23/12/2018 11:14 GMT+7

Sau trăm năm, sân khấu cải lương phải biết tự giữ mình

HOÀNG SONG VIỆT (LINH ĐOAN ghi)
HOÀNG SONG VIỆT (LINH ĐOAN ghi)

TTO - Loạt bài Sau 100 năm, sân khấu cải lương về đâu? đặt vấn đề sân khấu cải lương như đèn cháy từ từ hết dầu, làm sao châm dầu, tiếp thêm lửa cho sân khấu cải lương?

Khai mạc chuỗi hoạt động nghệ thuật chào mừng 100 năm cải lương

Ở góc nhìn người trong cuộc, soạn giả Hoàng Song Việt góp thêm ý kiến:

Không chỉ riêng nghệ thuật truyền thống mà ở tất cả các loại hình nghệ thuật khác, thăng trầm là chuyện bình thường. Sân khấu cải lương từ khi hình thành đến nay đã trải qua vài giai đoạn khó khăn, khủng hoảng.

Khoảng những năm 1970-1975, lúc đó tôi chừng 14, 15 tuổi, từng chứng kiến sân khấu cải lương lao đao khi làn sóng phim Hong Kong du nhập. Khán giả quay sang rồng rắn xếp hàng mua vé xem phim, còn sàn diễn thì đìu hiu.

Do vậy, ở giai đoạn này, tôi nghĩ chúng ta cần bình tĩnh tìm cách vượt qua. Mỗi một cá nhân, mỗi một đơn vị phải biết tự giữ mình. Diễn viên giữ trọn đạo làm nghề, không được giẫm đạp, bôi bác cải lương.

Phải tự đặt ra lằn ranh nghệ thuật để không được phép vi phạm. Bắt đầu bằng việc không được coi nhẹ đêm diễn, coi nhẹ nhân vật, lên sân khấu muốn giỡn là giỡn…

Từ tác giả, đạo diễn chăm chút hơn cho tác phẩm của mình, khai thác, đào sâu những mảng miếng khiến tác phẩm sâu sắc hơn. Các đơn vị cải lương cũng phải có nguyên tắc làm nghề chỉn chu để chấn chỉnh lại đội ngũ. Tất cả phải cùng đồng lòng, đừng để những giá trị trôi tuột đi.

Sân khấu cải lương thành phố cũng còn thiếu sức mạnh tổng lực, nên điều chúng ta cần là làm sao để những người tài ở đâu đó được huy động cùng làm việc và phát huy sức mạnh cho sân khấu cải lương.

Đạo diễn giỏi khai thác được thế mạnh của diễn viên. Diễn viên tài năng giúp cho tác phẩm mà tác giả viết ra, đạo diễn dàn dựng được thăng hoa, đạt chất lượng cao.

Một điều quan trọng khác là Nhà nước cần tập trung xây dựng được một đơn vị thiện chiến, mạnh mẽ về nội lực. Ví dụ, Nhà hát Trần Hữu Trang có thể tinh gọn lại, chỉ chọn những người giỏi từ quản lý tới đạo diễn, diễn viên.

Đừng đầu tư chắp vá nữa, hãy hỗ trợ để có sự lựa chọn tốt nhất từ khâu kịch bản tới dàn dựng, thiết kế, phục trang, âm thanh, ánh sáng…

Nhà hát phải có những nguyên tắc riêng để đội ngũ của mình nghiêm túc làm nghề. Những bước đi như thế sẽ xây dựng nên "thương hiệu" của nhà hát, làm sao để khán giả tin yêu và chờ đợi được xem những tác phẩm của mình.

Để làm được điều này, Nhà nước phải có sự đầu tư, bao cấp ở mức độ nào đó trong giai đoạn đầu. Khi đi vào nề nếp, 5 năm nữa nhà hát có thể tự đi và chúng ta có thể vận động sự hỗ trợ của các doanh nghiệp bên ngoài cùng chung tay để sân khấu cải lương vượt qua được giai đoạn khó.

Cần một nhà hát cho sân khấu cải lương

Trong một lần trò chuyện, NSND Bạch Tuyết từng bày tỏ: "An cư rồi mới lạc nghiệp. Nhà hát cho cải lương ở đâu, không có một nơi chốn ổn định thì rất khó khăn cho các bạn trẻ trong việc biểu diễn, rèn luyện nghề!". NSƯT Kim Tử Long cũng khao khát mong Nhà nước hỗ trợ cho một rạp hát đủ điều kiện biểu diễn cải lương với giá thuê thật ưu đãi.

NSƯT Lê Tứ mạnh dạn đề nghị Nhà nước cho hẳn sân khấu cải lương một rạp hát nào đó khoảng chừng 400 ghế. Có một cái rạp như thế, anh tin anh em nghệ sĩ tâm huyết có thể tụ họp lại diễn vào các ngày cuối tuần.

L.ĐOAN

Sau 100 năm, sân khấu cải lương trông chờ nghệ sĩ trẻ Sau 100 năm, sân khấu cải lương trông chờ nghệ sĩ trẻ

TTO - Soạn giả Hoàng Song Việt khẳng định: 'Tương lai của sân khấu cải lương phải là của các bạn diễn viên trẻ chứ không phải ai khác!'. Vậy lực lượng trẻ hiện như thế nào, họ sẽ cáng đáng sứ mệnh nối tiếp ngọn lửa nghề của cha ông truyền lại ra sao.

HOÀNG SONG VIỆT (LINH ĐOAN ghi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên