![Ra giêng anh cưới em - Kỳ 2: Đám cưới bên cồn năm 2000 - Ảnh 1. Ra giêng anh cưới em - Kỳ 2: Đám cưới bên cồn năm 2000 - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/9/dam-cuoi-1739075116023588015358.jpg)
"Dạ thưa, cho tụi con cưới nhau" - Ảnh: NVCC
Qua cồn, cô dâu chú rể lội sình tới đùi
Nhớ lại 25 năm về trước, bà Lê Thị Ngọc Ngoan (44 tuổi, ngụ Bình Phước) không khỏi bật cười. Đó là thời điểm bà gật đầu lên xe hoa về Vũng Tàu với chồng là ông Nguyễn Trung Như (56 tuổi, ngụ Bình Phước).
Bà nhớ lại thời điểm đó còn con gái, nhỏ xíu, tự dưng không biết sao lại yêu ông chồng cách mình cả con giáp.
"Đợt đó đi lên Vũng Tàu hái cà phê, ổng hồi xưa làm chủ vườn ở đó, hái đâu hai năm cái hai người kết nhau. Vậy là tui gật đầu cho ổng về quê gặp cha mẹ, để xem cha mẹ ưng thì gả", bà Ngoan nhớ lại.
Quê bà Ngoan ở cù lao hay còn gọi là cồn Long Hòa (huyện Châu Thành, Trà Vinh), ngày nay để từ Vũng Tàu xuống được tới nhà bà vẫn phải đi qua phà hoặc chọn đò nhỏ đi đường vòng.
Còn theo chia sẻ của bà, hơn 23 năm về trước chưa có cầu Rạch Miễu, chưa có mấy cầu nhỏ bên cù lao, để về nhà bà phải qua ít nhất hai chiếc phà và một chuyến đò ngang.
"Ổng dân mần rẫy, đâu có quen sông nước như vậy, tui dẫn ổng về mà ổng lắc đầu ngán ngẩm. Hồi đó đường sá cũng đâu ngon lành như giờ, từ Vũng Tàu về tới nhà phải mất gần chục tiếng chứ chẳng chơi", bà cười nói.
Chưa kể phà lúc đó không nhiều như bây giờ, vợ chồng bà mà trễ chuyến phải chờ ít nhất 45 phút sau mới được đi. Nếu xui qua cồn trễ đò ngang thì theo bà Ngoan, chỉ có nước năn nỉ người ta cho ngủ nhờ cái võng, chứ thời đó chẳng tìm ra nhà nghỉ nào.
Xa xôi cách trở, ba bà Ngoan ban đầu cũng chẳng muốn gả con gái nhưng vì thấy chàng rể quý lặn lội đi tới đi lui chở con mình lên xuống hoài, riết thành thương.
Đi lại bình thường cực một thì đám cưới của vợ chồng bà Ngoan khi đó cực phải gấp 10. Bà nói nội cái chuyện kiếm xuồng qua sông rước đàng trai qua nhà cũng trần thân.
"Đò ngang hồi đó ít nên không cho bao, mà bao cũng chở được có một khúc, từ bến đò vô nhà phải qua biết bao nhiêu sông nên nhờ xuồng chòm xóm, đâu đó được năm chiếc chèo ra cửa sông đón đàng trai. Hồi đó bên ổng đi cỡ 30 người, chèo làm gì hết, chỉ cho chừng 15 người qua với sính lễ đồ thôi", bà Ngoan chia sẻ.
Theo bà, trầu cau, rượu, bánh mứt đồ đều gói vô bịch kỹ, sợ rớt xuống nước. Qua đến bên kia bờ, đàng trai mới dám bày biện, xắn quần xuống, đóng thùng lịch sự bên ngoài rồi mới tiến vào nhà làm lễ.
Rước dâu qua sông còn trần thân hơn, hồi đó bà qua sông ngay con nước ròng, mấy thanh niên trong xóm chèo chở bà và đàng trai vô hết cỡ vẫn còn cách bờ chừng chục mét.
Nước rút, xuồng không đi được nữa, cả đoàn phải xắn quần, lội lên bờ, chỉ riêng cô dâu chú rể được ưu ái ngồi trên xuồng để mấy thanh niên đẩy vào sát bờ.
Bà Ngoan nhớ lại đến giờ còn lắc đầu: "Vậy chứ cũng phải lội, tại đẩy hết cỡ rồi mà xuồng cũng cách bờ gần 2m, hồi đó mặc áo dài, ta nói cô dâu chú rể gì mà rước dâu về cồn sình lên tới đùi ai cũng cười. Hên có mấy bà bên đò thương, họ cho vô xối nước rửa tạm để sạch sẽ lên xe về nhà chồng".
![Ra giêng anh cưới em - Kỳ 2: Đám cưới bên cồn năm 2000 - Ảnh 2. Ra giêng anh cưới em - Kỳ 2: Đám cưới bên cồn năm 2000 - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/9/dam-cuo1i-17390751876821243922109.jpg)
Đám cưới ở cồn Long Hòa hồi xưa đưa dâu bằng xuồng ba lá. Video quay đã mờ nhưng vợ chồng vẫn gìn giữ 25 năm như kỷ vật - Ảnh: AN VI
Ăn lẩu cù lao, uống nước sâm
Cách đây hơn hai thập niên, đám cưới ở cồn Long Hòa không có mấy nhà hàng, đặt mâm như hiện tại. Mọi thứ từ trang trí rạp cưới, nấu ăn, tổ chức tiệc... đều do bà con lối xóm chung tay cùng làm.
Trước ngày cưới bà Ngoan khoảng 10 ngày, ba của bà đã "đặt hàng" mấy thanh niên trong xóm phụ làm rạp, mẹ bà cũng tới nhà mấy bà thợ nấu trong xóm gom về nấu đám.
"Ở quê là vậy, nhờ người ta không chứ hông tốn tiền thuê mướn gì hết. Nay nhà này cưới thì gom lại nhà này, mai nhà khác cả xóm lại chạy qua phụ", bà Ngoan kể.
Món ăn trong mâm cưới hồi xưa cũng cơ bản, song tới giờ bà Ngoan vẫn còn tấm tắc về nồi lẩu cù lao mà bà chưa từng thấy lại ở các đám cưới hiện đại ngày nay. "Mâm cỗ toàn đồ nhà làm, được chuẩn bị từ sáng sớm bữa đãi khách. Trong đó nồi lẩu cù lao là món được trông chờ nhất", bà Ngoan nhớ lại.
Bà miêu tả nồi lẩu cù lao hồi đó được nấu trong nồi nhôm đặc trưng, với ống giữa chứa đầy than hồng giữ ấm cho nước lẩu sôi liu riu. Nước lẩu ngọt thanh từ thịt heo, một số bà thợ nấu muốn ngọt hơn sẽ hầm thêm xương hoặc nấu kèm nước dừa tươi. Thịt gà, thịt heo, lòng heo được sắp gọn gàng bên cạnh những loại rau nhà trồng như rau muống, cải xanh, kèo nèo, bắp chuối bào mỏng...
Khác với đám cưới hiện đại ngày nay, lẩu cù lao hồi xưa không phải món cuối, mấy bà thợ nấu sau bếp lúc nào cũng tranh thủ làm thật nhanh để khách vừa ăn xong đĩa đồ nguội là bày lẩu lên liền.
Ở quê bà Ngoan thời điểm đó người ta không đãi nước ngọt và bia, với mâm đàn ông họ thường nhậu rượu đế. Còn mâm của mấy người phụ nữ trong xóm thường uống nước sâm.
"Cách đó chừng một ngày, người ta đi kiếm lá sâm rồi cùng nhau ngồi vò, làm sâm cho đám cưới thường phải làm số lượng rất nhiều, nên phải gom 3-4 đứa con gái lại cho khâu đó", bà Ngoan nói.
Nếu sâm lá không đủ để làm, mấy bà thợ nấu sẽ chỉ "chiêu" nấu sâm từ các loại thảo mộc như rễ tranh, mía lau, mã đề, la hán quả hoặc các loại lá cây thanh nhiệt khác. Theo quan điểm của họ, đây không chỉ là thức uống giải khát mà còn mang ý nghĩa ngọt ngào, mát lành để chúc phúc đôi tân lang tân nương.
Một nhà có hỷ là cả xóm vui
Bên cồn của bà Ngoan hồi xưa không quá đông người, đi ra đi vô biết mặt nhau hết. Nên hầu như đám cưới của bà cả xóm đều tới dự và chung tay lại phụ.
Cánh đàn ông chia làm hai nhóm, nhóm trẻ tuổi được giao đi kiếm lá dừa, cây chuối tươi cùng mấy buồng cau về trang trí rạp cưới. Họ là những người bắt tay vào việc đầu tiên, ít nhất rạp phải xong trước một ngày để đãi mâm tối và đón nhà trai vào sáng hôm sau.
Mấy thanh niên này cũng phải đứng ra mượn ghế, bàn khắp xóm về để đủ chỗ cho khách ngồi. Người mượn phải ghi chép rõ ràng, chứ đợt sau tới nhà người khác đám mà không đủ là bị chửi như chơi.
Nhóm còn lại là những người lớn tuổi hơn, phụ trách tiếp đón khách, bày biện bàn gia tiên và quan trọng nhất sẽ có một người lớn tuổi đứng ra làm lễ. "Hồi đó mời ông Sáu, ổng là bạn của ba tui, ổng nói chuyện hay lắm nên đám nào trong xóm người ta cũng nhờ ổng đứng ra nói chuyện", bà Ngoan nói thêm.
Cực nhất là mấy bà thợ nấu trong bếp, họ quần quật suốt ba ngày trời, ngày đầu tiên phải qua để phụ nấu đồ ăn cho đội dựng rạp. Tiếp đó là làm cơm tối cho cả xóm chúc mừng con gái đi lấy chồng, quan trọng nhất là bữa tiếp đón nhà trai vào sáng hôm sau.
Mấy đứa nhỏ trong xóm dịp này cũng nô nức như Tết về. Hồi xưa còn khó khăn, chỉ mấy dịp trọng đại như đám cưới mấy đứa em của bà Ngoan mới được mua vải may bộ đồ mới. "Tụi nó ăn bận tươm tất chạy nhảy khắp nhà, tiếng cười giỡn rôm rả như Tết về vậy", bà Ngoan nhớ lại.
Đêm trước khi nhà trai tới là đêm cảm xúc nhất của bà Ngoan, họ hàng ngồi lại trước bàn gia tiên. Ông Sáu đại diện đứng ra làm lễ, mẹ của cô dâu dắt con ra, họ hàng chòm xóm ai muốn dặn dò, tặng quà thì sẽ tặng vào đêm này. Hôm sau nhà trai đến, tiệc đến giữa trưa thì nhà gái sẽ chuẩn bị đồ đạc cho cô dâu theo chồng về.
"Mấy thanh niên đi mượn xuồng chở gia đình tiễn cô dâu qua bên kia đò, xe đậu chờ sẵn hết rồi. Vậy đó, đám cưới bên cồn không có nhạc nhưng mà vui, đồ ăn mấy bà thợ nấu của xóm làm cũng ngon. Giờ kiếm lại hương vị xưa như vậy không ra", bà Ngoan cười nhìn vào bức hình đã nhuốm màu thời gian.
***************
Về chung nhà bằng một đám cưới nhỏ năm 1996, nay xấp xỉ 30 năm người vợ vẫn nhớ hình ảnh chồng vụng về "xúc đất như múc cháo" vun vào từng gốc dừa những ngày đầu bị thử thách làm rể Bến Tre.
>> Kỳ tới: Cưới nhau từ thủa hàn vi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận