Liên quan đến vụ shipper ở Đà Nẵng nghi bị đánh tử vong sau khi khúc mắc trong quá trình giao hàng, nói với Tuổi Trẻ Online, đại diện công ty giao hàng cho biết tài xế Trần Thành là cộng tác viên.
Đánh tử vong nam shipper ở Đà Nẵng, 3 nghi can khai gì khi bị công an tạm giữ?
Mỗi lần khách hàng phản ánh xấu, nếu xác định chính xác việc có hành vi chưa đúng thì shipper bị trừ 500.000 đồng. Trên Tuổi Trẻ Online, nhiều bạn đọc băn khoăn ở góc độ pháp luật.
Shipper luôn ở thế yếu, đối diện rủi ro
Theo luật sư Hoàng Quỳnh (Công ty luật FDVN), hiện nay rất nhiều sàn thương mại điện tử hoạt động trên thị trường nhằm tạo ra môi trường mua bán các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, kết nối giữa bên mua và bên bán.
Để sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của người bán đến tay người mua, chủ sở hữu các sàn thương mại này đã đưa dịch vụ giao hàng thành dịch vụ của sàn thương mại thay vì ký kết hợp tác với các đơn vị có chức năng vận chuyển để vận chuyển hàng hóa.
Công ty chủ sở hữu các sàn thương mại vận hành hệ thống giao hàng của mình bằng cách ký kết hợp đồng kinh tế với các shipper ở tất cả các tỉnh thành và gọi họ là "đối tác kinh doanh" để phân chia lợi nhuận từ các đơn hàng.
Lý do mà các hãng công nghệ này đưa ra khi không ký kết hợp đồng lao động với các shipper vì cho rằng mối quan hệ giữa họ và các shipper là quan hệ cộng tác, một bên đưa thông tin đơn hàng và một bên giao hàng. Các bên phân chia lợi nhuận dựa trên tiền phí giao hàng của mỗi đơn hàng thể hiện trên sàn thương mại điện tử đó.
Như vậy, nếu dựa vào câu từ của hợp đồng mà các bên ký kết do hãng công nghệ này soạn thảo thì có thể hiểu quan hệ hợp đồng giữa các hãng công nghệ và shipper là quan hệ dân sự. Các bên bình đẳng và ngang hàng về quyền và lợi ích được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự.
"Tuy nhiên trên thực tế hầu như không có sự bình đẳng. Nội dung các hợp đồng mẫu soạn sẵn thường chỉ có sự tuân thủ, bắt buộc phải thực hiện theo sự phân công và chính sách mà công ty đưa ra đơn hàng giao, mức chiết khấu, thưởng, phạt, kiểm soát các giao dịch, khách hàng, tuyến đường, đồng phục, cách thức giao hàng...
Như trong trường hợp của shipper bị đánh đến tử vong, để không bị hãng công nghệ trừ 500.000 đồng do bị đánh giá xấu theo chính sách của hãng thì tài xế phải đến nhà người mua đơn hàng cầu xin gỡ đánh giá xấu. Từ đó dẫn đến hậu quả đáng tiếc" - luật sư Hoàng Quỳnh nói.
Nếu không siết quy định thì còn nhiều shipper đối diện rủi ro
Luật sư Hoàng Quỳnh cũng nhận định rằng các shipper đang chịu sự quản lý, điều hành, giám sát trực tiếp của các hãng công nghệ. Họ chỉ làm việc được khi công ty chỉ định giao đơn hàng; việc giao hàng như thế nào cũng phải được thực hiện theo quy định (một chiều) từ doanh nghiệp.
Mức "lợi nhuận được phân chia" mà shipper thực tế được nhận còn phụ thuộc công ty đánh giá như thế nào về việc tuân thủ quy định, thái độ phục vụ khách hàng của shipper.
"Các hãng công nghệ dựa vào hợp đồng kinh tế do mình soạn thảo và nhu cầu tìm việc làm của số lượng lớn người lao động trên thị trường để xây dựng mối quan hệ hợp tác kinh doanh nhưng mang bản chất quan hệ lao động này, đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của shipper; làm hạn chế trong việc hưởng các chính sách về lao động, bảo hiểm xã hội mà theo quy định lao động các shipper giao hàng sẽ được hưởng" - nữ luật sư nói.
Cũng theo luật sư Quỳnh, hiện số lượng shipper chạy chuyển hàng rất lớn, xuất phát từ nhu cầu mua bán hàng trực tuyến của người tiêu dùng trong bối cảnh mua hàng online lên ngôi.
Do vậy, để đảm bảo công bằng thì cần phải có quy định riêng để pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa các công ty chủ sở hữu sàn thương mại điện tử và shipper để các bên thực thi.
Nếu tình trạng như hiện tại kéo dài thì sẽ còn nhiều shipper và gia đình của họ phải đối mặt với những bất công khi không nhận được các chính sách chính đáng theo quy định.
Vụ nam shipper bị đánh tử vong ở Đà Nẵng: Hai cha con nữ khách hàng nói gì?
Đơn vị giao hàng nói gì về mức phạt 500.000 đồng khi shipper bị khách đánh giá xấu?
Nói với Tuổi Trẻ Online, đại diện công ty giao hàng mà nam shipper Trần Thành làm việc cho biết quy định đặt ra là đơn giao đến tay thì việc thanh toán phải hoàn tất, tiền phải về app công ty.
Trong quá trình giao hàng, nếu shipper có hành xử không đúng, bị khách hàng đánh giá xấu thì sẽ bị phạt. Trường hợp của anh Trần Thành bị chấm điểm xấu nên đối diện khoản tiền phạt 500.000 đồng.
"Tuy nhiên chúng tôi cho xác minh, tìm hiểu kỹ. Nếu tài xế không có lỗi thì không chịu phạt. Chúng tôi cũng cố gắng thuyết phục, thương thảo với khách hàng để xem xét, đưa ra quyết định chứ không phải cứ bị đánh giá xấu là bị phạt ngay" - đại diện công ty nơi shipper Trần Thành làm việc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận