
Xe điện Tesla sạc tại trạm Tesla Supercharger ở San Francisco, California - Ảnh: AFP
Ngày 3-7, Tổng thống Donald Trump đã chính thức ký ban hành siêu dự luật chi tiêu và thuế mang tên "Đạo luật To và Đẹp". Một trong những điều khoản gây chú ý nhất là việc xóa bỏ hoàn toàn khoản tín dụng thuế liên bang dành cho xe điện, cả mới lẫn đã qua sử dụng.
Theo quy định, chính sách hỗ trợ này sẽ chính thức chấm dứt hiệu lực sau ngày 30-9-2025, mở ra một bước ngoặt lớn cho thị trường xe điện Mỹ.
Mùa săn xe điện
Chính sách hỗ trợ xe điện hiện hành được thông qua năm 2022, dưới thời Tổng thống Joe Biden, từng tạo ra cú hích lớn với ưu đãi thuế lên tới 7.500 USD cho xe điện mới và 4.000 USD cho xe đã qua sử dụng. Nhờ đó, doanh số loại "xe xanh" này đã tăng trưởng bùng nổ trong hơn hai năm qua.
Tuy nhiên, sau dự luật ngày 3-7 của Tổng thống Trump, nhiều ý kiến cho rằng tương lai ngành xe điện Mỹ đang trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Các hãng xe lập tức tung ra lời gọi mời hấp dẫn cùng thông điệp khẩn trương: "Mua ngay kẻo trễ".
Theo Hãng tin Reuters, mới đây, Tesla - nhà sản xuất xe điện lớn nhất nước Mỹ - đã gửi thư điện tử quảng bá "Đặt xe ngay để nhận 7.500 USD tín dụng thuế", nhằm thúc đẩy lượng đơn đặt hàng trước khi ưu đãi kết thúc.
Song song đó, giám đốc tài chính (CFO) Tesla, ông Vaibhav Taneja, cũng kêu gọi người tiêu dùng mua xe sớm để tránh khả năng khan hiếm hàng vào cuối năm, đồng thời tiết lộ hãng sẽ cắt giảm các đặc quyền như sạc Supercharging miễn phí hay dùng thử tính năng hỗ trợ lái xe nâng cao, dạng tự lái (Full Self-Driving - FSD) khi nhu cầu tăng.
Không chỉ Tesla, các hãng xe khác cũng vào cuộc quyết liệt. Tạp chí Business Insider cho biết Ford đã gia hạn chương trình tặng bộ sạc tại nhà và miễn phí lắp đặt đến cuối tháng 9-2025, ngay trước thời điểm tín dụng thuế hết hiệu lực.
Trong khi đó, Hãng xe GM (General Motors) cũng phản ứng nhanh chóng bằng việc tăng gói chiết khấu tiền mặt và cung cấp lãi suất 0% cho một số mẫu xe như Chevrolet Equinox EV và Cadillac LYRIQ, theo tạp chí Forbes.
Đài CNBC dẫn lời giám đốc chính sách cấp cao Ingrid Malmgren tại Plug In America (tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ quá trình chuyển đổi nhanh sang xe điện) khẳng định: "Nếu bạn đang cân nhắc xe điện - dù là xe mới, xe đã qua sử dụng hay xe thuê - thì bây giờ chính là lúc để hành động. Đây sẽ là mùa hè của EV (xe điện), vì đến cuối tháng 9, những khoản tín dụng đó sẽ không còn nữa".
Viễn cảnh hậu "cơn bão"
Giới phân tích nhận định, sau ngày 30-9, khi chính sách tín dụng thuế xe điện chấm dứt, thị trường EV tại Mỹ nhiều khả năng sẽ chứng kiến sự sụt giảm doanh số rõ rệt trong quý 4-2025 và đầu năm 2026. Đây là giai đoạn mà các hãng xe buộc phải thay đổi chiến lược nếu không muốn rơi vào thế bị động.
Theo Reuters, ngày 24-7 giám đốc điều hành Tesla, ông Elon Musk, cảnh báo việc Chính phủ Mỹ cắt giảm hỗ trợ cho ngành xe điện có thể sẽ khiến công ty đối mặt với một vài quý "đầy thử thách", trước khi doanh thu từ phần mềm và dịch vụ xe tự lái bắt đầu khởi sắc vào cuối năm 2026.
Do đó để thích ứng, Tesla đang đẩy mạnh phát triển chiến lược AI, robotaxi, đồng thời lên kế hoạch ra mắt dòng xe điện giá thấp nhằm giữ thị phần. Hãng đang xin phép triển khai robotaxi tại thành phố San Francisco và các tiểu bang Nevada, Arizona và Florida với kỳ vọng tạo ra nguồn thu đột phá từ cuối năm sau.
Nhà phân tích Jacob Bourne từ công ty nghiên cứu thị trường eMarketer nhận định: "Kết quả thất vọng của Tesla không có gì đáng ngạc nhiên khi xét đến chặng đường gập ghềnh mà hãng đã trải qua gần đây. Một mẫu xe thực sự giá cả phải chăng có thể giúp Tesla tăng doanh số, miễn là không làm lu mờ giá trị các mẫu xe cao cấp hơn".
Bên cạnh Tesla, Hãng Ford được cho là đang trì hoãn ra mắt một mẫu SUV điện cỡ lớn và bán tải mới, để tập trung duy trì doanh số từ các dòng xe hybrid hiện có - một động thái phản ánh sự thận trọng trong giai đoạn sắp tới.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích thị trường tại ngân hàng đầu tư Barclays (Anh) - ông Dan Levy - nêu quan điểm: "Việc loại bỏ tín dụng thuế (có hiệu lực sau 30-9-2025) sẽ khiến doanh số tăng vọt trong ngắn hạn, rồi lao dốc mạnh sau đó". Dù vậy, theo các chuyên gia, các thương hiệu xe điện nếu duy trì chiến lược giá hợp lý và mạng lưới sạc ổn định vẫn có thể giữ vững doanh số - ngay cả khi tín dụng thuế không còn.
"Tay chơi" nước ngoài đổ bộ
Bên cạnh Tesla và các hãng xe nội địa, thị trường EV Mỹ đang chứng kiến sự gia nhập mạnh mẽ từ nhiều "tay chơi" quốc tế như Volkswagen (Đức), Hyundai - Kia (Hàn Quốc), Toyota - Honda (Nhật Bản) và đặc biệt là các công ty Trung Quốc như Eve Energy và BYD.
Dù chính sách bảo hộ tại Mỹ đang siết chặt nhằm hạn chế cạnh tranh từ bên ngoài, song thực tế cho thấy khó có thể "khóa cửa nhà" hoàn toàn. Các hãng xe nước ngoài không chỉ mang theo sản phẩm với giá cả hợp lý mà còn kèm theo các kế hoạch đầu tư dài hạn.
Đơn cử, Eve Energy đã thành lập liên doanh sản xuất pin LFP tại bang Mississippi, dự kiến vận hành vào năm 2026 để phục vụ thị trường Mỹ. Trong khi đó, gã khổng lồ xe điện Trung Quốc BYD cũng đang xây dựng nhà máy tại Mexico với mục tiêu xuất khẩu xe sang thị trường Mỹ, theo tạp chí Nikkei Asia.
Tất cả những động thái này cho thấy cuộc chơi xe điện tại Mỹ không còn là sân nhà của riêng Tesla hay các hãng nội địa của Mỹ. Sự trỗi dậy từ các đối thủ toàn cầu đang tạo nên một cuộc cạnh tranh dài hơi, khốc liệt và nhiều biến động hơn bao giờ hết.
BÌNH LUẬN HAY