
Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh phải) tối 4-4 - Ảnh: TTXVN - Nhà Trắng (Mỹ)
Chiều 4-4, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã họp với các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan ngoại giao để bàn về các giải pháp xử lý vấn đề thuế quan với Mỹ.
Đề nghị Mỹ cân nhắc tạm hoãn áp thuế từ 1-3 tháng
Khẳng định thiện chí đàm phán để sớm tìm được tiếng nói chung, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ: Chính phủ Việt Nam đề nghị phía Mỹ cân nhắc tạm hoãn áp thuế từ 1-3 tháng để đàm phán, hướng tới đảm bảo công bằng về thuế.
Cùng với việc tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số... Ông Phớc đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ giữ nguyên giá để chờ kết quả đàm phán, đồng thời chủ động triển khai các giải pháp phù hợp và hiệu quả để "giữ thị trường" Mỹ.
Đồng thời các hiệp hội doanh nghiệp của Mỹ chuyển thông điệp thiện chí từ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tới chính quyền Tổng thống Donald Trump để việc đàm phán hiệu quả, đạt kết quả tốt đẹp, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu mở rộng và đa dạng hóa thị trường được Bộ Công Thương đặt ra nhằm khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam đã đàm phán ký kết.
Theo ông Tạ Hoàng Linh, vụ trưởng Vụ Thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương), hiện Việt Nam đang là nước sở hữu số lượng FTA nhiều nhất và nhờ đó những năm qua xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng vượt bậc với gần 800 tỉ USD.
Những doanh nghiệp đủ năng lực được khuyến khích tận dụng ưu đãi tại thị trường Mỹ và EU, bởi đây là những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao và khả năng đáp ứng yêu cầu lô hàng lớn về xuất khẩu. Do đó, cùng với các ưu đãi thuế trong các FTA, thông qua chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, bộ đã hỗ trợ tích cực nhóm doanh nghiệp này.
Cùng đó, bộ cũng đẩy mạnh và mở rộng đàm phán FTA với các nước. Việc thảo luận đàm phán trên cơ sở nghiên cứu báo cáo khả thi xem có thể mở cửa những mặt hàng gì nhằm giúp doanh nghiệp hưởng lợi.
Theo đó, ông Linh cho biết đang thúc đẩy đàm phán ký kết với các nước Mỹ Latin, Nam Á, Đông Âu, Trung Đông, cụ thể là các nước thuộc vùng Vịnh (GCC), Pakistan, Ấn Độ, Ai Cập...

Doanh nghiệp tăng cường trao đổi đàm phán với đối tác thông qua xúc tiến thương mại - Ảnh: M.THƯ
Hàng Việt cần thêm "chất Mỹ"
Trong khi đó, phía các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đề ra các ứng phó.
"Mua công ty tại Mỹ và cải tạo là cách nhanh nhất bước vào thị trường Mỹ" - ông Trần Việt Tiến, ủy viên ban chấp hành Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), chia sẻ với Tuổi Trẻ. Không riêng ông Tiến, một số doanh nghiệp ngành gỗ dự đoán xu hướng mua công ty cùng ngành tại Mỹ hoặc hợp tác, liên doanh hợp tác sẽ rõ nét hơn trong thời gian tới.
Ngoài ra, họ có thể cân nhắc tổ chức sản xuất hoàn thiện tại Mỹ với các linh kiện/bộ phận được sản xuất tại Việt Nam và ưu tiên những dòng hàng ít sử dụng lao động.
Ông Đỗ Ngọc Hưng - tham tán thương mại, trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ - cho biết với các mặt hàng có thể chứng minh có nguồn gốc nguyên liệu hoặc các yếu tố khác từ Mỹ (US content) trên 20% thì mức thuế 46% chỉ áp dụng với phần giá trị không xuất xứ từ Mỹ (non-US). Do đó, các doanh nghiệp có thể cân nhắc mua nguyên liệu đầu vào có xuất xứ từ Mỹ nếu phù hợp để giảm thiểu mức thuế phải chịu.
Ngoài các giải pháp nêu trên, ông Trần Việt Tiến cho rằng doanh nghiệp ngành gỗ có thể cân nhắc như tham gia chuỗi phân phối tại Mỹ. Ông lý giải: khi thuế tăng thì giá hàng hóa cũng sẽ tăng.
Ví dụ một sản phẩm từ nhà máy nội thất tại Việt Nam bán theo hình thức FOB (giá tại cảng, không bao gồm bảo hiểm, phí vận chuyển) với giá là 100 USD, người dùng tại Mỹ đang phải trả từ 300 - 400 USD. Nếu mức thuế 46% được áp dụng, mức giá người tiêu dùng Mỹ phải trả sẽ ít nhất là 350 USD.
"Nếu bán theo FOB với 46 USD tiền thuế, nhà mua hàng khó mua nổi từ Việt Nam. Nhưng nếu nhà máy đầu tư phân phối tại Mỹ thì 46 USD này là hoàn toàn chấp nhận được", ông Tiến nói.

Đồ họa: T.ĐẠT
Lời giải nằm ở bài toán cũ
Giai đoạn hiện nay thử thách khả năng ứng biến của cả cộng đồng doanh nghiệp và nhà điều hành chính sách.
Trước mắt, cần tìm cách tháo gỡ khó khăn về mức thuế từ Mỹ, đồng thời còn nhiều cách có thể được tận dụng để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế thông qua đa dạng hóa nguồn hàng đầu vào, tăng thực thi các quy tắc xuất xứ và cải thiện môi trường kinh doanh. Mục tiêu là đưa thách thức lúc này thành động lực cho các cải cách chính sách.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, lúc này không nên chỉ tập trung đo lường tác động lên từng mặt hàng hay kỳ vọng giảm thâm hụt thương mại ngắn hạn. Thay vào đó, Việt Nam cần thể hiện thiện chí qua việc minh bạch thông tin về chính sách, thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là các rào cản thuế quan và phi thuế quan trong quan hệ song phương.
Đây là cách xây dựng niềm tin về một chính sách linh hoạt, sẵn sàng mở cửa thị trường theo tinh thần đôi bên cùng có lợi với chính phủ, doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ.
"Ngoài giải pháp tạm thời, về lâu dài, Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất nội địa và cải thiện văn hóa kinh doanh trong nền kinh tế" - TS Nguyễn Quốc Việt nói.
Sẵn sàng đưa thuế nhập khẩu hàng Mỹ về 0%
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, tại cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Trump vào tối 4-4, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao cuộc trao đổi, trong đó hai nhà lãnh đạo khẳng định mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác song phương vì lợi ích hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Hai nhà lãnh đạo cùng đánh giá quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực.
Về quan hệ thương mại song phương, hai nhà lãnh đạo cùng trao đổi các biện pháp để tiếp tục thúc đẩy việc giao thương. Trong đó Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Ông đồng thời đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Mỹ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Mỹ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ cùng trao đổi để sớm ký một thỏa thuận song phương giữa hai nước để cụ thể hóa những cam kết trên. Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm trân trọng mời Tổng thống Donald Trump và Phu nhân sớm thăm lại Việt Nam.
Tổng thống Trump vui vẻ nhận lời và bày tỏ mong muốn sớm gặp lại Tổng Bí thư Tô Lâm. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng trân trọng nhờ Tổng Bí thư Tô Lâm chuyển lời thăm hỏi thân tình tới các lãnh đạo và nhân dân Việt Nam.
Vì sao thị trường Mỹ quan trọng?
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai, là thị trường xuất khẩu lớn nhất, là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Do vậy, những tác động từ thuế quan của Mỹ nhận được sự quan tâm lớn từ phía doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam…
Hiểu đúng về mức thuế đối ứng
Theo Trung tâm WTO và hội nhập - VCCI, Tổng thống Trump đã chính thức ký và công bố sắc lệnh áp thuế đối ứng đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các đối tác thương mại của Mỹ.
Trong sắc lệnh được công bố, Mỹ dự kiến sẽ áp các mức thuế đối ứng với tính chất là một loại thuế bổ sung bên cạnh các loại thuế, phí và khoản thu khác mà Mỹ hiện đang áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này.

Mặt hàng cà phê khi xuất khẩu qua Mỹ thuận lợi vì đối tác Mỹ thông tin thuế bằng 0% - Ảnh: T.LỰC
Phía Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ cho biết thuế được tính trên nhiều yếu tố như kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu và độ biến động nhu cầu dựa trên thay đổi về giá.
Dẫn thông báo từ Mỹ, Trung tâm WTO và hội nhập giải thích thêm: thuế đối ứng sẽ được Mỹ áp dụng đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào nước này ngoại trừ các loại hàng hóa được liệt kê cụ thể trong phụ lục đi kèm sắc lệnh, tạm gọi là các hàng hóa được miễn trừ.
Nổi bật trong số các dòng hàng hóa được miễn trừ thuế đối ứng là một số loại dược phẩm, chất bán dẫn, đồng, gỗ nguyên liệu, khoáng sản quan trọng, sản phẩm năng lượng...
Một số sản phẩm nhôm thép, sản phẩm phái sinh từ nhôm thép và ô tô, phụ tùng ô tô cũng không bị áp thuế đối ứng. Tuy nhiên theo tổ chức này, các sản phẩm nhôm thép và ô tô, phụ tùng ô tô này sẽ vẫn bị áp thuế bổ sung 25% theo sắc lệnh thuế từ ngày 10-2-2025 và 26-3-2025 của Tổng thống Trump.
Đáng chú ý nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ như điện thoại, đồ nội thất, giày dép, hàng dệt may, thủy sản… không nằm trong danh sách được miễn trừ này. Do đó, các ngành này dự kiến sẽ phải chịu tác động đáng kể từ thuế đối ứng của Mỹ nếu mức thuế trên thành hiện thực.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo việc thực hiện thuế đối ứng sẽ rất phức tạp về mặt hành chính, do có hàng chục nghìn mã sản phẩm nên sẽ phải có rất nhiều mức thuế suất khác nhau. Vì vậy, doanh nghiệp cần có những trao đổi cần thiết, kịp thời với đối tác, bạn hàng, các cơ quan quản lý phía Việt Nam để tìm hiểu chính xác nhất, đồng thời lên phương án ứng phó phù hợp.
Mỹ vẫn là đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam
Giao thương giữa hai nước không ngừng phát triển, đặc biệt sau khi Việt Nam - Mỹ ký hiệp định thương mại song phương năm 2001. Đến 2024, tổng kim ngạch đạt 134,6 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 119,6 tỉ USD, tăng 23,3% (chiếm khoảng 30% GDP Việt Nam) và nhập khẩu đạt 15 tỉ USD, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.
Mỹ vẫn là đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam với các mặt hàng như điện tử, dệt may, giày dép và nông sản. Có 16 nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch 1 tỉ USD trở lên.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng nhiều lần khuyến cáo doanh nghiệp nội địa mở rộng thị trường xuất khẩu mới. Theo đó, việc tìm kiếm và mở rộng các thị trường mới, đặc biệt là các quốc gia có nhu cầu lớn về hàng hóa của Việt Nam, sẽ giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Mỹ, EU và Trung Quốc.
"Các thị trường như châu Phi, Trung Đông và một số quốc gia ASEAN có thể là cơ hội tốt" - cơ quan thống kê khuyến nghị.
Ngay sau khi có thông tin áp thuế, nhiều chuyên gia đồng tình rằng thuế quan 46% là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc kinh tế, giảm phụ thuộc vào một thị trường lớn.
BÌNH LUẬN HAY