Sài Gòn - TP.HCM miền đất hứa bao phận người - Kỳ 1: Giáo sư làm thiện nguyện trả ơn thành phố

Năm 1975, Sài Gòn - TP.HCM vừa trải qua chiến cuộc với hơn 3 triệu dân. 50 năm sau, thành phố đã trở thành đô thị lớn nhất nước với quy mô dân số lên đến gần 10 triệu người, và đô thị hiện đại được phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu chất lượng sống.

thiện nguyện - Ảnh 1.

GS Lê Ngọc Thạch là bạn đọc đóng góp thường xuyên cho các chương trình thiện nguyện của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: AN VI

Trải qua nhiều cuộc khó khăn thời hậu chiến, đại dịch nhưng TP.HCM vẫn luôn là miền đất hứa của bao phận người chọn nơi học hành, làm việc, dựng xây tổ ấm và phát triển tương lai...

Nhiều người không quên được câu chuyện GS.TS. Lê Ngọc Thạch ủng hộ đồng bào bão lũ miền Bắc 1 tỉ đồng. Hơn nửa năm sau, vị giáo sư ấy vẫn cho rằng đó là hành động nhỏ để làm đẹp thêm hình ảnh TP.HCM - miền đất hứa thân thương đã bao dung ông gần 80 năm qua.

Tui không xem mình làm thiện nguyện là cho đi hay hy sinh gì hết, tui chỉ nghĩ đơn giản đó là cách để tui trả ơn cho thành phố này - nơi mà tui cũng nhận được rất nhiều từ nó.

GS.TS. Lê Ngọc Thạch

Hành trình vất vả

Chúng tôi gặp lại GS.TS Lê Ngọc Thạch trong những ngày tháng tư lịch sử. Ông vẫn vậy, vẫn bộ quần áo đã phai màu. Không còn đi dạy, ông vẫn miệt mài bên quyển tài liệu hóa học đang soạn dở dang.

Trên tường vẫn còn đó tấm bằng khen của UBND TP.HCM trao tặng, chứng nhận "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả". Song vị giáo sư trải lòng ông hoạt động không phải vì bằng khen!

"Từ xưa, tui đã theo ba mẹ hoạt động thiện nguyện gia đình phật tử. Lúc đó chủ yếu hỗ trợ trong các cô nhi viện, tắm rửa, cho các bé ăn rồi đến mấy chỗ chiến sự phát quà...", GS Thạch nhớ lại.

Giúp người là thế, nhưng gia đình ông không khá giả. Để học lấy con chữ, từ năm mười mấy tuổi vị giáo sư này đã lăn lộn mưu sinh ngoài đường.

Công việc đầu tiên của ông tại Sài Gòn là phụ dì đưa rước học sinh đến trường. "Hồi xưa, dì tui có chiếc xe chở học trò, mấy nhà giàu có tiền thuê xe chở con họ tới trường. Tui đi theo phụ bồng mấy đứa lên xe", GS Thạch kể.

Rồi đến thời sinh viên giai đoạn cuối thập niên 1960, để có được bộ quần áo tươm tất tới trường, ông phải đi dạy thêm buổi tối cho các lớp luyện thi.

"Hổng dám dạy nhiều, lúc đó cũng lo học dữ lắm, chỉ dạy mấy môn mình học được, khoảng 2-3 buổi một tuần thôi. Thu nhập cũng khá lắm nghen, đủ tiền mua quần áo, sinh hoạt, phụ ba mẹ", ông Thạch kể về những ngày đầu mưu sinh ở Sài Gòn.

Bước ngoặt với ngành hóa học làm nên tên tuổi của GS Lê Ngọc Thạch đến sau khi ông hoàn thành năm dự bị. Làm bài với điểm ấn tượng, ông được GS Lê Văn Thới nhận làm việc ngay từ năm đầu tiên là sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên.

GS Thạch cho biết thời gian làm việc với người thầy của mình đã rèn giũa tính cách của ông như ngày hôm nay. Ban đầu ông nhận lương 3 tháng/lần, rồi đến giai đoạn nhận lương một tháng/lần.

thiện nguyện - Ảnh 2.

TP.HCM phát triển đã trở thành miền đất hứa đổi đời của biết bao người - Ảnh: THÙY CHI

Nơi này dễ sống lắm!

Năm nay vị giáo sư hay làm thiện nguyện đã bước qua tuổi 77, ông đúc kết trải nghiệm của mình với thành phố này bằng ba chữ: "dễ sống lắm".

Cái dễ với ông không chỉ đến ở thời điểm đã có học hàm học vị, mà dễ ở đây còn đến ở thời kỳ khó khăn của những năm 70, 80 thế kỷ trước. Ông kể khi đó lương mình được ít đồng, nhưng tiền mua hộp sữa cho người con trai lớn đã hết mất quá nửa. "Thời điểm đó hàng hóa khan hiếm, mua hộp sữa vất vả lắm. Nhiều lúc tui nghĩ mình sắp nuôi không nổi thằng con trai nữa rồi", ông nhớ lại.

Nhưng trong trải nghiệm của ông, thành phố này dù ở giai đoạn nào cũng dễ sống với người thiện lương, chăm chỉ. Để bù tiền lương ít ỏi, ông khi đó nhận làm thêm xà bông, phèn, kem đánh răng, pha chế các phản ứng hóa học... thậm chí là đi quét rác ngoài đường.

"Khó khăn là khó khăn chung, nhưng trong đó vẫn có cơ hội riêng cho mỗi người. Với người theo ngành hóa như tui, thời điểm đó lại làm được nhiều việc, từ cục xà bông đến chai nước rửa chén, tui chế đủ thứ để bán hết", ông nói thêm.

Ông thừa nhận nếu không sinh ra ở thành phố này, không trải qua khó khăn lịch sử mang tới thì có lẽ... cũng chẳng có GS Lê Ngọc Thạch ngày hôm nay.

Bước ngoặt cuộc đời đến với ông vào năm 1990, khi được chọn sang Pháp du học. Để được đến Pháp học, ông đã trải qua nhiều thử thách, song ông cho biết chưa bao giờ mình lóe lên suy nghĩ sẽ học rồi ở lại phục vụ cho Tây.

"Nhiều người nói cho tui đi là sai lầm, vì lúc đó ba mẹ tui đã sang Pháp, anh trai cũng làm việc bên đó, ai cũng nghĩ tui sẽ ở lại luôn. Tức bụng, phần nữa cũng tự ái nên tui quyết tâm học thật nhanh để về phụng sự cho đất nước coi họ nghĩ cái gì", GS Thạch kể về quyết định cuộc đời.

Sang Pháp học với nhiều sinh viên đa quốc gia, ban đầu họ cứ nghĩ ông là người Nhật Bản hoặc Trung Quốc. "Không, tao là Việt Nam, dân Sài Gòn chính gốc nhen mậy", GS Thạch thuật lại bằng tiếng Pháp. Đến đâu ông cũng tự hào giới thiệu về TP.HCM hôm nay và Sài Gòn khi xưa. Ông nói hổng biết sao nó nổi tiếng lắm, giới thiệu là người ta biết liền.

Đến Pháp, ông có nhiều điều kiện để nghiên cứu hơn. Ban đầu ông được các bạn ngoại quốc chỉ dẫn dùng máy móc, hóa chất và nhiều phản ứng chưa được học tại Việt Nam.

"Dần dà tui chỉ ngược lại tụi nó, tui toàn chơi tắt không hà, nhiều khi tụi nó áp dụng công thức không ra, mình sáng tạo, chế tác thêm chút rồi dạy ngược lại. Đêm nào cũng ở lại phòng thí nghiệm đến tận khuya, nhờ vậy mà tụi Tây nó cũng nể", GS Thạch cười nhớ lại.

Trả ơn cho thành phố

Ngày ông quyết định từ Pháp về lại TP.HCM để phục vụ cũng là lúc ông tự hứa với bản thân mình phải trả ơn thành phố này. "Đến nay tui chỉ nghiên cứu, phục vụ và giảng dạy cho Trường ĐH Khoa học tự nhiên - nơi đã nuôi nấng tui trưởng thành như ngày hôm nay. Những hoạt động thiện nguyện của tui chủ yếu với tư cách là một người dân TP.HCM hào sảng", GS Thạch tâm sự.

Cách mà vị giáo sư này trả ơn cũng bao dung, nghĩa tình như thành phố đã bao dung ông suốt chừng ấy năm. Đó là các học bổng được tính bằng tiền tỉ, là những bữa cơm giá chỉ vỏn vẹn 2.000 đồng cho người khó khăn. 

Thỉnh thoảng, khi đọc được một nhân vật nào đó "hoàn cảnh" trên báo, ông cũng vét chút tiền hưu trí, tiền viết sách của mình để mang đến ủng hộ.

Câu nói quen thuộc để giải thích cho hành động nghĩa tình ấy của ông là "Dạ không có chi!". Ông hy vọng mọi người dân sống ở thành phố này đều có thể cảm nhận được sự hào sảng, bao dung và sự dễ chịu mà thành phố mang tới.

"Giúp sao cho xuể, nhiều lần tui chứng kiến hoàn cảnh đau lòng lắm. Có đợt một người vào quán ăn 2.000 đồng mà tui hỗ trợ, họ ăn cơm xong xin cái bịch bỏ trái chuối, ổ bánh mì với hộp sữa vào đem về. Tui hỏi mới biết là người này để dành đem về cho em và mẹ ở nhà chưa ăn gì", ông nghẹn giọng.

Nói đến đây, ông ước giá như mình thành công sớm hơn có thể sẽ giúp được nhiều hoàn cảnh hơn hiện tại...

**************

19 năm trước, rời vùng đất đỏ Bình Phước với vài bộ quần áo cũ kỹ và số tiền nhỏ cha mẹ chắt chiu, Đặng Dương Minh Hoàng mang theo hành trang là khát vọng đổi đời bằng con đường học học hành ở TP.HCM.

>> Kỳ tới: Chàng thủ khoa đất đỏ và giấc mơ đổi đời ở TP.HCM

Sài Gòn - TP.HCM miền đất hứa bao phận người - Kỳ 1: Giáo sư làm thiện nguyện trả ơn thành phố - Ảnh 3.Giáo sư Lê Ngọc Thạch - người góp 1 tỉ đồng ủng hộ bão lũ được tuyên dương

Lãnh đạo TP.HCM vừa trao biểu trưng và giấy chứng nhận "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả" đến GS.TS Lê Ngọc Thạch trong lễ tuyên dương sáng nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên