22/04/2025 08:55 GMT+7

Vatican công bố nguyên nhân Giáo hoàng Francis qua đời

Vatican xác nhận Giáo hoàng Francis qua đời do đột quỵ, hôn mê và suy tim không thể phục hồi, khép lại 12 năm Ngài lãnh đạo Giáo hội Công giáo với nhiều dấu ấn đặc biệt.

Vatican công bố nguyên nhân Giáo hoàng Francis qua đời - Ảnh 1.

Hình ảnh Đức Giáo hoàng Francis trước Nhà thờ Chính tòa Mẹ Teresa ở Pristina, Kosovo - Ảnh: REUTERS

Ngày 21-4, cả thế giới bàng hoàng trước tin Giáo hoàng Francis đã trút hơi thở cuối cùng. Ngài qua đời ở tuổi 88, khép lại 12 năm giữ vai trò lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Công giáo.

Theo thông tin từ Vatican, nguyên nhân dẫn đến sự ra đi của Giáo hoàng Francis được xác định là do đột quỵ, sau đó rơi vào hôn mê và cuối cùng là tình trạng suy tim không thể phục hồi.

Giáo hoàng đã qua đời vào lúc 7h35 sáng (giờ địa phương) tại nơi ở của Ngài trong nhà khách Santa Marta thuộc Vatican.

Tiến sĩ Andrea Arcangeli, giám đốc Cục Y tế và vệ sinh của Thành Vatican, đã ký xác nhận chính thức, và văn phòng báo chí Tòa Thánh công bố báo cáo này vào tối 21-4 (giờ địa phương).

Theo báo cáo y tế, Giáo hoàng có tiền sử suy hô hấp cấp do viêm phổi hai bên do nhiều loại vi khuẩn gây ra, tình trạng giãn phế quản lan rộng, huyết áp cao và tiểu đường type 2.

Trong 12 năm trị vì, Giáo hoàng Francis từng mắc nhiều bệnh, và gần đây phải đối mặt với những biến chứng nghiêm trọng do viêm phổi hai bên, khiến Ngài phải nằm viện 38 ngày tại Bệnh viện Đại học Gemelli ở Rome vào tháng 2 và tháng 3.

Sự ra đi của Ngài được xác nhận thông qua phương pháp điện tâm đồ xác định tử vong (electrocardiographic thanatography). 

"Tôi xin xác nhận rằng nguyên nhân tử vong, theo hiểu biết và đánh giá chuyên môn của tôi, là những điều nêu trên", bác sĩ Arcangeli kết luận.

Trước đó, Vatican đã công bố di chúc thiêng liêng của Giáo hoàng Francis, trong đó Ngài bày tỏ mong muốn được yên nghỉ tại Đền thờ Đức Bà Cả ở Rome, thay vì Đền thờ Thánh Phêrô như nhiều vị tiền nhiệm. 

Ngài muốn được an táng dưới lòng đất, “không trang trí đặc biệt”, chỉ khắc tên giáo hoàng bằng tiếng Latin: Franciscus.

“Như tôi cảm nhận được hoàng hôn của cuộc đời trần thế đang đến gần, với niềm hy vọng vững chắc vào sự sống đời đời, tôi muốn bày tỏ mong muốn cuối cùng của mình về nơi chôn cất”, di chúc viết (đề ngày 29-6-2022). “Nguyện xin Chúa ban phần thưởng xứng đáng cho tất cả những ai đã yêu thương tôi và vẫn tiếp tục cầu nguyện cho tôi".

Thi hài của Giáo hoàng Francis sẽ được mặc phẩm phục giáo hoàng và đặt tại Đền thờ Thánh Phêrô để người dân đến viếng. Trong thời gian này, các buổi cầu nguyện và lễ cầu hồn sẽ được tổ chức tại các nhà thờ Công giáo trên toàn thế giới và tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Giáo hoàng Francis trong vòng tay của người dân lần cuối - Nguồn video: AFP

Vatican cũng bước vào giai đoạn chuyển tiếp gọi là sede vacante (ngôi vị trống), trong đó quyền lực được chuyển giao cho Hồng y đoàn, nhưng chưa có quyết định lớn nào được đưa ra cho đến khi bầu ra giáo hoàng mới.

Khoảng 15-20 ngày tới, các hồng y dưới 80 tuổi sẽ nhóm họp tại Nhà nguyện Sistine ở Vatican, nơi sẽ được niêm phong, để bầu giáo hoàng mới bằng hình thức bỏ phiếu kín. Khi tân giáo hoàng được chọn, khói trắng sẽ bốc lên từ ống khói nhà nguyện để thông báo cho thế giới.

Vatican công bố nguyên nhân Giáo hoàng Francis qua đời - Ảnh 3.Tạm biệt Đức Giáo hoàng - Người hành hương của hòa bình

Theo thông báo của Vatican, Giáo hoàng Francis đã qua đời vào ngày 21-4, hưởng thọ 88 tuổi. "7h35 sáng nay, Giám mục thành Rome, Francis, đã trở về nhà Cha", Hồng y Kevin Farrell thông báo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0