29/04/2025 17:26 GMT+7

Sẽ ra sao nếu thế giới có tân Giáo hoàng là người Đông Nam Á hay châu Phi?

Chiều 28-4 (theo giờ Việt Nam), Tòa Thánh Vatican thông báo ngày 7-5 tới sẽ bắt đầu Mật nghị Hồng y, chọn ra người kế nhiệm cố Giáo hoàng Francis vừa qua đời.

Sẽ ra sao nếu thế giới có tân Giáo hoàng là người Đông Nam Á hay châu Phi? - Ảnh 1.

Triều đại của cố Giáo hoàng Francis là triều đại có nhiều Hồng y "ngoài châu Âu" nhất lịch sử - Ảnh: REUTERS

Hiện có 135 vị Hồng y dưới 80 tuổi, đủ điều kiện tham gia Mật nghị Hồng y. Mật nghị Hồng y là một cuộc họp kín của Hồng y đoàn để bầu ra vị Giám mục của giáo phận Rôma, người sẽ trở thành Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo thay cho vị Giáo hoàng trước đó vừa qua đời hoặc từ nhiệm.

Cho đến nay, một số Hồng y sáng giá cho vị trí tân Giáo hoàng gồm Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Vatican Pietro Parolin, Hồng y người Hungary Peter Erdő, Hồng y Angelo Scola - ứng viên được yêu thích nhất tại kỳ Mật nghị Hồng y năm 2013 hay Hồng y Matteo Zuppi - người được biết đến với biệt danh “linh mục đường phố” bởi tình yêu thương nghèo khó.

Đáng chú ý, trong đó xuất hiện hai vị Hồng y không đến từ châu Âu là Hồng y người Philippines Luis Antonio Tagle và Hồng y người Ghana Peter Kodwo Appiah Turkson.

Một bước ngoặt lịch sử

Nếu Hồng y người Philippines Tagle trở thành tân Giáo hoàng, Ngài sẽ là người châu Á và người Đông Nam Á đầu tiên giữ ngôi vị cao nhất của Giáo hội Công giáo.

Tương tự, nếu Hồng y Turkson trở thành người kế nhiệm cố Giáo hoàng Francis, Ngài sẽ là Giáo hoàng người da màu đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo La Mã hiện đại và là Giáo hoàng người châu Phi đầu tiên kể từ thế kỷ 5.

Nếu một trong hai vị Hồng y trên trở thành tân Giáo hoàng, đây sẽ là bước ngoặt mang tính biểu tượng mạnh mẽ, khẳng định Giáo hội Công giáo cởi mở, bước ra với thế giới, vượt qua các định kiến về chủng tộc và địa lý, lịch sử.

Bên cạnh đó, Philippines và Ghana sẽ trở thành tâm điểm chú ý của thế giới Công giáo. Hiện nay, Philippines là quốc gia Công giáo lớn thứ ba trên toàn thế giới, chỉ sau Brazil và Mexico, trong khi khu vực châu Phi là lục địa có tốc độ tăng về số lượng giáo dân Công giáo nhanh nhất.

Việc cả hai vị Hồng y từ châu Á và châu Phi đều được nhắc đến như ứng viên Giáo hoàng thể hiện sự chuyển dịch từ một Giáo hội “trung tâm Âu châu” sang Giáo hội toàn cầu, đa dạng và gần gũi với những thách thức của thời đại.

Làn gió cải cách từ châu Á

Sẽ ra sao nếu thế giới có tân Giáo hoàng là người Đông Nam Á hay châu Phi? - Ảnh 2.

Vị Giám mục người Philippines Luis Antonio Tagle khi còn là Tổng giám mục Manila tạo dáng hài hước bên cạnh cố Giáo hoàng Francis trong chuyến tông du Philippines hồi năm 2015 - Ảnh: AFP

Hồng y Tagle mang phong cách năng động, gần gũi và là người truyền cảm hứng cho nhiều tín hữu, linh mục, tu sĩ ở châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

Ông cũng được mệnh danh là “Giáo hoàng Francis phiên bản châu Á” vì lối sống khiêm nhường, thân thiện và kỹ năng giao tiếp tuyệt vời, kể cả với giới trẻ.

Giống với cố Giáo hoàng Francis, Hồng y Tagle cũng là một người thuộc nhóm Hồng y cải cách, luôn ủng hộ việc xây dựng một “Giáo hội nghèo vì người nghèo”, nhấn mạnh lòng thương xót và tích cực thúc đẩy đối thoại liên tôn, đặc biệt với Hồi giáo.

Vị Hồng y người Philippines cũng nổi tiếng là người am hiểu về truyền thông đại chúng, thành thạo sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả để kết nối với giáo dân, đặc biệt là giới trẻ.

Đến nay, truyền thông và các nhà quan sát thế giới vẫn xem Hồng y Tagle là đại diện sáng giá của đường lối cải cách tiếp nối cố Giáo hoàng Francis, là người có tiềm lực hậu thuẫn mạnh mẽ từ giới Hồng y châu Á, châu Mỹ Latinh và một bộ phận Âu châu cấp tiến.

Hay tiếng nói công lý xã hội từ châu Phi

Giáo hoàng - Ảnh 3.

Hồng y người Ghana Peter Kodwo Appiah Turkson bên cạnh cố Giáo hoàng Francis trong một cuộc họp hồi năm 2021 - Ảnh: VATICAN NEWS

Khác với sự năng động, tinh thần tươi trẻ và tính cách hướng ngoại của Hồng y Tagle, Hồng y người Ghana Turkson là người điềm tĩnh, suy tư, triết lý, thường được ví như “giáo phụ châu Phi” thời hiện đại.

Đến từ khu vực non trẻ của Giáo hội Công giáo, Hồng y Turkson được kỳ vọng sẽ tái định vị vai trò của lục địa này, đem lại tiếng nói mạnh hơn cho các vấn đề phát triển, đói nghèo, và công lý xã hội nếu trở thành Giáo hoàng.

Ông nổi tiếng với quan điểm mạnh mẽ về công lý kinh tế, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đặc biệt, vị Hồng y này đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện Thông điệp “Laudato Si” kêu gọi bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái Đất cùng với cố Giáo hoàng Francis.

Là một người thuộc nhóm Hồng y trung dung, Hồng y Turkson được dự đoán có thể thu hút sự ủng hộ từ cả hai nhóm bảo thủ và cấp tiến nếu Vatican cần một nhân vật dung hòa.

Dù kết quả mật nghị sẽ còn là ẩn số nhưng sự xuất hiện của hai vị Hồng y Turkson và Tagle trong danh sách những ứng viên Giáo hoàng sáng giá nhất đã cho thấy hướng đi mới của Giáo hội Công giáo trong thế kỷ 21: một Giáo hội toàn cầu, đa dạng, và nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng giữa truyền thống và đổi mới.

Sẽ ra sao nếu thế giới có tân Giáo hoàng là người Đông Nam Á hay châu Phi? - Ảnh 4.Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng mới: Việt Nam không có đại diện

Mật nghị Hồng y năm 2025 dự kiến khai mạc vào ngày 5 hoặc 6-5, chậm nhất là ngày 10-5, tức 15 - 20 ngày sau khi Giáo hoàng Francis qua đời.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên