23/08/2015 13:20 GMT+7

Sao hài tự... lấy đi khán giả!

LINH ĐOAN (linhdoan@tuoitre.com.vn)
LINH ĐOAN ([email protected])

TT - Khi hài “lên sóng” quá nhiều thì các sân khấu hài càng trở nên eo sèo, ế ẩm. Khán giả của sân khấu chỉ cần ngồi nhà cũng đã được cười đủ kiểu...

Các chương trình truyền hình hài bùng nổ, các nghệ sĩ tên tuổi như: Hoài Linh, Trấn Thành, Việt Hương, Chí Tài, Trường Giang... phủ sóng khắp các kênh khiến khán giả ngày càng ngại đến sân khấu... - Ảnh: T.L.

Biết tâm lý người thành phố thích hài nên khi mới thành lập sân khấu Sen Việt tại rạp Công Nhân (TP.HCM) hồi cuối tháng 4 năm nay, đạo diễn Lê Nguyên Đạt, giảng viên Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP, đã cất công mời hàng loạt ngôi sao hài tên tuổi về cộng tác với sân khấu của mình.

Trong đó có những sao hài đang làm mưa làm gió trên sóng truyền hình hiện nay như Hoài Linh, Trấn Thành, Trường Giang, có cả ca sĩ có “máu” hài như Phương Thanh, Minh Thuận... Các sao này tập trung trong hai vở diễn Đại hỉ Không phải... vừa đâu! 

Từ khi ra mắt sân khấu cho đến nay, hai vở diễn này vẫn là “vở đinh” trong lịch diễn hằng tuần. 

“Những ngày cuối tuần đâu cần đến tận các sân khấu chi cho cực nhọc, tốn kém, chỉ cần ở nhà bật tivi là có thể gặp gỡ những danh hài họ yêu thích rồi. Nói một cách khác thì chính các ngôi sao hài đó đã tự lấy đi, tự làm mất khán giả của họ ở sân khấu!
Ông bầu NGUYÊN ĐẠT

Công thức “một... rổ sao hài”

Nguyên Đạt chia sẻ: “Khi làm sân khấu mới ai cũng chuẩn bị tinh thần phải chịu lỗ, phải gồng trong một, hai năm, riêng sân khấu tôi có lẽ tổ thương nên may mắn đến giờ vẫn chưa lỗ. Điều đó làm tôi mừng lắm nhưng cũng còn nhiều trăn trở.

Vì thật sự tôi còn nhiều hoài bão với sân khấu này nhưng vẫn chưa thực hiện được. Hai vở Đại hỉ Không phải... vừa đâu! tôi biết nó ở mức nào chứ, cũng chỉ là những vở hài còn nhẹ nhàng, đơn giản.

Nhưng bây giờ khán giả thích hài, mình phải chiều, bước đầu thu hút để khán giả chịu đến với sân khấu mình, khi người ta quen thuộc rồi mình mới từ từ tính tới dựng thêm những vở chính kịch, có chiều sâu hơn...”.

Với công thức vở diễn hài nhẹ nhàng + một... rổ sao hài, ông bầu này có vẻ đang đáp ứng được thị hiếu khán giả.

Tuy nhiên, để giữ các ngôi sao, đặc biệt những sao hài khi mà cátsê của họ ngày càng chót vót trên truyền hình, đạo diễn này bắt buộc phải chịu chi, có danh hài anh trả mức cátsê ngất ngưởng 8 triệu đồng/suất diễn, tùy tình hình từng buổi diễn, nếu rạp vắng có nghệ sĩ cũng thấy ngại tự ý bớt cátsê.

“Nhưng cũng chỉ gia giảm đôi chút vì một đêm chạy sô bên ngoài của họ gấp mấy lần như thế, mình cũng phải bù đắp sao cho coi được!” - Nguyên Đạt nói. 

Sân khấu mất khán giả

Khi những chương trình hài thi nhau phủ sóng trên các kênh truyền hình thì cátsê của sao hài theo đó cũng tăng vùn vụt đến cả trăm triệu đồng/tập. Điều đó làm người ta thấy choáng ngợp về độ béo bở của các hợp đồng và mặc nhiên khẳng định: “Bây giờ làm nghệ sĩ hài là ấm”.

Nhưng thực tế số người được... ấm chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Rất nhiều nhóm hài hiện nay đang khốn khổ vì đất dành cho tấu hài bị thu hẹp, cátsê bèo bọt, có suất nếu chia ra mỗi người chỉ được vỏn vẹn 50.000 đồng/sô diễn.

NSND Hồng Vân thừa nhận: “Từ ngày các chương trình truyền hình thực tế, những game show, đặc biệt các chương trình hài trên truyền hình bùng nổ thì sân khấu bị ảnh hưởng rất nhiều. Nghiêm trọng nhất vẫn là lĩnh vực tấu hài, nó ngắc ngoải và sắp tiêu nếu không có những thay đổi tích cực”.

Nhìn nhận của Hồng Vân đã khẳng định lần nữa sự “nguy kịch” của tấu hài khi hồi đầu năm nay CLB nghệ sĩ hài do chính danh hài Hoài Linh khởi xướng và làm chủ nhiệm với nhiều ý tưởng tốt đẹp, nhưng chỉ diễn được vài ba suất đã phải ngưng ngang vì không có khán giả (“Có Hoài Linh vẫn bể sô hài”, Tuổi Trẻ ngày 1-3-2015).

Nghệ sĩ Thanh Tùng - phó chủ nhiệm CLB - bây giờ càng ngập ngừng khi không thể xác định được bao giờ CLB sẽ hoạt động trở lại: “Nhiều nghệ sĩ trẻ cũng điện thoại hỏi thăm nhưng tôi lúng túng không biết nói sao. Hiện tại, chúng tôi cũng còn có những khó khăn, điểm diễn cũng không có...”.

Vốn có kinh nghiệm tổ chức các sô hài, ông bầu Nguyên Đạt cho biết: “Mỗi năm, các sô diễn hài càng gặp nhiều khó khăn hơn. Cũng là các ngôi sao hài đó nhưng khán giả ngày càng vắng hơn.

Vì những ngày cuối tuần đâu cần đến tận các sân khấu chi cho cực nhọc, tốn kém, chỉ cần ở nhà bật tivi là có thể gặp gỡ các danh hài họ yêu thích rồi. Nói một cách khác thì chính các ngôi sao hài đó đã tự lấy đi, tự làm mất khán giả của họ ở sân khấu!”. 

Loay hoay tìm lại thị phần

Trước tình hình hài truyền hình “hăm dọa” hài sân khấu, bà bầu Hồng Vân tính toán: “Dựng vở hài đơn thuần thì khó ăn, chứ cố gắng dựng vở mang màu sắc riêng thì vẫn có khán giả, chẳng hạn như những vở kịch kinh dị hay kịch Bắc, kịch văn học của chúng tôi vẫn có lượng khán giả riêng.

Tụi tôi cũng đẩy mạnh công tác đào tạo để nhanh chóng tìm ra các gương mặt nghệ sĩ trẻ, có khả năng, có duyên hài để gánh vác khi các anh chị nghệ sĩ tên tuổi của sân khấu bị truyền hình lôi kéo”.

Gánh vác chi phí khổng lồ để trả cho các sao sau mỗi suất diễn, đồng thời bị phụ thuộc vào sô diễn dày đặc của họ cũng không thể là lựa chọn lâu dài của Sen Việt.

Sân khấu đang lên kế hoạch dựng các vở diễn thị trường nhưng lôi kéo thêm sao ở những lĩnh vực khác như người mẫu, ca sĩ, diễn viên điện ảnh... Các sao hài nếu xuất hiện có thể chỉ ở vị trí khách mời...

Nhiều kế hoạch vẫn đang được các ông bầu, bà bầu tiến hành, nhưng vẫn chưa có gì chứng tỏ hài sân khấu có thể lấy lại thế thượng phong.

Có lẽ phải đợi đến một lúc nào đó, khi người ta bắt đầu ngán những gương mặt hài quen thuộc lặp đi lặp lại trên truyền hình, những mảng miếng hài chắp vá, những chiêu thức trở nên cũ mòn biến hài truyền hình thành hài "công nghiệp"; và khi làng sân khấu hài có nhiều chuyển biến thật sự tích cực, đột phá... biết đâu hài sân khấu lại... sáng giá!

Nhìn xa hơn, sốt ruột trước việc có nhiều ngôi sao hài vì sức hút từ hàng loạt sô truyền hình đã rời bỏ môi trường rèn luyện sân khấu vất vả - nơi đã cho họ khả năng và tên tuổi mà khán giả thừa nhận như ngày nay, đạo diễn Nguyên Đạt có thêm một chia sẻ:

“Người nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ nếu được diễn kịch dài, trọn vở thường xuyên sẽ nâng cao khả năng nghề nghiệp hơn là diễn các tiểu phẩm, các trích đoạn chắp vá.

Tôi biết có những ngôi sao hài trẻ cũng trăn trở về điều này, tôi cũng từng khuyên em: Tên tuổi em bây giờ đã rất nổi, tiền thì em cũng đã kiếm được nhiều rồi, sao không bỏ bớt để tập trung cho sân khấu, cho nghề nghiệp?

Em nói: Em biết điều đó nhưng nghệ sĩ có thời, lúc nào được thì phải ráng tranh thủ thôi!”.

Ráng tranh thủ, nhiều người cùng tranh thủ và nỗi băn khoăn chính là ở đó, không chỉ với riêng sân khấu hài... 

Từ trái sang Trường Giang, Lâm Vỹ Dạ và Trấn Thành trong vở Đại hỉ. Dù là vở diễn ăn khách của Sen Việt nhưng so với những năm trước đây, tình hình khán giả vẫn yếu hơn vì chính các nghệ sĩ hài tự lấy đi khán giả của mình ở sân khấu - Ảnh: Nguyễn Lộc

Đừng như thằn lằn tự cắn đuôi

Từ nhiều năm trước, tôi có tâm sự với một danh hài khi vợ chồng anh đến nhà tôi chơi: “Anh vẫn có thể đi tấu hài để kiếm sống, nhưng nếu anh không tạo dựng được vai diễn hài sang trọng, xứng với tên tuổi của anh thì thời gian qua đi, hình ảnh mình giống như con thằn lằn tự cắn đuôi...”.

Vài năm sau tôi thấy anh mở nhà hàng kinh doanh thuần túy và chỉ chọn lọc tham gia một số vở hài được người xem ghi nhận. Tôi mừng lắm. Tất nhiên, con đường nghệ thuật mỗi người mỗi vẻ. Nhưng một nghệ sĩ hài, dù tài năng đến đâu, mà suốt ngày xuất hiện lảm nhảm thì chán lắm.

Tên tuổi và hình ảnh nghệ sĩ trong mắt công chúng, khi đã sứt mẻ, còn đáng tiếc hơn sự đổ vỡ của một thương hiệu kinh doanh xuống cấp, bị làm ẩu, làm dỏm, ăn xổi ở thì...

Không nên quy chiếu máy móc cátsê nghệ sĩ biểu diễn với lương tháng một người công nhân. Đó là đặc thù giá trị tài năng nghệ thuật và quy luật cung, cầu của thị trường nghệ thuật.

Nhưng việc làm mình làm mẩy thổi giá cátsê, bất chấp giờ giấc, sống chết mặc bay, coi thường đồng nghiệp... mới là điều đáng trách của các anh chị “sao” chảnh và các mầm “sao” chảnh vừa nhú lên nhờ sự lăngxê thái quá.

Một vài trăm triệu, thậm chí 1 tỉ đồng catsê ngất ngưởng... cũng là đồng tiền lao động chân chính thôi, nhưng lương tâm người nhận có đôi lúc cảm thấy ngượng khi xem lại, nếu là những sản phẩm bát nháo của mình?

Hàng loạt chương trình game show - hài đầy rẫy việc chọc cười sinh lý, nhảm nhí từ ý tưởng đến thực hiện quảng bá nghệ thuật - giải trí - cộng đồng, đang ứ hự trên các kênh sóng truyền hình.

Không ai phủ nhận hiệu quả giải trí truyền hình của một số chương trình được thực hiện khá mới mẻ, hoặc được mua bản quyền một số chương trình hấp dẫn của nước ngoài. Nhưng cảm giác bội thực, thừa mứa, ngán ngẩm là có thật.

Sau một ngày làm việc vất vả, tối bật thử tivi xem có gì giải trí, lại gặp mấy gương mặt, dù được phấn son nhào nặn cho khác đi đôi chút, cũng vẫn kiểu chọc cười toe toét như ngày hôm qua và hôm xưa nữa...

Không chỉ cảm thụ thẩm mỹ người xem truyền hình đang rơi vào mê hồn trận bởi một số game show - hài làm mang tiếng thương hiệu “mì ăn liền”, mà các sân khấu hài luôn méo mặt, không thể mời các danh hài vốn vẫn mệnh danh và đi ra từ cái nôi sân khấu của họ.

Một lý do đơn giản, không có thời gian tập tuồng mới. Nhiều người chỉ mắt trước mắt sau chạy show kiếm tiền, thậm chí cợt nhả khi ai nhắc đến ý thức với nghề và trách nhiệm lương tâm người làm nghệ thuật.

Rồi thì lâu lâu, trong những dịp lễ tết, hay chương trình đại nhạc hội nào đó, các anh chị danh hài lại “mở kho” xào xáo hoặc bê nguyên bổn cũ ra mần, như sự hạ cố cho khán giả bỏ tiền ra mua vé.

Trách sân khấu nghệ thuật không còn nhiều hấp dẫn, nghệ sĩ chỉ đong đo nghiệp tổ qua giá trị cátsê, hay trách khán giả sao lại dễ dãi bỏ tiền mua vé xem mấy anh tự ăn vào ảo ảnh hư danh quá khứ?

Có khi nào người làm nghệ thuật chỉ quen đổ thừa hoàn cảnh và chép chép miệng như thằn lằn tự cắn đuôi?

Nhà viết kịch LÊ CHÍ TRUNG

------------

Hài từ nhà ra phố

>> Kỳ 1: Mở tivi là thấy... hài

>> Kỳ 2: “Câu lạc bộ catsê nghìn đô” 

LINH ĐOAN ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên