17/05/2025 08:45 GMT+7

Việc đóng tiền rác ở các hộ gia đình TP.HCM có gì thay đổi từ 1-6?

LÊ PHAN
và 1 tác giả khác

Theo quyết định 67 của UBND TP.HCM quy định về giá đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt tại TP (hay còn gọi là tiền rác), từ 1-6, mức thu đối với dịch vụ thu gom tăng lên từng khu vực - các cụm quận, huyện.

tiền rác - Ảnh 1.

Nhân viên thu gom rác tại đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, TP.HCM (ảnh chụp chiều 16-5) - Ảnh: BÉ HIẾU

Bên cạnh đó, cách tính dựa theo kg rác phát sinh từ ≤ 126kg/tháng đến trên 420kg/tháng. Nhiều người thắc mắc cơ sở nào thực hiện cách tính dựa theo kg rác phát sinh?

Cách xây dựng đơn giá hiện nay

Theo quyết định 67, các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt dựa trên khối lượng (kg) hoặc thể tích rác thải.

Tuy nhiên để thuận tiện hơn cho việc triển khai, mức giá này đã được TP.HCM ban hành hẳn ra thành số tiền phải trả cho việc thu gom và vận chuyển theo các khung phát sinh khác nhau để địa phương dễ thực hiện.

Lượng rác (để áp dụng mức thu tiền) được TP tính ước chừng dựa trên số nhân khẩu của mỗi hộ hoặc khối lượng mà các chủ nguồn thải phát sinh ra mỗi ngày để từ đó TP tính toán và ban hành mức thu thành tiền. Việc này không ảnh hưởng tới người dân trong qua trình triển khai. Và các đơn vị thu gom rác cũng không phải mang theo cân để cân đo lượng rác phát sinh tại các hộ gia đình.

Trước đây UBND TP.HCM cũng đã tính toán theo cách này để ban hành một mức giá sàn chung cho cả TP. Từ đó quận huyện sẽ dựa vào đặc điểm của mình để xây dựng đơn giá riêng nhưng không thấp hơn giá sàn. Trước đây mức giá sàn là 48.000 đồng/hộ (bao gồm cả tiền thu gom và vận chuyển).

Điểm mới của quyết định 67 là TP.HCM đã có mức cụ thể cho các cụm quận huyện, gồm 3 cụm: TP Thủ Đức và các quận; huyện Bình Chánh và Củ Chi; huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ. Khi áp dụng vào ngày 1-6 thì sẽ chấm dứt được vấn nạn loạn giá rác, mỗi nơi thu một kiểu.

Như vậy, việc tính tiền rác vẫn được tính mức cụ thể theo quyết định 67 chứ không phải cân đo theo lượng rác phát sinh hàng ngày của các hộ dân. Việc xác định khối lượng rác chủ yếu được áp dụng tại các trạm ép rác hoặc các đơn vị xử lý tập trung để TP nắm bắt được khối lượng để thanh toán cho các đơn vị xử lý.

Khi nào TP.HCM sẽ tính tiền rác theo kg?

Trong quyết định mới ban hành, TP.HCM cho biết sẽ tính tiền rác theo kg khi triển khai thực hiện phân loại tại nguồn (theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020). Khi đó, khối lượng rác để tính tiền là rác sau phân loại (không bao gồm chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng và chất thải nguy hại đã được phân loại riêng).

Ví dụ một hộ gia đình cơ bản 4 nhân khẩu, địa phương sẽ làm việc và thỏa thuận với hộ gia đình đó về mức phát thải của hộ mỗi ngày để tính tổng khối lượng trong một khoảng thời gian (có thể 1 tháng, 1 quý, 1 năm). Khi đã thống nhất được khối lượng thì sẽ nhân với đơn giá tương ứng. Đối với các nhóm xả thải khác cũng tính tương tự.

Tuy nhiên, với hạ tầng hiện tại cũng như việc phân loại rác tại TP.HCM sau nhiều lần thí điểm đến nay vẫn chưa được thực hiện một cách bài bản và đồng loạt, vì vậy giải pháp tính tiền thu gom, vận chuyển và xử lý rác theo khối lượng phát sinh tại các hộ gia đình chưa thể áp dụng sớm được.

Theo quyết định 67, từ 1-6, các hộ gia đình sẽ mặc định đóng mức thấp nhất của khung giá - tức lượng rác thải từ 126kg/tháng/hộ trở xuống.

Các hộ dân ở TP Thủ Đức và các quận đóng 61.000 đồng tiền thu gom và 23.000 đồng tiền vận chuyển; huyện Bình Chánh và Củ Chi đóng 57.000 đồng tiền thu gom và 19.000 đồng tiền vận chuyển.

Tương tự, các huyện Hóc Môn, Nhà Bè và Cần Giờ đóng 57.000 đồng tiền thu gom và 23.000 đồng tiền vận chuyển.

* Đóng tiền rác qua app được không?

Đây là câu hỏi của nhiều bạn đọc liên quan việc thu tiền rác hiện nay. Về vấn đề này, theo UBND quận Phú Nhuận, hiện tại người dân tại quận đóng tiền rác bằng ba phương thức: trực tiếp cho tổ dân phố, quét mã QR trên các nhóm dân phố hoặc thông qua app Grac. Sau đó địa phương sẽ chi trả tiền thu gom ngược lại cho lực lượng thu gom, tiền vận chuyển nộp vào ngân sách nhà nước.

Thu tiền rác theo cách nào phù hợp nhất?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các chuyên gia cho rằng nên tiếp tục thu tiền rác trên đầu người thay vì áp theo kg. Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen phân loại rác thải tại nguồn. Hiện nay nhiều địa phương trên cả nước vẫn đang tiến hành thu tiền rác dựa trên bình quân đầu người.

Sau đây là ý kiến chuyên gia xung quanh việc thu tiền rác sao cho công bằng, minh bạch và hợp lý.

TS Lê Xuân Nghĩa (thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia):

Không thể đi "cân" rác được

Việc đóng tiền rác ở các hộ gia đình TP.HCM có gì thay đổi từ 1-6? - Ảnh 2.

Nguyên tắc thu "thải nhiều rác phải trả nhiều tiền" là đúng theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Tuy nhiên cần phải nghiên cứu phương pháp tính sao cho phù hợp.

Hiện tại không thể đi cân rác từng hộ dân được. Lượng rác xả mỗi nhà có tháng ít, có tháng nhiều. Quy định trong luật là đúng nhưng các địa phương phải tìm giải pháp thực hiện cho phù hợp với từng nơi, hướng đến chi phí thấp nhất.

Nhiều chủ chung cư mini, nhà trọ ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM thu phí rác của người thuê mức cao trong khi nộp lại cho công ty thu gom mức thấp thậm chí trốn tránh nghĩa vụ.

Thời gian tới, để công bằng trong việc trả phí rác thì công ty thu gom, chính quyền địa phương cũng cần làm rõ số lượng người cụ thể ở trong các tòa chung cư mini, khu nhà trọ hay lượng người lưu trú, ăn uống ở khách sạn, nhà hàng để tính toán cho phù hợp.

GS Đặng Hùng Võ (chuyên gia quản lý tài nguyên):

Thải nhiều rác phải trả nhiều tiền

Việc đóng tiền rác ở các hộ gia đình TP.HCM có gì thay đổi từ 1-6? - Ảnh 2.

Rất khó để áp dụng cách tính theo khối lượng rác từng gia đình, dù đây là điều nhiều người mong muốn. Việc này có thể phát sinh việc xấu khi người dân có thể bỏ trộm rác sang nơi khác. Không ai giám sát được chuyện người dân mang rác từ gia đình mình sang các địa bàn khác để bỏ trộm.

Theo tôi vẫn nên áp dụng việc chia bình quân theo đầu người rồi sau đó tìm các giải pháp khác cho phù hợp để áp theo nguyên tắc thải nhiều rác phải trả nhiều tiền.

Giải quyết bài toán rác thải ở đô thị hiện nay, theo tôi, ngoài tuyên truyền tới người dân nhận thức rác là tài nguyên và phải phân loại thì cần có những chính sách để kích thích họ. Nên áp dụng công nghệ trong dịch vụ thu gom rác, mỗi một gia đình và cá nhân có thể dễ dàng đóng tiền rác thải qua điện thoại di động.

Khi đã minh bạch trong đóng phí rác thải thì ai cũng sẽ được hưởng lợi và sẽ tác động lên nhận thức giúp bảo vệ môi trường tốt hơn.

Vẫn phải chờ toàn dân phân loại rác

Theo điều 79 của Luật Bảo vệ môi trường 2020, chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt được tính toán phù hợp với quy định của pháp luật về giá và dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định tại điểm a và điểm b, khoản 1, điều 75 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2022) có quy định: đến ngày 31-12-2024 các địa phương phải thực hiện phân loại rác tại nguồn và tính phí thu gom, vận chuyển. Hải Phòng, Bình Dương... là những điểm sáng đã triển khai phân loại rác. Đến nay, dù đã quá hạn hơn 5 tháng nhưng hầu hết các tỉnh thành vẫn chưa phân loại rác đồng bộ.

Việc đóng tiền rác ở các hộ gia đình TP.HCM có gì thay đổi từ 1-6? - Ảnh 4.Thu tiền rác theo kg sao cho hợp lý?

UBND TP.HCM vừa ban hành quy định về giá với việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt (tiền rác), áp dụng từ ngày 1-6.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0