Thí sinh đến nộp phiếu điểm và nhận giấy báo nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu ý kiến này của cô giáo Phan Tuyết.
Đọc bài viết “Ngó lơ” với sư phạm vì đầu ra chứ không phải vì lương thấp của tác giả Tùng Sơn đăng trên báo Tuổi Trẻ Online, cũng là giáo viên tôi rất đồng cảm.
Đặc biệt, tác giả đã nói lên được việc sinh viên ra trường thất nghiệp, nhiều em trầy trật mãi mới xin được một chân hợp đồng với mức lương quá thấp. Vì hợp đồng nên công việc luôn bấp bênh thất nghiệp lúc nào cũng chẳng hay biết.
Tuy nhiên, tôi không đồng tình với những nhận định và minh chứng mà tác giả bài viết nêu ra về một số điều sau.
Thứ nhất, tác giả cho rằng, nhà giáo hiện nay đang được hưởng tới 3 phụ cấp ưu đãi. Cụ thể là phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp và phụ cấp đặc thù cho nhà giáo giảng dạy trong môi trường độc hại, công việc nặng nhọc và dạy trẻ khuyết tật.
Nhưng dù thế, lương nhà giáo hiện nay vẫn xếp thứ 14 trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Dù đã được cộng các phụ cấp nhưng một giáo viên mới ra trường có lương khoảng 3,6 triệu đồng/tháng.
Giáo viên giảng dạy 15 năm trong nghề mới có thu nhập hơn 5,7 triệu đồng/tháng. Giáo viên có thâm niên hơn 25 năm trong nghề (tức là sắp về hưu) thì lương được hơn 8 triệu đồng/tháng.
Với mức lương như thế, không thể đủ sống và trang trải sinh hoạt. Muốn ổn định cuộc sống như bao người thì giáo viên buộc phải làm thêm. Nhưng công việc tưởng chính đáng nhất là dạy thêm lại bị lên án và nghiêm cấm.
Trong khi đó, các nghề khác đều được làm thêm một cách công khai như công chức ngành y. Chưa nói đến bác sĩ thì việc y sĩ, điều dưỡng vẫn đi làm thêm sau giờ hành chính. Và mức thu nhập làm thêm của họ gấp đến mấy lần lương.
Công bằng mà nói nghề giáo gần như không có bổng lộc gì ngoài lương. Cái nghề luôn gắn với những chuẩn mực đạo đức, tác phong cũng chẳng thể dùng nó tác động đến ai đó để tư lợi được. Vì thế đồng lương vốn là khoản thu nhập cố định nhất của họ.
Nếu với mức lương hơn 8 triệu đồng cho người có thâm niên 25 năm công tác liệu có đủ sức kéo nỗi những sinh viên giỏi vào học hay không? Chắc chắn rằng chẳng có những thí sinh đạt 29, 30 điểm xung phong vào học.
Chỉ lấy ví dụ đơn giản, một học sinh đạt 30 điểm sau mấy năm học bác sĩ ra trường, dù họ xin vào làm bệnh viện công lương nhà nước có thấp nhưng việc làm thêm bên ngoài cho thu nhập có khi lên đến vài chục triệu. Nhưng cũng học sinh ấy vào sư phạm ra trường chỉ nhận được mức lương khoảng 3,6 triệu đồng/tháng ngoài ra không có thêm khoản thu nào khác. Bạn sẽ nghĩ sao?
Nhiều ngành nghề khác, sinh viên giỏi ra trường đã có mức lương khởi điểm hơn chục triệu, sau vài năm làm việc số tiền ấy đã được tăng thêm nhiều lần. Họ còn có thêm nhiều cơ hội để thăng tiến.
Trong khi nghề giáo cơ hội thăng tiến, mối quan hệ tạo cơ hội làm ăn cũng không nhiều mà lương lại quá thấp như thế, nhiều người không mặn mà và quay lưng với nghề giáo là điều dễ hiểu. Giáo dục của Singapore có được nhiều giáo viên giỏi vì họ được đãi ngộ xứng đáng. Nếu so với giáo viên Việt Nam thì lương giáo viên của Singapore gấp đến 30 lần.
Tác giả bài viết cho rằng “nếu so với viên chức văn phòng thì lương tháng của giáo viên cao hơn hẳn”. Nhưng tại sao giáo viên vẫn là một trong những người nghèo nhất trong xã hội?
Thứ hai, tôi cho rằng tác giả nhận định sai lầm khi cho rằng “giáo viên có nhiều thuận lợi chăm sóc gia đình”.
Tác giả dẫn chứng “Nếu trường nào dạy năm buổi/tuần thì giáo viên sáng đi làm, chiều nghỉ. Nếu trường nào dạy 10 buổi/tuần thì buổi sáng, sau 10h đã được nghỉ, buổi chiều sau 4h30 đã ra về. Nói chung về giáo viên thì theo định mức từ 20-23 tiết/tuần. Giờ đây, nhờ soạn bài trên máy tính nên chỉ cần hai tiếng là các thầy cô soạn được một tuần giáo án. Vậy là thời gian dành cho con cái, gia đình tương đối nhiều”.
Có thể chuyện ấy chỉ diễn ra ở một số địa phương nào đó nó hoàn toàn không phản ánh được cái chung. Bởi hiện nay, giáo viên tiểu học vẫn đang phải dạy từ 27-30 tiết/tuần nhưng thu nhập thêm từ những tiết phụ trội khoảng 500.000 đồng/tháng. Họ rời nhà từ 6 giờ đến 11 giờ.
Vì sau giờ lên lớp, còn biết bao công việc không tên như trang trí lớp học, làm đồ dùng dạy học cho nhóm, cho chính thầy cô, kèm học sinh yếu kém sau giờ dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi để đi thi (hoàn toàn dạy miễn phí) tập dượt cho học sinh tham gia các hội giao lưu học tập của trường, của địa phương và của ngành tổ chức...
Đó là chưa nói đến việc thường xuyên chuẩn bị để tham gia các hội thi như giáo viên dạy giỏi cấp trường năm nào cũng có, giáo viên chủ nhiệm giỏi, viết sáng kiến, giải pháp, kế hoạch phấn đấu cá nhân...
Từ hai lý do trên, tôi cho rằng nếu chỉ cải thiện đầu ra như tác giả bài viết nhận định thì sư phạm vẫn chưa đủ sức để kéo học sinh thật sự giỏi vào học.
Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Còn bạn có ý kiến gì về điều này? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô BÌNH LUẬN dưới bài hoặc gửi qua email: [email protected]. Cảm ơn bạn! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận