19/04/2025 07:54 GMT+7

Quá hạn buộc phải phân loại rác đã 4 tháng, rác vẫn lộn xộn như cũ

Dù đã quá hạn 4 tháng buộc phải phân loại và không thực hiện sẽ bị xử phạt, nhưng đến nay rác từ nhà dân đến điểm tập kết nhiều nơi vẫn bỏ lộn xộn, do đâu?

Quá hạn buộc phải phân loại rác đã 4 tháng, rác vẫn lộn xộn như cũ - Ảnh 1.

Rác vẫn chưa được phân loại, bỏ lộn xộn ở đường phố Hà Nội (ảnh chụp chiều 18-4) - Ảnh: DANH KHANG

Quy định về phân loại rác được xem là một trong những điểm mới, đột phá của luật. Sau ngày 1-1-2025, cá nhân, tổ chức không phân loại sẽ bị xử phạt.

Điều 75, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định rác thải phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo 3 nhóm gồm rác thải tái sử dụng, tái chế; rác thải thực phẩm; rác thải sinh hoạt khác - chậm nhất đến ngày 31-12-2024 "lệnh" phải thực hiện.

Để chế tài những hành vi không phân loại rác thì nghị định 45 cũng đã quy định chặt chẽ, xử phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng hộ cá nhân không phân loại rác; không sử dụng bao bì chứa rác theo quy định. Như vậy có thể thấy pháp luật quy định đã khá đầy đủ, toàn diện, nhưng tại sao đến nay phân loại rác vẫn còn xôi đỗ.

Nếu đồng loạt phân loại trên cả nước như quy định của luật thì một lượng rác lớn có thể phục vụ ngành thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ và vỏ chai, giấy vụn… cho công nghiệp tái chế vẫn đang "khát" nguồn nguyên liệu.

Từ nhiều năm nay ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore… người dân không phân loại rác hoặc bỏ không đúng nơi quy định thì sẽ bị phạt từ 1,7-20 triệu đồng, tùy từng hành vi, khu vực, quốc gia. 

Để giám sát phân loại rác thì chính quyền địa phương đã lắp camera ở các điểm thu gom. Như Nhật Bản dù yêu cầu phải phân loại rác tới năm loại nhưng vẫn được người dân thực hiện rất nghiêm túc.

Chưa xử phạt được do đâu?

Đã có quy định để xử phạt nhưng tại sao chưa thực hiện được việc này có lẽ là đặc thù phát triển của từng đất nước. Ở những quốc gia phát triển, có thu nhập cao thường thì người dân sẽ "chấp nhận", dễ dàng hiểu rác chính là nguồn tài nguyên.

Còn đối với những quốc gia người dân có mức thu nhập trung bình hoặc thu nhập thấp thì công việc này triển khai có phần khó hơn, cần phải gắn với lợi ích kinh tế dù nhỏ để khích lệ họ, ví dụ như miễn nộp tiền vệ sinh môi trường nếu phân loại rác.

Trước khi luật có hiệu lực, các tỉnh, thành phố đã bắt tay vào phân loại, đạt được kết quả đáng hoan nghênh như Hải Phòng, Bình Dương. Một số địa phương đã làm được, tại sao nhiều nơi vẫn chưa triển khai đồng bộ do đang thiếu những đợt tuyên truyền mạnh mẽ hay do đâu? 

Trước mắt cần đánh giá lại từng xã, phường xem nguyên nhân vì sao? Sau đó Chính phủ nên có tổng kết lại công tác phân loại rác tại các tỉnh, thành phố và nên có thưởng, có phạt.

Nhớ lại câu chuyện mớ lông vịt đổi que kem đã trở thành ký ức tuổi thơ không bao giờ quên của những đứa trẻ 8X, 9X nhiều vùng nông thôn Bắc Trung Bộ. 

Trong những đứa trẻ ăn kem ngày trước thì có quá nửa trẻ biết dùng lông vịt để đổi. Trong suy nghĩ của những đứa trẻ có lẽ chưa thể nghĩ được việc dành dụm, làm sạch, phơi khô mớ lông vịt chính là thu gom hay phân loại rác, mà chỉ có mục đích chờ "chú bán kem".

Hay đổi đôi dép rách, sắt, giấy vụn lấy "kẹo kéo vừa dẻo vừa dai" cũng vậy. Nhìn lại câu chuyện phân loại rác bây giờ cũng chẳng khác là bao, cần sự khích lệ bằng lợi ích, phải "chơi đẹp" với rác. 

Có cơ chế chi trả cho doanh nghiệp thu gom sau phân loại, được không?

Có cơ chế chi trả một phần từ những doanh nghiệp được hưởng lợi sau quá trình phân loại này. Hoàn trả giá trị kinh tế cho những hộ dân đã phân loại là điều nên làm. Khi đã khích lệ được những người dân ban đầu thì nó sẽ trở thành phong trào nhân rộng trên cả nước.

Về lâu dài đưa phân loại rác vào chương trình giáo dục từ lớp mầm non, cấp tiểu học để trẻ thay đổi nhận thức, biết quý trọng từng vỏ lon bỏ đi, biến rác thải thành nguồn tài nguyên vô tận của đất nước.

Tóm lại, để phân loại rác thải thành công phải có lộ trình bài bản, giải pháp trước mắt từ cơ quan chức năng đến những chính sách căn cơ. Bắt tay làm từ bây giờ thì mới có thể hy vọng 10-15 năm nữa sẽ không còn bắt gặp cảnh vứt rác nơi công cộng và người dân sẽ có trách nhiệm cao, ứng xử đẹp với rác.

Mỗi khi rác ùn ứ ở nhiều nơi lại thấy việc phân loại vô cùng quan trọng. Và nếu không quyết liệt hành động, phân loại rác sẽ đi về đâu?

'Chơi đẹp' với rác  - Ảnh 2.Không phân loại rác: Phạt đến 1 triệu đồng

Từ 1-1-2025, các trường hợp không phân loại, thu gom rác thải sẽ bị xử phạt theo nghị định 45/2022.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên