đề thiếu dấu.
Thứ hai, khâu kiểm tra lại đề thi sau khi in cũng không phát hiện. Cho nên không chỉ đổ lỗi cho thiết bị mà có cả yếu tố con người. “Về hậu quả có thể không lớn, có thể xử lý được, nhưng quy trình in sao, kiểm tra đề thi vật lý ở cụm thi Quy Nhơn có vấn đề. Chúng tôi sẽ làm rõ sau khi thi xong đợt 2” - chủ tịch hội đồng coi thi liên trường cụm thi Quy Nhơn thừa nhận.
Vì sao chỉ riêng một câu trong tổng số 50 câu của đề thi vật lý thiếu dấu ở tất cả sáu mã đề dù bị xáo trộn vị trí ở các mã đề khác nhau mà các câu khác thì không bị lỗi? Ông Nguyễn Hồng Anh cho biết về mặt kỹ thuật in sao, bước đầu chỉ có thể xác định do không tương thích giữa máy tính và máy in, và vẫn chưa nói được điều gì cụ thể hơn, tất cả hãy chờ sau khi kết thúc thi đợt 2, vấn đề sẽ được làm rõ.
Phía Bộ GD-ĐT cho biết nguyên nhân sai sót thể hiện ở hai công đoạn. Về mặt kỹ thuật, theo báo cáo ban đầu của ban đề thi Trường ĐH Quy Nhơn, ban đề thi đã sử dụng phần mềm điều khiển máy in HP5100tn chưa tương thích với hệ điều hành Windows Vista.
Về quy trình kiểm soát trong in sao đề thi, Bộ GD-ĐT đánh giá: “Ban đề thi Trường ĐH Quy Nhơn chưa thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ GD-ĐT trong công văn ngày 28-5-2009 về việc hướng dẫn các cơ sở in sao đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009. Cụ thể tại Quy Nhơn, việc kiểm tra bản in so với đề thi gốc trên máy tính (sau khi đã giải mã) chưa kỹ nên không phát hiện được lỗi sai sót trên bản đề thi gốc in ra từ đĩa CD trước khi nhân bản.
Theo một nguồn tin từ Bộ GD-ĐT, trưởng ban đề thi của ĐH Quy Nhơn năm nay là người lần đầu tiên tham gia ban đề thi, làm công tác in sao đề thi tuyển sinh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Hà - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - cho biết trước mắt, Bộ GD-ĐT ưu tiên cho việc tìm phương án tối ưu để giải quyết vụ việc nhằm bảo vệ quyền lợi của những thí sinh dự thi tại cụm thi Quy Nhơn. Đồng thời, bộ tập trung chỉ đạo tới tất cả các điểm in sao đề thi, các hội đồng coi thi nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị cho đợt 2 của kỳ thi, tránh không để xảy ra các sai sót tương tự.
Những thông tin chi tiết hơn về nguyên nhân dẫn đến sự cố bộ sẽ tiếp tục làm rõ sau khi có báo cáo chi tiết hơn của các cán bộ giám sát (gồm một phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH và một phó chánh thanh tra giáo dục) đã được bộ cử làm nhiệm vụ giám sát tại cụm thi trong đợt 1 vừa qua và báo cáo cụ thể hơn của ĐH Quy Nhơn.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về khả năng nguyên nhân dẫn đến sự cố đề thi có thể không phải do kỹ thuật (sự tương thích giữa máy tính và máy in) như Trường ĐH Quy Nhơn đã giải thích mà có thể do một nguyên nhân nào khác, bà Hà cho hay: “Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo lãnh đạo hội đồng coi thi Trường ĐH Quy Nhơn phải kiểm tra, rà soát quy trình xử lý, in sao đề thi, làm rõ hơn nguyên nhân xảy ra sai sót.
Đồng thời bộ sẽ yêu cầu ban đề thi của trường nghiêm túc kiểm điểm, xác định nguyên nhân cụ thể gây ra sự cố để rút kinh nghiệm và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan. Bước đầu là để đơn vị đã để xảy ra sai sót chịu trách nhiệm kiểm tra, làm rõ vụ việc và báo cáo. Sau đó tùy theo tình hình, mức độ của vụ việc, chúng tôi có thể sẽ yêu cầu cơ quan công an vào cuộc nếu cần”.
Sự việc xảy ra đầu giờ thi môn toán ngày 5-7 tại hai phòng thi số 190 và 191 (được ghép chung trong một phòng lớn), ở điểm thi tại trụ sở chính của trường. Tại đây, khi đề thi được phát ra, khoảng 60 thí sinh của hai phòng này đã phát hiện ngay câu đầu tiên (câu I, 2 điểm) có chi tiết không rõ. Phía sau dấu “=” của hàm số y = x + 2/2x + 3 hiện lên một vết ngang như dấu “-”.
Theo ông Phạm Hữu Lộc, sau khi thí sinh thắc mắc, giám thị đã ra khỏi phòng định nhờ cán bộ giám sát lên hỏi hội đồng tuyển sinh nhưng gặp một cán bộ phòng đào tạo đi ngang qua. Cán bộ này chỉ đạo: “Đây là đề thi của bộ, không bàn tán gì cả, cứ thế mà làm đi!”. Sau đó, một giám thị trong phòng thi có nói nhỏ cho một số thí sinh rằng: “Coi chừng có thể là dấu trừ”. Chính điều này đã khiến một số thí sinh giải đề theo hướng không đúng và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến bài làm. Được biết, đây là một trong những câu thuộc kiến thức cơ bản, là câu mà thí sinh dễ có điểm nhất trong đề thi năm nay.
Quan sát toàn bộ đề thi của hai phòng 190 và 191, lãnh đạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đều xác nhận đường ngang trong hàm số bị đứt một đoạn ngắn. Với mắt thường rất dễ nhầm là có dấu “-” phía trước. “Oái oăm là dấu trừ đó rất đậm, trong khi đề thi của tất cả các phòng khác lại không như vậy” - ông Phạm Hữu Lộc nhấn mạnh. Trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Quang Lâm, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (đơn vị in sao đề thi cung cấp cho Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM), cho biết trường đã kiểm tra lại tất cả quy trình in sao. Ông khẳng định quy trình kỹ thuật của trường không có gì sai sót. Đề thi mẫu được đối chiếu cũng không phát hiện bất thường gì.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận