![]() |
Các tay đờn thâm niên của CLB |
Bức xúc từ chuyện ăn nhậu
Chứng kiến cảnh đám thanh niên choai choai và số ngư dân trên đảo thường xuyên tụ tập ăn nhậu rồi ẩu đả đến bể đầu, sứt trán, ông Lê Trắc - nguyên bí thư xã đảo Thổ Châu - luôn trăn trở và rồi ông bàn với con trai mình là Lê Trường Giang, chủ tịch hội cựu chiến binh xã: “Con nên đề xuất với các đồng chí trong cấp ủy xã xin kinh phí thành lập một CLB văn nghệ đờn ca tài tử nhằm phục vụ văn nghệ, để thanh niên trai tráng xã mình có chỗ ca hát, bớt nhậu nhẹt bê tha thâu đêm suốt sáng...”.
Đề xuất đó được lãnh đạo xã ghi nhận và xã đã cử ngay hai người vốn có chút ít năng khiếu về ca hát theo tàu vô Dương Đông học đàn hát. Nhưng ý tưởng trên vẫn chưa thành hiện thực vì không có kinh phí mua dàn nhạc.
Không chịu bó tay, anh Giang đích thân vô tận Dương Đông mướn dàn trống với giá 300.000 đồng/tháng, nhưng ngặt nỗi thành lập CLB mà phải đi thuê dàn trống hoài thì không ổn nên anh quyết định họp gia đình, bàn với vợ và các con dâu, rể cùng nhau hùn được 20 triệu đồng mua dàn trống và dàn nhạc “xịn” để mở CLB.
Ngày 18-11-2002, CLB văn nghệ đờn ca tài tử cựu chiến binh xã Thổ Châu chính thức ra đời, hoạt động hằng đêm tại quán cà phê nhà chủ tịch hội cựu chiến binh xã kiêm chủ nhiệm CLB Lê Trường Giang.
Hiện CLB đã có 18 thành viên, phục vụ bà con từ 20g-22g30, khách vào tham gia uống cà phê chỉ với giá 3.000 đồng/ly và cùng tham gia ca hát vui vẻ.
Đêm tôi ghé thăm quán cà phê, có khá đông người đến tham gia. Thấy tôi ngạc nhiên, Lê Trường Giang phân trần: “Đêm nay còn ít, chớ vào thứ bảy, chủ nhật bộ đội hải quân và ngư dân đến chật cứng, có đêm lên đến vài trăm người”. Ai có nhu cầu hát phải đăng ký tên bài hát trước. Những bài hát có nội dung không phù hợp đều được đề nghị thay thế hoặc từ chối.
Cảm hóa người lầm lỗi
Theo anh Phan Văn Kháng, chủ tịch UBND xã Thổ Châu, nếu so với CLB đờn ca tài tử ở các nơi khác thì có thể CLB đờn ca tài tử cựu chiến binh Thổ Châu chưa giỏi về kỹ thuật ca hát, nhưng ở CLB này có một điểm mạnh đáng quí mà ít CLB nào ở tỉnh Kiên Giang có được, đó là tham gia cảm hóa giáo dục được nhiều trường hợp lầm lỗi trở thành người tốt. CLB ra đời đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trên đảo, giảm bớt tệ nạn xã hội. |
Hai năm trước, L. ly dị chồng dắt theo con gái 4 tuổi ra đảo hành nghề bán bia ôm cho một quán đèn mờ. Tình cờ một đêm L. vào uống cà phê và đăng ký hát, phát hiện chị có chất giọng tốt, anh Giang liền hỏi thăm gia cảnh và động viên L. gia nhập CLB. Ban đầu L. một mực từ chối không tham gia, nhưng sau nhiều lần được anh Giang động viên giải thích, đầu tháng 2-2003 L. đã bỏ nghề, tự nguyện gia nhập CLB.
Hiện nay mẹ con L. có cuộc sống khá ổn định: ban ngày L. đi lột tép mướn, tối đến ca hát phục vụ bà con; cháu H. - con của L. - chuẩn bị vào lớp 1. Một trường hợp khác đó là Mai - một tay anh chị khét tiếng trên đảo Thổ Châu, với “thành tích” nhậu quậy phá phách xóm giềng, ba lần đánh nhau với ngư dân, một lần đánh trọng thương phó công an xã. Vậy mà vài lần đến CLB ca hát thấy vui, đầu năm 2003 Mai đã bớt nhậu, tự nguyện đăng ký tham gia CLB...
Hiện nay, dù 2/3 số thành viên CLB là những người ở các vùng khác nhau trong đất liền ra đảo lập nghiệp (đa phần ở Cần Thơ, Bến Tre, Sóc Trăng…) nhưng họ xem nhau như anh em một nhà, sống rất nghĩa tình, sướng khổ có nhau, thề cùng bám đảo lập nghiệp.
Ngay như chuyện thù lao ca hát hằng đêm khá thất thường, đêm nào đông khách đến uống cà phê thì mỗi người được bồi dưỡng vài chục ngàn, có đêm về không nhưng họ không nề hà, vẫn gắn bó với CLB, vui vẻ phục vụ bà con.
Những ngày lễ, tết hay các gia đình trên đảo có đám cưới, hễ ai có nhu cầu CLB còn đến phục vụ miễn phí... Anh Lê Trường Giang cho hay trong năm nay CLB phấn đấu góp phần hoàn lương vài trường hợp khác, vì hiện các cô “tiếp viên” ra đảo ngày càng nhiều và hằng đêm đã đến CLB ca hát khá đông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận