Ngày 26-7, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã làm việc với các sở ngành, Ban quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) về việc gỡ vướng bởi hạ tầng điện, trạm BTS, cáp viễn thông... để đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Những đường dây điện nhỏ, ảnh hưởng lớn đến thi công cao tốc
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công tình giao thông tỉnh Quảng Ngãi, việc bàn giao mặt bằng cao tốc đã thực hiện xong, giờ vướng mắc phát sinh ở hạ tầng lưới điện, viễn thông, đường ống dẫn nước... cần tháo gỡ.
Việc vướng hạ tầng này đã giải quyết xong khoảng 90% khối lượng, như di dời 8 tuyến đường điện cao thế 220kV và 110kV; di dời /135 cột đường dây trung thế, 299/456 vị trí cột đường dây hạ thế, 1/2 trạm BTS, 210/274 cột viễn thông, 2/5 đường ống nước sạch.
Dẫu vậy, 10% còn lại vẫn gây khó cho nhà thầu thi công cao tốc. Như tại nút giao tỉnh lộ 623B (qua xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa), mặt bằng sạch đã giao, lại vướng đường dây 0,4kV, khiến việc khoan cọc, thi công mố cầu vượt của nhà thầu Đèo Cả gặp khó.
Cạnh đó, nhà thầu Dacinco cũng gặp rắc rối bởi hệ thống lưới điện và viễn thông dọc đường dân sinh; trạm BTS của nhà mạng Viettel ngay đầu tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn như "barie" cản trở việc thi công...
Nhà thầu cho biết những vướng mắc đường dây diện, viễn thông rất nhỏ nhưng lại ảnh hưởng lớn, khi thi công phải "né qua né lại" tránh va chạm, gây chập điện.
Toàn tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn còn vướng khoảng 20 vị trí công trình hạ tầng kỹ thuật, cần di dời. Trong đó, đoạn qua huyện Tư Nghĩa 8 vị trí; huyện Nghĩa Hành 7 vị trí; thị xã Đức Phổ có 5 vị trí.
Phối hợp chặt, vướng đâu gỡ đó, không thể chậm trễ
Theo đại diện Ban quản lý dự án 2, những vướng mắc nhỏ nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ, cần khẩn trương giải quyết, đảm bảo nhà thầu thi công liền mạch.
Chủ đầu tư cho rằng không chỉ UBND tỉnh Quảng Ngãi mà các đơn vị cũng phải có trách nhiệm phối hợp chặt để xử lý dứt điểm.
Bởi các công trình hạ tầng điện, viễn thông này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Khi bàn phương án, khẩn trương thi công trụ, đường dây thay thế. Có như vậy mới đảm bảo công tác thi công hiệu quả và cuộc sống của người dân vẫn diễn ra bình thường.
Ông Trần Phước Hiền - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - cho rằng các tồn tại, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án, nhất là những vướng mắc liên quan đến di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trên tuyến, chủ đầu tư, nhà thầu, chính quyền các địa phương... phải chủ động phối hợp tháo gỡ.
Việc giải phóng mặt bằng, di dời hàng ngàn ngôi nhà, hàng ngàn đất rất khó vẫn làm xong, thì phần việc còn lại rất nhỏ không thể chậm trễ. Cái chính vẫn là sự phối hợp.
"Những vấn đề thuộc chủ đầu tư, nhà thầu, và các địa phương phải chủ động phối hợp. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh, báo cáo kịp thời tỉnh sẽ chỉ đạo xử lý", ông Hiền nói.
Với tinh thần "vướng ở đâu, tập trung tháo gỡ ở đó", phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị phải tập trung tối đa, xử lý từng điểm nghẽn, không thể để phần việc đồ sộ đã làm xong, mà tiến độ cao tốc lại chậm trễ vì những phát sinh nhỏ.
"Việc gỡ vướng cần trách nhiệm của tất cả các bên, không ai đứng ngoài cuộc, vì mục tiêu đưa cao tốc thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam về đích như chỉ đạo của Thủ tướng", ông Hiền nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận