
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy họp bàn tháo gỡ khó khăn trước mắt và xây dựng nền tảng phát triển bền vững cho ngành hàng sầu riêng - Ảnh: KHƯƠNG TRUNG
Ngày 8-5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về thực trạng công tác quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và giải pháp tăng cường hoạt động xuất khẩu sầu riêng.
Còn thiếu cơ sở pháp lý và quy trình kiểm dịch rõ ràng
Theo báo cáo, những tháng đầu năm 2025 xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc ghi nhận mức sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt khoảng 20% kế hoạch đề ra.
Trước đó từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025, Trung Quốc áp dụng biện pháp tăng cường kiểm tra dư lượng chất vàng O và Cadimi trong sầu riêng xuất khẩu.
Điều này khiến không chỉ khối lượng và giá trị sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh mà còn kéo giá sầu riêng trong nước xuống thấp, chỉ bằng một phần tư so với giá xuất khẩu.
Bên cạnh việc Trung Quốc siết chặt kiểm tra thì việc xuất khẩu sụt giảm cũng có nguyên nhân do thiếu cơ sở pháp lý và quy trình kiểm dịch rõ ràng, công tác quản lý nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm còn chậm chạp.
Việc cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và hệ thống kiểm nghiệm vẫn chưa bắt kịp yêu cầu khắt khe từ phía bạn hàng Trung Quốc.

Một cơ sở đóng gói sầu riêng ở miền Tây - Ảnh: T.VY
Thiết lập chương trình kiểm soát chất lượng sầu riêng
Trên cơ sở ý kiến các cơ quan chuyên môn, trước mắt Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu các đơn vị của bộ phối hợp chặt chẽ với Hải quan Trung Quốc, để xử lý các vướng mắc liên quan đến những yếu tố kỹ thuật đang cản trở đáng kể dòng chảy xuất khẩu.
Đồng thời cần đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và các phòng thí nghiệm phục vụ xuất khẩu. Quy trình kiểm dịch thực vật cho sầu riêng sẽ được khẩn trương ban hành, làm cơ sở đánh giá lại khả năng xuất khẩu trong năm 2025 và điều chỉnh kế hoạch phù hợp với thực tiễn.
Về dài hạn, ông Duy yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý xuất khẩu nông sản, với quy định cụ thể hơn về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và kiểm nghiệm, giám định. Cùng với đó là việc xây dựng, chuẩn hóa hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật từ sản xuất, thu hoạch, chế biến đến xuất khẩu.
Bộ cũng xác định tái cơ cấu ngành sầu riêng theo hướng bền vững là yêu cầu cấp thiết. Bộ trưởng cũng đề nghị cần khuyến khích phát triển các dòng sản phẩm chế biến sâu, nhất là sầu riêng đông lạnh, để nâng cao giá trị gia tăng và giảm lệ thuộc vào thị trường tươi.
Để hiện thực hóa các giải pháp nêu trên, một số nhiệm vụ trọng tâm đang được bộ trưởng đề nghị triển khai ngay, đó là xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn quy trình, thủ tục cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Thiết lập chương trình kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng xuất khẩu.
Ông Duy đề nghị các cơ quan chuyên môn phải nỗ lực hơn nữa, đồng hành cùng doanh nghiệp, sát cánh với địa phương, phối hợp cùng các cơ quan liên quan để bảo vệ thị trường, nâng cao giá trị và từng bước xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên bản đồ nông sản thế giới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 4 tháng đầu năm 2025 xuất khẩu rau quả đạt 1,62 tỉ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt khoảng 130 triệu USD, với khối lượng xuất khẩu ước tính 35.000 tấn. Trong khi 4 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 500 triệu USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận