
Nissan đang chật vật tìm kiếm đối tác mới sau khi thương vụ hợp tác với Honda đổ bể. Liệu Toyota có thể trở thành "hậu thuẫn" giúp Nissan vượt qua khó khăn? - Ảnh: NISSAN
Sự thất bại của thương vụ sáp nhập với Honda đã đẩy Nissan vào tình thế khó khăn hơn, thể hiện qua khoản lỗ ròng 670,9 tỉ yen trong năm tài chính vừa qua.
Toyota sẽ "hỗ trợ" Nissan?
Hồi tháng 12-2024, Nissan và Honda đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về việc sáp nhập tiềm năng. Tuy nhiên cuộc đàm phán nhanh chóng đi vào ngõ cụt, một phần do Nissan không muốn trở thành công ty con của Honda.
Đến ngày 13-2-2025, hai bên chính thức chấm dứt đàm phán, dù vẫn tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực điện khí hóa và phần mềm.
Tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng (CES) hồi tháng 1-2025 tại Mỹ, Chủ tịch Toyota Akio Toyoda, từng khẳng định Nissan chưa bao giờ liên hệ với Toyota về một thương vụ "siêu sáp nhập". Ông Toyoda cho rằng thương vụ này khó có thể xảy ra do vướng mắc luật chống độc quyền.
Ông cũng từng bày tỏ sự thất vọng về thương vụ sáp nhập Honda-Nissan với Automotive News vào tháng 3. Ông cho rằng thông báo về biên bản ghi nhớ thiếu chi tiết về sản phẩm: "Tại cuộc họp báo sau đó, tôi thất vọng khi nghe những gì họ nói. Bởi vì họ hoàn toàn không đề cập đến các sản phẩm".

"Bạn có biết ví dụ nào về việc hợp nhất các công ty dẫn đến thành công lớn cho khả năng cạnh tranh không? Quy mô lớn không có nghĩa là bạn mạnh. Trong ngắn hạn, bạn có thể thấy một số tác động tích cực. Nhưng về lâu dài, có thể khá khó khăn để đạt đến trạng thái mà mọi người đều nói rằng họ rất vui vì đã kết hợp", ông Akio Toyoda bình luận về vụ sáp nhập Nissan-Honda - Ảnh: REUTERS
Thế nhưng, theo tờ Mainichi Shimbun (Nhật Bản) dẫn nguồn tin từ Automotive News, một lãnh đạo Toyota được cho là đã liên hệ với Nissan để bàn về khả năng hợp tác sau khi thương vụ với Honda thất bại.
Hiện Nissan và Toyota chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về thông tin này.
Thực tế, việc Toyota đầu tư tài chính vào một đối thủ cạnh tranh trong nước không phải là điều bất thường. Nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới hiện đang nắm giữ 20% cổ phần của Subaru, 5,1% của Mazda, 4,9% của Suzuki và 5,9% của Isuzu. Toyota cũng là công ty mẹ của Hino và Daihatsu.

Một giám đốc điều hành của Toyota được cho là đã liên hệ với Nissan để thảo luận về khả năng hợp tác. Toyota có thể đóng vai trò là "hậu thuẫn" cho Nissan trong quá trình tái cơ cấu - Ảnh: Carsales
Nissan cắt giảm quy mô lớn
Về phần mình, sau khi đề xuất sáp nhập thất bại, Nissan đã bổ nhiệm CEO mới, Ivan Espinosa, và vạch ra kế hoạch tương lai để duy trì hoạt động bằng cách cắt giảm chi phí mạnh mẽ.
CEO Nissan, ông Ivan Espinosa, đã phát biểu trong cuộc họp báo ngày 13-5 rằng: "Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn".

Từng là một trong những trụ cột của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, Nissan hiện đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tài chính sau khi các cuộc đàm phán sáp nhập bất thành - Ảnh minh họa: Sandhills Sentinel
Trong bối cảnh doanh số sụt giảm, nợ nần chồng chất và lợi nhuận giảm mạnh, Nissan đã công bố kế hoạch phục hồi mang tên "Re:Nissan". Mục tiêu của hãng xe này là cắt giảm chi phí 250 tỉ yen để khôi phục lợi nhuận vào năm tài chính 2026.
Kế hoạch "Re:Nissan" bao gồm các biện pháp cắt giảm chi phí lớn như cắt giảm 20.000 việc làm, từ bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất pin xe điện mới tại Nhật Bản và đóng cửa 7 nhà máy khác, bao gồm một nhà máy ở Thái Lan và hai nhà máy ở Nhật Bản và giảm mạnh chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D).
Kế hoạch này cũng đặt mục tiêu cắt giảm 70% độ phức tạp của các bộ phận, ngừng sản xuất 6 kiến trúc xe, đồng thời tiếp tục đầu tư vào thương hiệu xe sang Infiniti.
Ngoài ra, Nissan cũng giải quyết vấn đề thiếu định hướng sản phẩm bằng cách công bố hàng loạt mẫu xe mới trên toàn cầu. Hãng đang dựa vào các đối tác liên minh Renault và Mitsubishi để sản xuất các mẫu xe "đổi mác", từ đó rút ngắn đáng kể thời gian ra mắt thị trường.

Sau khi đề xuất sáp nhập thất bại, Nissan đã bổ nhiệm CEO mới, Ivan Espinosa, và vạch ra kế hoạch tương lai để duy trì hoạt động bằng cách cắt giảm chi phí mạnh mẽ. Những biện pháp bao gồm cắt giảm việc làm, đóng cửa nhà máy và tạm dừng các công việc nghiên cứu và phát triển dài hạn. Ngoài ra là một loạt mẫu xe mới, hầu hết được thực hiện với sự hợp tác của doanh nghiệp Trung Quốc - Ảnh minh họa: NISSAN
Mối quan hệ chặt chẽ hơn với Dongfeng (Trung Quốc) được thể hiện qua mẫu sedan điện N7 và xe bán tải hybrid sạc điện Frontier Pro (Frontier là bảng tên của Navara ở một số thị trường như Bắc Mỹ).
Ông Espinosa lý giải tình hình khó khăn hiện tại của Nissan bắt nguồn từ năm 2015, khi ông Carlos Ghosn còn nắm quyền. Mục tiêu khi đó là tăng doanh số bán hàng hằng năm lên 8 triệu chiếc bằng cách đầu tư mạnh vào sản xuất và lực lượng lao động. Tuy nhiên doanh số bán hàng trong năm tài chính 2024 (từ 1-4-2024 đến 31-3-2025) chỉ đạt 3,3 triệu xe.
Về phần mình, ông Ghosn cho rằng Nissan đang ở trong "tình huống tuyệt vọng" và Honda đã lên kế hoạch "thâu tóm trá hình". Mặc dù thương vụ sáp nhập đã đổ bể, hai công ty vẫn đang hợp tác trong lĩnh vực "trí tuệ xe hơi và điện khí hóa".
Hiện chưa rõ thương vụ Toyota-Nissan sẽ đi đến đâu, khi cả hai đều đang giữ im lặng trước thông tin mới. Tuy nhiên CEO Nissan gần đây cho biết công ty sẵn sàng hợp tác mới, nhưng ưu tiên hàng đầu vẫn là ổn định nội bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận