Theo nghị quyết số 60 của Hội nghị Trung ương 11, dự kiến tỉnh Thái Nguyên sẽ sáp nhập với tỉnh Bắc Kạn, trung tâm hành chính đặt tại Thái Nguyên.
Bắc Kạn và Thái Nguyên là hai địa phương có nhiều nét văn hóa tương đồng. Cả hai tỉnh đều là nơi sinh sống của phần đông cộng đồng người Tày, Nùng với nhiều phong tục, lễ hội và sinh hoạt văn hóa tương đồng.
Trong lịch sử, năm 1965 hai tỉnh từng hợp nhất thành một với tên gọi Bắc Thái. Đây cũng là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Đến năm 1996, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, tỉnh Bắc Thái được tách ra thành Bắc Kạn và Thái Nguyên như hiện nay.
Sau khi sáp nhập, tỉnh mới không chỉ hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển kinh tế - xã hội, mà còn mang lại lợi thế phát triển du lịch với điểm du lịch có 1-0-2 tại Việt Nam. Đó là hồ Ba Bể, một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên đẹp nhất thế giới cần được bảo vệ và phát triển đặc biệt.
Hồ Ba Bể

Hồ Ba Bể - Ảnh: NAM TRẦN
Hồ Ba Bể là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam, nằm trong Vườn quốc gia Ba Bể. Hồ được hợp thành từ ba hồ Pé Lèng, Pé Lù và Pé Lầm, rộng hơn 500ha. Điểm đến này cách Hà Nội khoảng 229km.
Từ lâu hồ Ba Bể đã nổi tiếng bởi cảnh sắc nên thơ, trữ tình và không gian xanh mát thích hợp cho trải nghiệm trekking, thư giãn.
Năm 1995, hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới tại Mỹ công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên đẹp nhất thế giới cần được bảo vệ và phát triển đặc biệt. Đến năm 2011, hồ Ba Bể được công nhận là khu Ramsar - khu bảo tồn đất ngập nước có tầm quan trọng của thế giới.
Tại hồ, du khách được trải nghiệm chèo thuyền độc mộc trên mặt hồ trong xanh, khám phá các nét văn hóa truyền thống của người dân tộc Tày.
Hồ Núi Cốc

Đảo hoa hồ Núi Cốc nhìn từ trên cao - Ảnh: TRẦN ĐOÀN HUY
Khác với hồ Ba Bể, hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) là hồ nước ngọt nhân tạo được hình thành từ việc ngăn sông Công. Hồ có diện tích mặt nước khoảng 2.500ha với hơn 80 hòn đảo lớn nhỏ.
Nơi đây còn gắn liền với câu chuyện tình nàng Công - chàng Cốc. Vì không đến được với nhau mà nàng Công khóc nước mắt thành sông, còn chàng Cốc chờ hóa núi.
Tại đây có khu du lịch hồ Núi Cốc với các trải nghiệm ngồi thuyền thúng khám phá động thế giới cổ tích và âm phủ, động ba cây thông…
Suối Cửa Tử

Chèo SUP ở suối Cửa Tử - Ảnh: HOÀNG NÔNG FARM
Suối Cửa Tử là con suối nằm dưới chân dãy Tam Đảo thuộc xã Hoàng Nông (huyện Đại Từ, Thái Nguyên). Con suối này gây ấn tượng với du khách không chỉ bởi cái tên kỳ lạ mà còn bởi cảnh sắc thiên nhiên thanh bình của vùng núi trung du Bắc Bộ.
Dòng suối này bắt đầu nổi danh trên bản đồ du lịch Việt từ năm 2019, khi các bạn trẻ về quê hương làm du lịch. Từ đó tour trekking suối Cửa Tử, khám phá văn hóa bản địa được du khách biết đến nhiều hơn.
Suối Cửa Tử gồm 7 con thác, chảy len lỏi qua những vách đá, vách núi cheo leo có địa hình phù hợp với trải nghiệm trekking.
Hang Thẳm Phầy

Không gian kỳ ảo phía trong hang Thẳm Phầy - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Hang Thẳm Phầy hay còn được người dân địa phương gọi là hang Lửa, nằm cách trung tâm xã Hoàng Trĩ, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn khoảng 2km. Nơi đây được ví như "Sơn Đoòng" ở Ba Bể, là điểm đến cực kỳ lý tưởng cho du khách.
Thẳm Phầy khiến giới đam mê hang động và phượt thủ sửng sốt bởi vẻ đẹp nguyên sơ, kỳ bí của các luồng, lạch, thạch nhũ đẹp mắt.
Hang được người dân địa phương phát hiện vào năm 2016. Thẳm Phầy khiến du khách thích thú bởi cảnh sắc thay đổi từ cửa hang đến sâu trong hang, từ những thạch nhũ với vô số hình dạng đến dòng suối trong vắt bên trong hang.
Vùng chè La Bằng

Cảnh sắc thiên nhiên xanh mát ở Đại Từ - Ảnh: HOÀNG NÔNG FARM
Cách trung tâm TP Thái Nguyên khoảng 40km, vùng chè La Bằng thu hút du khách bởi màu xanh ngút ngàn của những đồi chè bát úp lô nhô bên sườn đông dãy núi Tam Đảo.
Chắc rằng không gian trong lành ở đây sẽ làm dịu đi những căng thẳng trong cuộc sống thường nhật, giúp du khách nạp thêm năng lượng.
Ngoài tham quan, chụp ảnh, tìm hiểu về cây chè truyền thống của đất Thái Nguyên, du khách cũng có thể hòa mình vào làn nước mát của dòng suối Kẹm. Đặc biệt, từ La Bằng du khách chỉ cần di chuyển 20 phút là đã có thể đến suối Cửa Tử, dòng suối nổi tiếng của Đại Từ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận