Cơ quan chức năng đứng làm dải phân cách để ngăn người dân lấn lên khi kẹt xe - Ảnh: LÊ PHAN
Bạn đọc Hữu Chơn (Quận 9, TP.HCM):
Theo mình nghĩ thì người tham gia giao thông trước hết cần biết nhường nhịn nhau. Trong điều kiện hạ tầng giao thông còn yếu và thiếu thì rất dễ xảy ra tình trạng xung đột giao thông vào các giờ cao điểm, tại nhiều tuyến đường chính.
Vì vậy, ý thức chấp hành pháp luật và văn hoá giao thông càng phải được phát huy. Có lần mình đi trên đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức) thấy 1 xe máy cắt ngang qua đường lúc đông phương tiện lưu thông.
Trong trường hợp này, dòng xe đi thẳng được ưu tiên. Tuy nhiên, nhiều phương tiện đã chủ động giảm tốc độ để nhường chiếc xe kia qua trước. Nhờ vậy nên không bị ùn tắc giao thông. Việc biết nhường nhau còn giúp tất cả mọi người đều được an toàn.
Khẩu hiệu "Thà chậm một giây còn hơn gây tai nạn" nếu làm đúng sẽ rất tốt. Chính vì không ai chịu nhận bớt thiệt thòi về mình mà ảnh hưởng đến nhiều người khác.
Nếu xảy ra tai nạn sau cùng phải nhờ đến CSGT khiến đôi bên đều mất thời gian. Chuyến xe văn minh là những chuyến xe rất cần có ý thức "mình vì mọi người" của người tham gia giao thông. Nếu ai cũng mang cái tôi quá lớn ra đường thì sẽ rất khó có thể đạt được những điều tốt đẹp.
Bạn đọc Nguyễn Thúy Nhi (Quận 7, TP.HCM):
Mỗi công dân khi tham gia giao thông ngoài việc trang bị kiến thức an toàn giao thông thì hơn bao giờ hết quan trọng nhất vẫn là câu chuyện văn hóa ứng xử.
Chúng ta nên tập cho mình thói quen đến sớm để tránh phải rơi vào những khung giờ cao điểm. Hãy học cách nhường nhịn, tôn trọng nhau khi tham gia giao thông. Tuyệt đối không chạy lên lề đường phần đường dành riêng cho người đi bộ và không chạy ngược chiều sẽ dễ gây tai nạn, làm cản trở giao thông, mỗi người ra đường cần chuẩn mực và văn minh.
Ngoài ra mỗi cá nhân cần chấp hành nghiêm các luật giao thông đường bộ cũng như mang theo đầy đủ giấy tờ.
Quan trọng hơn hết để thực hiện tốt văn hóa tham gia giao thông bậc cha mẹ nên giáo dục con trẻ ngay từ nhỏ và bản thân mỗi người lớn nên làm gương
Bản thân tôi sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại, văn hóa ứng xử khi tham gia phương tiện công cộng trên hết vẫn là sự tôn trọng và nhường nhịn lẫn nhau. Cần ưu tiên nhường nhịn cho người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em.
Văn hóa ứng xử của các bác tài và các tiếp viên cũng là điểm cơ quan quản lý cần lưu ý.
Một trong những nguyên nhân gây kẹt xe là do người dân chen lấn, không ai nhường ai - Ảnh: LÊ PHAN
Bạn đọc Nguyễn Thị Hồng Nhi (Quận Phú Nhuận, TP.HCM):
Hằng ngày trên đường đi học, tôi luôn phải chứng kiến những hình ảnh không đẹp của những người tham gia giao thông: vượt đèn đỏ, lấn làn, va chạm cãi nhaugiữa đường, lạng lách đánh võng. Trong đó, tôi thường là nạn nhân của những người rẽ hướng không xi nhan.
Muốn rẽ phải hay trái họ luôn tự rẽ qua mà không xi nhan báo trước, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông đi phía sau. Có lần tôi chứng kiến một vụ tai nạn trên con đường tại quận 5 cũng vì rẽ không xi nhan.
Một phụ nữ chạy SH đột ngột rẽ trái để vào một con hẻm nhưng không xi nhan qua đường làm người thanh niên chạy phía sau không kịp phanh đã ngã ra đường.
Tôi nghĩ để văn hóa giao thông trên đường tốt hơn, tất cả mỗi người phải có ý thức và nghiêm túc chấp hành luật giao thông: chạy đúng tốc độ, không uống rượu bia khi lái xe, không lạng lách, biết xi nhan khi qua đường, biết giúp đỡ nhau khi gặp hoạn nạn trên đường…
Bên cạnh đó cùng nhắc nhở bạn bè, người thân có ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông
Đối với chính quyền, cần tăng cường lập các chốt rà soát để kiểm tra các hành vi vi phạm giao thông. Xử lý và phạt nặng các tình huống vi phạm. Tuyên truyền và nhắc nhở mọi người tham gia lưu thông trên đường an toàn, đúng luật.
Bên cạnh đó, đường sá chật chội, xuống cấp, vỉa hè bị lấn chiếm, đường nhiều ổ gà, ổ voi hoặc những con đường không đèn đường, không biển báo, rào chắn không phản quang… cũng là lý do dẫn đến tai nạn cũng như khiến người tham gia giao thông có hành vi xấu xí nên cần phải nâng cấp cơ sở hạ tầng song song.
Bạn đọc Nguyễn Thị Thanh Hiếu (53 tuổi, TP.HCM):
Để có văn hóa giao thông, tôi nghĩ phải có ý thức và sự tự giác của mỗi người. Hiện vẫn còn rất nhiều người khi thấy công an giao thông thì sợ mới đi đúng tốc độ, không vi phạm. Khi không có công an, họ sẵn sàng vượt đèn đỏ, leo lên vỉa hè, phóng bạt mạng, say xỉn khi lái xe…
Do đó, phải giáo dục, tuyên truyền đến mỗi người dân để họ hiểu tham gia giao thông an toàn là đang tự bảo vệ chính tính mạng của mình, giảm thiểu nỗi đau gây ra cho người khác. Phải giáo dục làm sao để mỗi khi có hành vi không đẹp, bản thân họ tự cảm thấy áy náy, xấu hổ vì… không giống ai.
Việc xây dựng ý thức khi tham gia giao thông không đơn giản nhưng phải bắt tay làm ngay như đưa vào chương trình giảng dạy cho học sinh từ sớm, các tổ dân phố khu phố thường xuyên có những buổi nói chuyện để phổ biến các kiến thức về an toàn giao thông cho người dân…
Và trước mắt phải kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, phải phạt thật nặng, tạm giữ bằng lái, phương tiện… thì người dân mới sợ. Đánh vào túi tiền thì tự khắc họ sẽ sợ điều chỉnh. Cùng đó, các lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra trên đường phải đảm bảo sự công bằng, trong sạch. Với các trường hợp nhận hối lộ phải xử lý thật nghiêm.
Hãy cùng "Chuyến xe văn minh" xây dựng văn hóa giao thông
Chương trình "Chuyến xe văn minh" do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng các sở ngành TP.HCM phát động và sự đồng hành của Grab Việt Nam với mong muốn chia sẻ, lan truyền rộng rãi những câu chuyện đẹp góp phần xây dựng văn hóa giao thông.
Để lan tỏa các hành động đẹp, ứng xử văn minh trong giao thông, chương trình "Chuyến xe văn minh" mời bạn truy cập website: http://chuyenxevanminh.tuoitre.vn hoặc gửi bài vở qua email: [email protected].
Ban tổ chức sẽ có những phần quà ý nghĩa dành cho những tác giả có câu chuyện thú vị, xúc động, góp phần thiết thực xây dựng nếp sống văn minh khi tham gia giao thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận