
Nhân viên The Coffee House trao đổi với khách tại cửa hàng - Ảnh: TCH
Golden Gate đã thông qua phương án mua một công ty F&B
Theo DealStreet Asia, Công ty cổ phần Tập đoàn Golden Gate được cho là đã mua lại chuỗi cà phê The Coffee House từ chủ sở hữu là Seedcom. Tuy nhiên cả hai bên hiện chưa đưa ra thông báo chính thức về thương vụ này.
Vào đầu tháng 12-2024, hội đồng quản trị Golden Gate đã thông qua nghị quyết phê duyệt phương án mua 99,98% vốn điều lệ của một công ty trong ngành thực phẩm và đồ uống.
Hệ sinh thái của Golden Gate, công ty thành lập từ năm 2005 hiện có hơn 40 thương hiệu trong ngành F&B với các chuỗi nổi tiếng như Gogi, Kichi Kichi, Yu Tang…
Vốn điều lệ đến cuối năm 2024 của công ty này là 77,9 tỉ đồng.
Công ty mới có kết quả kinh doanh năm 2023, với doanh thu thuần đạt hơn 6.200 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ chưa đến 140 tỉ đồng.
Cuối năm 2024, đại hội đồng cổ đông bất thường của Golden Gate quyết định hủy kế hoạch chia cổ tức 53%, bằng tiền mặt cho năm 2023 nhằm dồn nguồn lực tài chính cho các dự án đầu tư và mở rộng quy mô lớn trong giai đoạn 2024-2025.
Trong khi đó The Coffee House, thương hiệu do ông Nguyễn Hải Ninh cùng một số cộng sự thành viên thành lập từ năm 2014, hiện thuộc Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Trà Cà Phê Việt Nam, do ông Ngô Nguyên Kha - nguyên CEO hãng điện thoại Mobiistar làm đại diện pháp luật.
Ngành kinh doanh quán cà phê tại Việt Nam thời gian có nhiều thay đổi. Trong khi chuỗi Katinat liên tục mở rộng tại những vị trí đắc địa, The Coffee House phải đóng cửa hàng loạt cửa hàng ở Đà Nẵng và Cần Thơ.
Theo website The Coffee House, chuỗi này hiện nay chỉ còn 93 cửa hàng, chủ yếu tập trung ở TP.HCM.
Doanh thu The Coffee House biến động mạnh trong những năm gần đây. Theo Vietdata, năm 2022 doanh thu của chuỗi này tăng 67%, nhưng đến năm 2023 lại giảm 11%, xuống 700 tỉ đồng; đồng thời tiếp tục lỗ lũy kế.
Năm chuỗi cà phê lớn nhất thị trường chiếm khoảng 42% thị phần; trong đó Highland Coffee chiếm khoảng 11,6%; Phúc Long Coffee & Tea House là 4,4%, còn Starbucks là 3,8%.
Rào cản gia nhập ngành thấp
Thị trường F&B Việt Nam nói chung và thị trường quán cà phê nói riêng đã tăng trưởng mạnh trong năm 2023, với quy mô đạt 21,6 tỉ USD với mảng ăn uống tại chỗ và khoảng 1,46 tỉ USD doanh thu thị trường quán cà phê.
Với cơ cấu dân số trẻ và thói quen uống cà phê đã trở thành văn hóa với người Việt, nhiều cá nhân lạc quan vào triển vọng thị trường kinh doanh quán cà phê nội địa.
Điều đó thúc đẩy các thương hiệu mới xuất hiện, tạo nên một cuộc cạnh tranh sôi động trong thị trường chuỗi đồ uống nói chung và thị trường chuỗi cà phê nói riêng ở Việt Nam.
Dù thị trường tăng trưởng tốt nhưng số lượng quán cà phê đóng cửa cũng không hề ít, đặc biệt tại các thành phố lớn như TP.HCM.
Ông Hoàng Tiễn, đồng sáng lập Coffee Bike, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online rằng dù chưa có con số chính xác về tỉ lệ đóng cửa nhưng theo xu hướng chung của ngành F&B, rủi ro kinh doanh cà phê là rất cao.
Lý do chính dẫn đến tình trạng này là sự cạnh tranh khốc liệt, trong khi phần lớn chủ quán là những người mới bước vào kinh doanh, chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhiều người mở quán chỉ vì đam mê, nhiều người làm trong lĩnh vực sáng tạo, thích "chill" và chưa hiểu thấu đáo về bài toán tài chính.

Lợi nhuận sau thuế của các chuỗi cà phê tại Việt Nam - Nguồn: VIETDATA
"Hàng rào gia nhập ngành này rất thấp, ai cũng có thể mở quán cà phê. Để chiến thắng trong thị trường như vậy, với người mới là cực kỳ khó" - ông Tiễn nói.
Với những thương hiệu chuỗi lớn, chủ đầu tư có tiềm lực để chấp nhận lỗ trong 3-5 năm nhằm mở rộng quy mô. Nhưng với các cá nhân hay hộ kinh doanh nhỏ, việc thiếu vốn và kinh nghiệm khiến cuộc cạnh tranh càng trở nên khó khăn.
Theo Horeca Business School, ngành F&B đang trải qua giai đoạn thanh lọc mạnh mẽ.
Năm 2024, khoảng 52% cửa hàng ẩm thực đóng cửa trong năm đầu tiên, chủ yếu do thiếu kế hoạch kinh doanh bài bản và năng lực vận hành yếu kém.
Ngoài ra, 35% cửa hàng hoạt động từ 2-3 năm gặp khó khăn trong việc kiểm soát chi phí và duy trì khách hàng, dẫn đến việc phải ngừng kinh doanh.
Khoảng 13% cửa hàng trên 5 năm phải đóng cửa do không thể gia hạn hợp đồng thuê mặt bằng hoặc mô hình kinh doanh đã lỗi thời.
Theo ông Đỗ Duy Thanh, giám đốc Công ty TNHH FnB Director, để tồn tại và phát triển, các thương hiệu cà phê hiện nay không chỉ tập trung vào cà phê mà còn mở rộng sang nhóm trà hiện đại.
"Bán cà phê để hòa vốn và bán thêm trà để kiếm lời đã trở thành công thức giúp nhiều thương hiệu tối ưu hóa doanh thu. Trà có giá vốn thấp hơn, biên lợi nhuận cao hơn và dễ tiếp cận nhiều nhóm khách hàng hơn" - ông Thanh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận