
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh đạo các nước thành viên P4G và tổ chức quốc tế ngày 16-4 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ngày 16-4, Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư chính thức khai mạc tại Hà Nội với sự tham dự của Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo nước ngoài và tổ chức quốc tế.
Đây là lần đầu tiên một hội nghị P4G đặt yếu tố con người làm trung tâm của quá trình chuyển đổi và tăng trưởng xanh, thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển bền vững.
Thể chế xanh, công nghệ xanh, nguồn lực xanh
Phát biểu thông điệp chính sách tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ chuyển hóa mạnh mẽ các cam kết chính trị thành hành động thực tiễn, tạo động lực cho doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia phát triển kinh tế xanh. Trong đó thể chế xanh là nền tảng quyết định, công nghệ xanh là động lực đột phá và nguồn nhân lực xanh có vai trò then chốt".
Với kinh nghiệm 40 năm Đổi mới, Việt Nam xác định con đường phát triển phải tuân theo nguyên tắc "bền vững, bao trùm, hài hòa". Điều này đòi hỏi sự phát triển nhanh phải gắn liền với tính bền vững, chất lượng cao, hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việc đăng cai tổ chức hội nghị P4G lần thứ tư không chỉ tái khẳng định cam kết của Việt Nam đối với phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng và mục tiêu trung hòa carbon năm 2050 mà còn góp phần nâng cao nhận thức về hợp tác quốc tế, tăng cường vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển trong lĩnh vực tăng trưởng xanh.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn nhận định chặng đường chuyển đổi xanh của nhân loại không hề dễ dàng, có cả thành công lẫn thất bại nhưng đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu. Bài học đầu tiên là phải đảm bảo cách tiếp cận toàn dân, toàn diện, toàn cầu, bao trùm và "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Ông nhấn mạnh: "Một nền kinh tế xanh cần các doanh nghiệp xanh. Một xã hội xanh cần các công dân xanh. Một thế giới xanh cần các quốc gia xanh".
Thứ hai, để thúc đẩy chuyển đổi xanh phải đảm bảo khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng vai trò then chốt, thị trường đóng vai trò dẫn dắt, trên nền tảng nhận thức xã hội.
Thủ tướng dẫn chứng lĩnh vực năng lượng tái tạo chỉ phát triển bùng nổ khi hội tụ đủ các yếu tố: công nghệ phát huy được tiềm năng, tạo ra sản phẩm có giá trị thực chất; quan hệ thị trường được củng cố vững chắc, doanh nghiệp duy trì được lợi nhuận; nhận thức của người dân, người tiêu dùng được nâng cao ở từng quốc gia và trên toàn thế giới.
Cuối cùng cần đảm bảo tính công bằng trong quá trình thế giới chuyển đổi xanh, linh hoạt về phương pháp và lộ trình, có tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của các quốc gia.

Nguồn: BỘ NGOẠI GIAO, P4GPARTNERSHIPS.ORG - Dữ liệu: THANH HIỀN - Đồ họa: TUẤN ANH
Đề xuất cụ thể
Dựa trên những bài học đó, Thủ tướng đã đưa ra các đề xuất thiết thực để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh toàn cầu. Trước hết các nước cần hoàn thiện tư duy xanh, trong đó chú trọng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số gắn với tăng trưởng xanh. Đồng thời xây dựng một cộng đồng xanh trách nhiệm với vai trò cụ thể từ chính phủ đến người dân và doanh nghiệp.
Trong cộng đồng xanh này, chính phủ đóng vai trò định hướng, khuyến khích và bảo đảm thể chế ổn định, thuận lợi cho tăng trưởng xanh. Khu vực tư nhân trở thành nòng cốt trong đầu tư công nghệ, phổ cập các tiêu chuẩn xanh, trong khi cộng đồng khoa học đi tiên phong trong phát triển công nghệ xanh và đào tạo nguồn nhân lực xanh.
Người dân - những người thụ hưởng kết quả của quá trình chuyển đổi - cần không ngừng nâng cao ý thức xanh.
Thủ tướng cũng kêu gọi đẩy mạnh hợp tác quốc tế và phát triển mạnh các mô hình hợp tác xanh nhiều bên để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch dòng vốn xanh, công nghệ xanh và quản trị xanh.
Trong đó các nước phát triển cần tiên phong thực hiện cam kết hỗ trợ tài chính, công nghệ, kinh nghiệm cải cách thể chế. Các nước đang phát triển cần phát huy mạnh mẽ nội lực, gắn kết với sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài.
Chiến lược hiệu quả
Chủ đề của hội nghị P4G lần thứ tư - "chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm" - phản ánh chủ trương xuyên suốt của Việt Nam trong những năm qua.
Đây cũng là lần đầu tiên một hội nghị thượng đỉnh P4G đề cập đến yếu tố con người trong quá trình chuyển đổi và tăng trưởng xanh, khác với ba hội nghị trước đó tại Đan Mạch, Hàn Quốc và Colombia - vốn tập trung vào thúc đẩy quan hệ đối tác, trung hòa carbon và tăng trưởng xanh.
Theo giới quan sát, việc đưa chủ trương "không ai bị bỏ lại phía sau" thành chủ đề của một hội nghị thượng đỉnh về tăng trưởng xanh cho thấy mong muốn đóng góp và chia sẻ nhiều hơn nữa của Việt Nam dù vẫn là nước đang phát triển, có những khó khăn nhất định về tài chính và đang đối mặt với tác động lớn của biến đổi khí hậu.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Johan Ndisi chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Thật truyền cảm hứng khi chứng kiến những mục tiêu tham vọng của Việt Nam trong việc trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Là quốc gia luôn tiên phong thúc đẩy phát triển bền vững, Thụy Điển hoan nghênh và ủng hộ mạnh mẽ động lực đó".
Ông nhấn mạnh tính cấp bách toàn cầu của biến đổi khí hậu đòi hỏi hành động quyết liệt từ tất cả các quốc gia.
"Chúng ta cần khai thác tối đa tiềm năng từ các nguồn tài chính, đổi mới sáng tạo và các công nghệ tiên tiến để thúc đẩy khả năng thích ứng với môi trường và tăng trưởng kinh tế bao trùm. Giờ là lúc chuyển đổi từ đối thoại sang hành động, biến những khát vọng chung thành các cam kết cụ thể", ông Johan Ndisi bày tỏ.
Phó tổng thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohamad đánh giá sự tham gia của các nhà lãnh đạo và đại diện các chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư toàn cầu tại hội nghị do Việt Nam đăng cai đã đem lại niềm hy vọng cho thế giới.
"Thông qua hợp tác, chúng ta có thể giúp các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển chuyển đổi hệ thống năng lượng, nước và thực phẩm để trở nên kiên cường hơn, bao trùm và bền vững hơn", bà nhấn mạnh.
Để cụ thể hóa và tăng tính thực chất của hội nghị, nhiều hoạt động kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) trong phát triển xanh với các nhà đầu tư đã được tổ chức. Trọng tâm là triển lãm về tăng trưởng xanh quy tụ hơn 50 start-up trong nước và quốc tế cùng các tổ chức uy tín hàng đầu trong lĩnh vực.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng chia sẻ với báo chí: "Chúng tôi hy vọng sẽ có các kế hoạch hợp tác có ý nghĩa được ký kết giữa các bên, qua đó đóng góp thiết thực vào thành công chung của hội nghị cũng như tiến trình chuyển đổi xanh bền vững mà chúng ta cùng tham gia thúc đẩy.
Qua trao đổi với Việt Nam, một số tổ chức tín dụng và nhà tài trợ quốc tế đã dành những cam kết tài chính có ý nghĩa cho các dự án tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam và sẽ công bố chính thức tại hội nghị".
5 phiên thảo luận cấp bộ trưởng
Trong khuôn khổ Hội nghị P4G lần thứ tư, ngày 17-4 dự kiến diễn ra cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo P4G và tổ chức quốc tế với doanh nghiệp về hợp tác công tư để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, năm phiên thảo luận cấp bộ trưởng sẽ được tổ chức xoay quanh các chủ đề về tài chính cho tăng trưởng xanh, công nghệ cho kỷ nguyên xanh hóa, chuyển đổi năng lượng, xây dựng nguồn nhân lực và hệ thống lương thực cho phát triển bền vững.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận