
Không ít nghệ sĩ, KOL đang trở thành gương mặt quảng cáo cho vô số loại mỹ phẩm và thực phẩm chức năng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày 8-5, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản gửi UBND quận, huyện và TP Thủ Đức, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu mỹ phẩm trên địa bàn về việc tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo mỹ phẩm.
Việc này nhằm đảm bảo an toàn, quyền lợi cho người tiêu dùng, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực mỹ phẩm đạt hiệu quả.
Sở Y tế TP.HCM đề nghị UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức chỉ đạo các phòng, ban, lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý mỹ phẩm.
Các đội quản lý thị trường và cơ quan chức năng liên quan tăng cường, tập trung kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không đúng địa chỉ công bố.
Nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trái phép, hàng xách tay, hàng giả, chưa rõ nguồn gốc; thông tin, quảng cáo tính năng, công dụng không phù hợp hoặc vượt quá tính năng, công dụng như đã công bố…
Đồng thời, xử lý, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm theo quy định.
Đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm chủ động rà soát, tự kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuân thủ quy định pháp luật.
Không được sản xuất, gia công mỹ phẩm khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm có công thức không đúng như hồ sơ…
Đồng thời chỉ được phép hoạt động quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm trên các phương tiện quảng cáo sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo…
Đặc biệt không được phép thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng mỹ phẩm không phù hợp với tính năng, công dụng đã công bố.
Bộ Y tế báo cáo Quốc hội về lời hứa quản lý mỹ phẩm
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại kỳ họp trước trong lĩnh vực y tế.
Tại báo cáo, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ việc thực hiện lời hứa tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Thời gian vừa quan Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã thu hồi 58 số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm (56 từ hậu kiểm của Bộ Y tế, 1 từ sở y tế, 1 từ giám sát chất lượng), 2 sản phẩm vi phạm nhãn và 33 sản phẩm vi phạm sản xuất, ghi nhãn (do sở y tế chuyển). Đình chỉ, thu hồi 9 sản phẩm không đạt chất lượng, tiêu hủy lô không đảm bảo, xử phạt gần 600 triệu đồng.
Về kiểm tra, hậu kiểm với mỹ phẩm, báo cáo nêu rõ còn nhiều khó khăn. Theo đó, công tác hậu kiểm mỹ phẩm theo Hiệp định mỹ phẩm ASEAN đòi hỏi tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhưng nguồn lực tại Trung ương và địa phương còn thiếu, một số sở y tế chưa có cán bộ chuyên trách.
BÌNH LUẬN HAY