
Vắc xin bôi lên da là giải pháp "cứu cánh" cho những người sợ tiêm - Ảnh: CANVA
Chi phí thấp, không đau đớn, không gây tác dụng phụ như sưng hay đau nhức, và cũng không còn cảnh xếp hàng dài tại các phòng khám chờ tiêm. Trên hết, vắc xin này là giải pháp "cứu cánh" cho những người sợ tiêm, theo Synbiobeta.
Tạo ra vắc xin dạng bôi từ vi khuẩn trên da
"Chúng ta ai cũng ghét kim tiêm", tiến sĩ Michael Fischbach, giáo sư kỹ thuật sinh học tại Đại học Stanford, chia sẻ. "Ai cũng thích việc thay thế mũi tiêm bằng một loại kem bôi".
Tuy nhiên da là một môi trường cực kỳ khắc nghiệt. "Da rất khô, có độ mặn cao đối với hầu hết các vi sinh vật đơn bào và gần như không có chất dinh dưỡng. Thật khó tưởng tượng có thứ gì có thể sống ở đó", Fischbach nói.
Dù vậy, một số vi khuẩn vẫn phát triển mạnh trên da, bao gồm Staphylococcus epidermidis, loại vi khuẩn vô hại có trên da hầu hết mọi người. "Loại vi khuẩn này tồn tại trên từng nang lông của hầu như tất cả mọi người trên thế giới", Fischbach lưu ý.
Trước đây, các nhà miễn dịch học không chú ý nhiều đến các vi khuẩn trên da vì cho rằng chúng không có vai trò đáng kể đối với sức khỏe con người.
Tuy nhiên nghiên cứu gần đây từ nhóm của Fischbach đã phát hiện ra rằng hệ miễn dịch có phản ứng mạnh mẽ đáng ngạc nhiên với S. epidermidis.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature , Fischbach và đồng nghiệp tập trung vào khả năng tạo ra kháng thể của hệ miễn dịch. Các kháng thể này có nhiệm vụ nhận diện và vô hiệu hóa mầm bệnh.
Chờ các thử nghiệm tiếp theo
Để kiểm tra phản ứng miễn dịch của chuột với S. epidermidis, tiến sĩ Djenet Bousbaine, tác giả chính của nghiên cứu, đã tiến hành một thí nghiệm đơn giản. Bà quét vi khuẩn này lên da chuột và theo dõi mức kháng thể trong sáu tuần.
Kết quả khiến nhóm bất ngờ. Mức kháng thể tăng chậm, sau đó tăng mạnh, rồi tiếp tục tăng hơn nữa. Sau sáu tuần, nồng độ kháng thể thậm chí còn cao hơn mức thường thấy ở các loại vắc xin thông thường.
"Giống như chuột đã được tiêm chủng vậy", tiến sĩ Michael Fischbach nói. "Điều tương tự cũng xảy ra tự nhiên ở con người. Khi xét nghiệm máu từ người hiến tặng, chúng tôi phát hiện mức kháng thể chống lại S. epidermidis cao ngang với mức kháng thể của các loại vắc xin được sử dụng rộng rãi".
Phản ứng miễn dịch này có thể hoạt động như một cơ chế phòng vệ tự nhiên. Fischbach giải thích: "Lớp bảo vệ tốt nhất chính là những kháng thể này. Chúng giúp hệ miễn dịch sẵn sàng đối phó với các vết cắt, xước và trầy da mà chúng ta thường gặp hằng ngày".
Dựa trên phát hiện này, nhóm nghiên cứu đã chỉnh sửa S. epidermidis để biến nó thành một loại vắc xin. Họ xác định một loại protein quan trọng tên là Aap, có khả năng kích thích phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.
Trong một thí nghiệm khác, nhóm nghiên cứu đã tạo ra các mảnh độc tố uốn ván riêng lẻ và gắn chúng vào Aap bằng phương pháp hóa học. Kết quả cho thấy phương pháp này cũng tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh, bảo vệ chuột khỏi liều độc tố uốn ván gấp sáu lần liều gây chết.
Tiến sĩ Fischbach cho biết tiếp theo họ sẽ thử nghiệm trên khỉ. Nếu thành công, họ có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trong vòng 2-3 năm tới.
Nhóm nghiên cứu tin rằng phương pháp này có thể hiệu quả với vi rút, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng đơn bào. Hơn nữa, vắc xin dạng kem bôi này không chứa các thành phần kích thích viêm, giúp giảm tác dụng phụ thường gặp của các loại vắc xin truyền thống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận