Phóng to |
Nguyễn Văn Cường |
Tất cả bảy bị cáo bị truy tố ra tòa đều có mời luật sư, riêng Nguyễn Quốc Cường (tức Cường “đôla”) mời tới hai luật sư là luật sư Trương Thị Hòa và luật sư Hồ Hữu Tỷ thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM. Hầu hết các bị cáo ra tòa trong vụ án này đều thuộc gia đình khá giả, hai trong số đó còn là học sinh (Trịnh Sâm Mậu, Dương Quốc Khánh), số còn lại nhiều người là chủ doanh nghiệp, có công ty khá lớn.
Đua xe vì... một phút nông nổi!
Tất cả bảy bị cáo trong vụ án đều thừa nhận việc có “chạy xe với tốc độ cao” của mình nhưng cho rằng đó là hành vi bình thường, thấy các xe của đồng bọn chạy đằng trước nên chạy theo mà thôi. Trịnh Sâm Mậu (bị truy tố về tội tổ chức đua xe trái phép) nhận có gọi điện thoại cho Dương Nguyên Khánh nói được Nguyễn Quốc Cường rủ đua xe nhưng cho rằng chỉ để chọc Khánh thôi, thật sự không có việc rủ đua xe.
Phóng to |
Các quí tử đua xe trong phiên xử |
HĐXX: “Tại sao bị cáo cùng những người khác phóng xe đi?”. Cường đáp: “Bị cáo thấy chiếc xe màu xám bạc qua mặt nên nhấn ga vọt theo xem ai”. Chủ tọa: “Phóng xe theo người khác như vậy có phải là đua xe?”. Cường: “Chỉ là bị cáo nông nổi”.
Về khoản 400 USD mà Cường đã đưa hối lộ cho cảnh sát giao thông khi bị áp giải về Công an Bình Thạnh, Cường cho rằng: “Bị cáo thấy sợ nên mới nhờ chú Cựu đóng phạt giùm chứ không phải đưa hối lộ”. Ông Trần Văn Cựu, cán bộ tuần tra giao thông cũng được tòa mời thẩm vấn với tư cách nhân chứng, khẳng định: “Trên đường chở xe của Cường về Công an Bình Thạnh, Cường nói sẽ đưa tôi 1.000 USD để bỏ qua vụ này nhưng khi móc ra thì chỉ có 400 USD. Cường dúi vào túi áo tôi nhưng tôi hất tay ra”.
Luật sư: hành vi đua xe chỉ đáng bị phạt hành chính
Sau khi kết thúc thẩm vấn, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) đã đề nghị: Trịnh Sâm Mậu (sinh 1986, ngụ 33 Lê Quang Sung, Q.6) từ 4-6 năm tù về hai tội: tổ chức đua xe trái phép và gây rối trật tự công cộng; Nguyễn Quốc Cường (sinh 1982, trú 368 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3) từ 3-5 năm tù về hai tội: đưa hối lộ và gây rối trật tự công cộng.
Phóng to |
Theo đại diện VKS, trong vụ án này Trịnh Sâm Mậu được xác định là người cầm đầu, kích động các bị cáo khác tổ chức cuộc đua xe. Nguyễn Quốc Cường dẫn đầu cuộc đua, ngay khi phạm pháp bị phát hiện lại tiếp tục phạm thêm một tội nữa là đưa hối lộ nhằm che đậy hành vi phạm tội của mình.
Trong phần bào chữa, phần lớn các luật sư đều cho rằng hành vi của các bị cáo không cấu thành tội phạm mà chỉ nên xử lý hành chính. Luật sư Lê Hồng Nguyên, bào chữa cho Trịnh Sâm Mậu, cho rằng tội danh “tổ chức đua xe” truy tố đối với Mậu là không chính xác. Luật sư Nguyên phân tích rằng việc Mậu gọi điện thoại cho Khánh nói Cường rủ đua xe chỉ để chọc ghẹo Khánh, vì Mậu không có mục đích đua xe, trong vụ án cũng không có bị cáo nào bị truy tố về tội đua xe nên không thể kết luận Mậu phạm tội đua xe.
Luật sư Trương Thị Hòa thì cho rằng không đủ yếu tố để buộc tội đưa hối lộ đối với Nguyễn Quốc Cường bởi các biên bản vi phạm hành chính và biên bản phạm pháp quả tang mà công an lập đối với Cường không có giá trị pháp lý, do có sự sửa chữa, ghi thêm một số chữ bất lợi cho bị cáo sau khi bị cáo Cường đã ký tên vào biên bản. Các biên bản này vi phạm tố tụng nên không được coi là chứng cứ.
Các luật sư bào chữa cho nhóm bị cáo phạm tội gây rối trật tự công cộng thì cho rằng hành vi đua xe của các bị cáo không “gây hậu quả nghiêm trọng” nên không cấu thành tội phạm mà chỉ là vi phạm về hành chính. Nếu chiếu theo nghị định 15/2003/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi này chỉ có thể bị phạt hành chính với mức phạt từ 10-20 triệu đồng.
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đã đưa ra nhiều lập luận về cấu thành của các tội tổ chức đua xe, gây rối trật tự công cộng, đưa hối lộ, để khẳng định việc truy tố của VKS là đúng. Chiều 8-9-2003, HĐXX sẽ tuyên án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận